Theo UBND TP Hà Nội, sau hơn 10 năm phát triển tính từ năm 2013, địa giới hành chính và số đơn vị hành chính của Thủ đô đã ổn định, diện tích được xác định chính xác là 3.358,92km2, dân số khoảng 8.246.500 người với 12 quận, 1 thị xã, 17 huyện và 584 xã phường, thị trấn. Theo quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị trên địa bàn TP Hà Nội gồm: Đô thị trung tâm là đô thị đặc biệt; Đô thị Hòa Lạc là đô thị loại II; Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên là đô thị loại III; 03 Thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn là đô thị loại IV; 11 thị trấn thuộc huyện là đô thị loại V.
Mặc dù tình hình phát triển đô thị của Hà Nội rất ấn tượng, nhưng nguy cơ cháy nổ lại tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị trung tâm. Với sự gia tăng dân số nhanh chóng khi người dân từ các tỉnh thành khác đến Hà Nội để sinh sống, học tập, và làm việc, nhu cầu nhà ở tại thành phố ngày càng tăng cao. Kết quả là, nhiều khu nhà như nhà trọ, chung cư mini mọc lên như nấm. Tuy nhiên, nhiều trong số này không tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về phòng cháy chữa cháy, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đáng lo ngại. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường công tác phòng chống cháy nổ để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản tại thủ đô.
Trong vài năm qua, Hà Nội đã chứng kiến vô số vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP. Hà Nội, từ năm 2019 đến 2023, thành phố đã xảy ra hơn 500 vụ cháy lớn nhỏ. Nguyên nhân chính của các vụ cháy này chủ yếu là do sự cố điện (chiếm khoảng 60%), sử dụng các thiết bị đun nấu không an toàn, và vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Các khu vực có nguy cơ cao nhất là các khu nhà trọ, chung cư mini và các khu dân cư đông đúc nơi mật độ xây dựng cao và hạ tầng phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế. Hậu quả của những vụ cháy nổ này là rất nặng nề, không chỉ về mặt kinh tế mà còn gây mất mát lớn về tính mạng con người.
Mới gần đây nhất, là vụ cháy nhà trọ thương tâm ở Ngõ 119 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 24/5/2024 đã khiến 14 người tử vong, và 3 người bị thương.
|
Hiện trường vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong ở Trung Kính (Nguồn ảnh: Vnexpress) |
Hay một vụ cháy chung cư mini tang thương hơn được xảy ra vào thời điểm ngày 12/9/2023 ở Khương Hạ, Thanh Xuân khiến 56 người tử vong gây chấn động dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi về công tác phòng chống cháy nổ tại thành phố.
|
Hiện trường vụ chát nhà trọ khiến 56 người tử vong ở Thanh Xuân (Nguồn ảnh: Báo Lao Động) |
Ngoài các vụ cháy chung cư mini, nhà trọ,… ở Hà Nội còn có các vụ cháy nghiêm trọng khác là cháy karaoke. Cụ thể, vụ cháy karaoke ngày 1/8/2022 khiến 3 cán bộ chiến sỹ phòng cháy chữa cháy hy sinh ở số 231 Quan Hoa, Cầu Giấy.
|
Hiện trường vụ cháy karaoke khiến 3 cán bộ PCCC hy sinh. (Nguồn ảnh: Internet) |
Và còn rất nhiều các vụ cháy khác quanh khu vực Hà Nội, nhưng may mắn hậu quả không gây ảnh hưởng đến người. Nhìn vào những dẫn chứng cụ thể trên cho thấy thiếu sót chính trong hạ tầng PCCC tại Hà Nội bao gồm việc thiếu các hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, thiếu lối thoát hiểm và lối thoát nạn an toàn, và thiếu các thiết bị cứu hỏa cơ bản tại chỗ. Hơn nữa, công tác kiểm tra, bảo dưỡng và nâng cấp các thiết bị PCCC còn chưa được thực hiện thường xuyên và đầy đủ, dẫn đến tình trạng nhiều thiết bị không hoạt động khi cần thiết. Đặc biệt, nhiều khu nhà trọ và chung cư mini không có lối thoát hiểm an toàn, không được trang bị bình chữa cháy và hệ thống báo cháy, khiến nguy cơ cháy nổ tại đây luôn ở mức cao. Cụ thể là nhiều khu vực cũ, khu dân cư tự phát và các khu nhà trọ, chung cư mini vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn PCCC.
Để tăng cường được công tác PCCC ở Hà nội, đầu tiên cần tăng cường kiểm tra giám sát các cơ hoạt động kinh doanh dưới mô hình nhà trọ, chung cư mini,… hay các cơ sở kinh doanh dịch vụ như Karaoke. Nhằm đảm bảo các quy định phòng cháy chữa cháy được tuân thử nghiêm ngặt là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chức năng. Các đợt kiểm tra đột xuất và định kỳ cần được thực hiện để phát hiện và khắc phục kịp thời các vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm nhằm răn đe và năng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, nâng cao ý thức PCCC đến mọi tầng lớp nhân dân là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Chính quyền, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, internet và các mạng xã hội. Các buổi tập huấn và diễn tập phòng chống cháy nổ cần được tổ chức thường xuyên tại các khu dân cư, doanh nghiệp và cơ quan công sở. Việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống cháy nổ sẽ giúp họ chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng trước các nguy cơ cháy nổ.
|
Tăng cường công tác PCCC ở các khu vực Hà Nội (Nguồn ảnh: TTNVN) |
Cuối cùng, cần đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị và cơ sở hạ tầng là điều cần thiết. Chính quyền cần tiếp tục trang bị cho lực lượng phòng cháy chữa cháy những phương tiện hiện đại như xe cứu hỏa, máy bơm nước cao áp, thiết bị cứu hộ và các hệ thống báo cháy tự động. Việc xây dựng thêm các trạm phòng cháy chữa cháy ở những khu vực có nguy cơ cao cũng cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, cần nâng cấp và bảo trì thường xuyên các thiết bị hiện có để đảm bảo luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động. Đầu tư vào công nghệ mới như hệ thống giám sát cháy tự động và các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý và điều phối cứu hỏa hiệu quả hơn cũng là một hướng đi cần được ưu tiên.
Tình hình phát triển đô thị của Hà Nội đã đặt ra nhiều thách thức lớn trong công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt ở khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã được thực hiện nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như thiếu trang thiết bị hiện đại, chưa đồng bộ trong việc quản lý và giám sát an toàn phòng cháy chữa cháy. Để khắc phục những hạn chế này, các giải pháp như tăng cường đầu tư, đào tạo và tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra giám sát cần được thực hiện một cách đồng bộ và triệt để. Những biện pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ mà còn đảm bảo an toàn cho người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.