Trồng quế để thoát nghèo

Thứ năm, 19/09/2024 08:46
Ở các huyện miền núi Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, cây quế đã trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế đồi rừng, giúp đời sống của đồng bào có nhiều đổi thay. Quế góp phần nâng độ che phủ rừng và dần khẳng định là cây kinh tế chủ lực, “cây thoát nghèo” của người dân.

Hiện nay, cây quế đang là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng, mở ra hướng đi mới, tạo bước đột phá cho nhiều xã vùng cao của huyện Yên Lập như Thượng Long, Trung Sơn, Nga Hoàng. Trồng quế vừa giúp phủ xanh đồi núi trọc, chống rửa trôi, xói mòn, bảo vệ nguồn thủy sinh vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Bà Đinh Thị Sa, ở xã Trung Sơn chia sẻ: Đồng bào được huyện, xã hỗ trợ cải tạo vườn tạp, thay thế các đồi keo, bạch đàn cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng quế, đưa các tiến bộ khoa học vào thâm canh cây quế, thay giống quế lá to bằng quế lá nhỏ có sức phát triển tốt hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Phần lá cây để sản xuất tinh dầu quế; phần vỏ bán cho các đầu mối với giá ổn định và được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, trong y dược và trong ẩm thực; gỗ quế được sử dụng trong xây dựng, đóng đồ dùng như bàn, ghế, giường tủ, sản xuất đồ mỹ nghệ. Đã có nhiều hộ dân trở thành hộ khá, giàu từ trồng quế.

Cây quế phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn 

Ông Nguyễn Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền vốn và đất đai phát triển cây quế thành cây xuất khẩu theo hướng đi lâu dài. Trong đó, nhà nước hỗ trợ cho vay một phần hoặc toàn bộ không tính lãi khi người dân mua cây con, hạt giống. Cùng với hỗ trợ về cây giống, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm quế, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng quế, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống; đồng thời vận động nhân dân hình thành nhóm, tổ hợp tác để chế biến các sản phẩm từ quế ngay tại địa phương, tạo việc làm cho lao động và đóng góp ngân sách cho xã.

Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng với nhận thấy cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân vùng dân tộc Mường, Dao, Mông ở khắp các xã trên địa bàn huyện Yên Lập đã nhận đất chuyển đổi sang trồng quế. Diện tích quế tăng dần theo từng năm, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhờ đó bớt nghèo. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ quế. Thời gian tới, huyện Yên Lập khuyến khích các cơ sở liên kết với các doanh nghiệp, chế biến tinh dầu quế, vỏ quế, gỗ quế cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế để tạo đầu ra ổn định cho cây quế, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, cây quế cũng dần trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao. Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt thông tin: Những năm trước, bà con trong xã chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, với sự nhạy bén nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng quế. Quế là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, được đồng bào dân tộc nơi đây coi là “vua” của các loại cây lâm nghiệp. Quế trồng vào mùa xuân cùng với trồng rừng, trên diện tích đồi, nương và xung quanh nhà, ngoài vườn đều được bà con tận dụng.

Vườn ươm quế giống của anh Đinh Thanh Lâm (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn) 

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung thực hiện tốt chủ trương, giải pháp nhằm phát triển cây quế bền vững. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các hộ trồng quế về giống, lồng ghép một số chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân khai thác và chăm sóc cây quế, có nhiều chính sách thu hút đầu tư chế biến sản phẩm quế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ cây quế. Cây quế cũng là loại cây nằm trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa vào kế hoạch trồng rừng hàng năm. UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh, theo đó, tỉnh sẽ dành hơn 77 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương mở rộng diện tích cây quế theo hướng hàng hóa, xây dựng, triển khai thực hiện các Chương trình, các dự án phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi; tăng cường liên kết, hình thành các Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đảm bảo dịch vụ đầu vào, đầu ra ổn định cho các thành viên theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích quế toàn tỉnh đạt trên 3.000ha, tăng thêm 1.100ha so với hiện nay, trong đó tập trung vào địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập. Cụ thể, huyện Yên Lập trồng mới 700ha, tập trung tại xã Trung Sơn, Xuân An, Phúc Khánh và mở rộng trên địa bàn các xã có điều kiện thuận lợi, tuy nhiên phải đảm bảo tập trung, liền vùng. Huyện Tân Sơn trồng mới 300ha tập trung tại các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn. Huyện Thanh Sơn trồng mới 100ha tập trung tại các xã Đông Cửu, Khả Cửu, Thượng Cửu. Phấn đấu 100% các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia trồng quế, chế biến sản phẩm quế được tập huấn đầy đủ về quy trình kỹ thuật từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ; áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ. Đặc biệt, xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý quế Phú Thọ, xây dựng vùng trồng quế được chứng nhận hữu cơ tại xã Trung Sơn và xã Thượng Long, huyện Yên Lập; nâng cao giá trị thu nhập từ cây quế tăng khoảng 1,5 lần so với hiện nay.


PN (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực