Chương trình được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và tại trường THCS Long Thạnh, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với sự tham gia đông đảo của hơn 120 trẻ em và thanh thiếu niên. Tại chuỗi tọa đàm, các em được lắng nghe bài giảng do ông Alex Min – CEO công ty RE:harvest trực tiếp giảng dạy và trải nghiệm, tìm hiểu về các sản phẩm thực phẩm tái chế giàu dinh dưỡng do RE:harvest sản xuất.
|
Các em học sinh tại Long An với hoạt động về thực phẩm tái chế, bảo vệ môi trường (Ảnh: PV) |
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 20/04 và Ngày Trái Đất 22/04/2023. Hai sự kiện có sự tham gia của hơn 120 trẻ em và thanh thiếu niên quan tâm đến thực phẩm tái chế, bảo vệ môi trường.
Tái chế thực phẩm (“Food upcycling”) là một bước tiến lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm bằng cách tận dụng toàn bộ tiềm năng của các phụ phẩm thường bị vứt đi hoặc mang giá trị thấp, qua đó, không chỉ kéo dài tuổi thọ của thực phẩm bị loại bỏ mà còn giảm lượng chất thải thực phẩm. Phong trào này phát triển mạnh mẽ song song với sự gia tăng trong mối quan tâm của người tiêu dùng đối với tính bền vững và các thương hiệu thực phẩm thân thiện với môi trường, góp phần kiến tạo một nền kinh tế tuần hoàn.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm, khoảng 1.3 tỷ tấn rác thải thực phẩm được sinh ra trong suốt chuỗi cung ứng 1 . Cũng theo các nghiên cứu gần đây, chỉ riêng với thành phố Hồ Chí Minh, 5000 tấn thực phẩm bị đào thảo mỗi ngày.
Chia sẻ về thực phẩm tái chế, ông Min cho biết: “Thành lập từ năm 2019, RE:harvest đã gặt hái được rất nhiều chứng nhận quốc tế uy tín và tự hào là một trong những doanh nghiệp tái chế thực phẩm đầu tiên tại Hàn Quốc. Nhận thức được lãng phí thực phẩm là một trong những thách thức chính mà nhân loại đang phải đối mặt do sự tăng trưởng dân số và công nghiệp hóa mở rộng, RE:harvest tập trung giải bài toán tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc tái chế các phụ phẩm bị vứt đi. Đến nay, loại bột RE:nergy do công ty tái chế nâng cấp và sản xuất đã được chứng minh có hàm lượng dinh dưỡng cao với lượng protein gấp 2 lần và chất xơ gấp 11 lần, giá cả cạnh tranh, nguồn gốc an toàn và thân thiện với môi trường. Sản phẩm RE:nergy Protein Bar (thanh năng lượng) và Protein Ball (viên protein) được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn mạnh trên thị trường.” Ngoài những giá trị dinh dưỡng và kinh doanh bột RE:nergy mang lại, loại bột này còn là giải pháp thực tiễn hưởng ứng chính sách Net Zero 2030. Chỉ với 1kg RE:nergy đã có thể giảm tới 11kg khí các-bon, 3.7 tấn nước và 3kg nguyên liệu thừa so sánh với quá trình sản xuất bột mì thông thường.
|
Các bạn trẻ hào hứng với thực phẩm tái chế (Ảnh: PV) |
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, chia sẻ: “Hướng tới nâng cao nhận thức và cải thiện môi trường sống cho cộng đồng là một trong những mục tiêu chiến lược của MSD – United Way Vietnam, Tôi tin rằng thực phẩm tái chế là một cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm, đặt ra nền móng cho kinh tế sinh học tuần hoàn, giúp các tài nguyên được tiêu thụ hiệu quả hơn, thực phẩm được sử dụng bền vững hơn trong chuỗi cung ứng và tác động môi trường do thất thoát và lãng phí thực phẩm sẽ được giảm đáng kế. Qua chuỗi hoạt động giao lưu tọa đàm giáo dục này, mong rằng các bạn thanh niên và các em học sinh sẽ ý thức hơn về việc tránh lãng phí thực phẩm và quan tâm đến bảo vệ sức khỏe môi trường cho mình và mọi người xung quanh.”
Lần thứ hai đón tiếp MSD – United Way Vietnam quay trở lại với thầy và trò trường THCS Long Thạnh, cô Phạm Thị Phụng, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thực phẩm tái chế là một khái niệm vô cùng mới mẻ không chỉ với học sinh và ngay cả các thầy cô nhà trường cũng chưa từng biết tới. Do vậy, hy vọng sau tọa đàm hôm nay, chúng ta sẽ nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về tình hình rác thải thực phẩm và mong rằng trong tương lai, các sản phẩm của công ty RE:harvest sẽ ngày càng phổ biến và dễ dàng được tiếp cận hơn, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa còn khó khăn và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm dinh dưỡng.