Quá trình giảm nghèo ở các tỉnh miền núi Phía Bắc bị tác động bởi biến đổi khí hậu

Thứ năm, 07/03/2024 12:48
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các địa phương khu vực miền núi phía Bắc, nhất là đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp. Điều này làm việc sinh hoạt và mưu sinh người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ làm chậm qua trìnhphát triển của các địa phương thuộc vùng núi phía Bắc đây là khu vực có tỷ lệ nghèo đa chiều nằm trong nhóm cao nhất cả nước.

Theo thông tin từ Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) thì tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng tới công cuộc xóa đói giảm nghèo, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các tỉnh miền núi phía. Trong giai đoạn 2010 – 2020, tổng thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai ở khu vực này lên tới hơn 16 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, xét theo các vùng, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất, chiếm 18,2%. Trong đó, riêng 10 tỉnh miền núi phía Bắc có tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là hơn 465 nghìn hộ.

Theo đánh giá từ Tổng cục Khí tượng thủy văn, khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng và chịu thiệt hai nặng nề bởi các loại hình thiên tai chính như: lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, hạn hán, mưa lớn, băng tuyết... Căn cứ tính chất, khả năng gây thiệt hại, thiên tai khu vực thường được chia thành 3 nhóm chính. Cụ thể, nhóm 1 gồm: mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Nhóm gây thiệt hại lớn thứ 2 gồm: sương muối, rét hại và băng tuyết; nhóm 3 gồm: nắng nóng, lốc, sét, mưa đá và các loại hình thiên tai khác. Trượt lở đất đá và lũ quét là hai loại hình thiên tai nguy hiểm, có sức tàn phá lớn, thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão hàng năm tại khu vực MNPB, các trận lũ quét, lũ bùn đá xảy ra tại các vùng núi, trung du Việt Nam đều liên quan đến trượt lở đất đá. Các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng..., gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng và tài sản của nhân. Nguyên nhân gây trượt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam rất đa dạng, trong đó đặc biệt phải kể đến các yếu tố địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, thạch học, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, sử dụng đất, khí tượng, thủy văn.

 Lũ lụt gây ảnh hưởng đến đời sống người dân các tỉnh miền núi

Hơn nữa, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng người miền đồi núi nếu không được quy hoạch một cách bền vững và khoa học sẽ có khả năng gây nhiều tác động tiêu cực, làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên và trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng tác động sự xuất hiện cũng như mức độ nghiêm trọng của trượt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ quét.

Hiện tượng sương muối, rét đậm, rét hại, băng giá cũng trở thành mối lo ngại cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Các loại hình thiên tai này thường diễn ra vào tháng 11 đến tháng 3 năm sau, với trung bình khoảng 5 - 15 đợt ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ảnh hưởng lớn sức khỏe còn người, thiệt hại nghiêm trọng tới cây trồng và vật nuôi.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã giao Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nghiên cứu, điều tra, khảo sát và xây dựng dự thảo Báo cáo về giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững khu vực miền núi phía Bắc. Nhóm nghiên cứu chỉ ra, các chính sách thích ứng BĐKH ở cấp quốc gia đã được ban hành, song, việc lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong các kế hoạch phát triển và nguồn lực đầu tư hạn chế, dẫn đến hiệu quả thấp trong thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giải pháp thích ứng với BĐKH hầu hết có tính ngắn hạn chưa chú trọng vào dài hạn, chủ yếu tập trung vào phục hồi các tác động vật lý đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của con người nên còn bị động và nhiều khi chưa kịp thời đáp ứng khi thiên tai xảy ra.

Công tác ứng phó với BĐKH tuy đã được các địa phương khu vực MNPB quan tâm đầu tư nhưng còn hạn chế. Mặt khác, còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong chuyển đổi công nghệ và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Việc giải quyết các vấn đề liên ngành, liên tỉnh và liên vùng liên quan tới BĐKH thực sự chưa đạt được hiệu quả cao.

Trong những năm tới, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra nhanh với mức tăng nhiệt độ trung bình năm là khoảng 2,2 độ C và lượng mưa có xu thế tăng với mức phổ biến trong khoảng từ 6 đến 12%. Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục là yếu tố chính đóng góp cho sự gia tăng của thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, ngập lụt và trượt lở đất đá. Dự báo có hơn 75% diện tích của toàn khu vực, đặc biệt là các khu vực đất dốc và đất lâm nghiệp sẽ chịu tác động mạnh của nguy cơ về trượt lở đất đá; lũ ống, lũ quét là nguy cơ lớn nhưng khả năng dự báo còn rất hạn chế. Các nguy cơ này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và có tác động đáng kể đến đời sống, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất ở các địa phương khu vực miền núi phía Bắc theo quy mô và cấp độ khác nhau./.

VH(Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực