Tình trạng biến đổi khí hậu khiến thiên tai càng bất thường về thời gian và cường độ. Hằng năm mưa lũ, sạt lở đất đều xảy ra, nhưng năm nay rất bất thường, thậm chí tập trung ở một số nơi do ảnh hưởng của El Nino. Ví dụ như ở Tây Nguyên, mọi năm ở đây rất ít khi xảy ra sạt lở đất, thế nhưng năm nay sạt lở ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thực trạng sạt lở đất tại nước ta
Từ năm 2023 đến nay, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều địa phương. Gần nhất là vụ sạt lở ở Hà Giang ngày 13-7 đã làm 11 người chết và 4 người bị thương, và 1 người mất tích. Trước đó, các vụ sạt lở đất ở Lào Cai, Đà Lạt, Lâm Đồng hay sạt lở đất đá ở các địa phương Lai Châu, Yên Bái, Đắk Nông gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, phá hủy đường giao thông, nhà cửa.
Sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai rất nguy hiểm, có thể xảy ra ở những nơi mà chúng ta không ngờ tới. Mỗi năm, sạt lở đất cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trên thế giới và gây thiệt hại hàng tỷ đô la. Hiểu biết về thời gian, địa điểm và nguyên nhân xảy ra sạt lở đất có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ “sống chung” với những hiểm họa tự nhiên này.
Theo đó, tất cả các vụ sạt lở đất, đá đều có nguyên nhân. Hầu hết những nguyên nhân sạt lở chính đến từ vấn đề do tác động ngoại lực gây nên, tác động ngoại lực sẽ phá vỡ mọi sức bền liên kết với nhau trên mái dốc, đỉnh đồi khiến cho đất, đá không giữ được trọng lực mà rơi xuống. Những vụ sạt lở thông thường bao giờ cũng kèm theo mưa lớn, nước mưa làm cho các mối liên kết của đất, đá, rễ cây, thảm thực vật bị phân rã. Mặt khác nguyên nhân cũng có thể đến từ những lý do như nước ngầm, động đất, …
Tuy nhiên theo nhiều nhận định, các vụ sạt lở gần đây là do hoạt động của con người khi khai thác rừng quá mức, xây dựng nhiều công trình dân sinh ở dưới chân núi hoặc ngăn chặn dòng chảy để làm thủy điện, …
Biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng sạt lở đất, đá gia tăng, hình thái thời tiết cực đoan cũng khiến lượng mưa tại các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam đang tăng mạnh. Với vị trí địa lý nằm sát biển Đông, Việt Nam là một đất nước phải hứng chịu hầu hết các cơn bão nhiệt đới tới từ ngoài khơi Thái Bình Dương. Chính nguyên nhân này khiến cho các vùng trũng thấp bị ngập lụt và lũ quét, vùng trung du và núi cao bị sạt lở đất, đá. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng, sẽ gây ra nhiều vụ lở đất hơn, đặc biệt là ở các khu vực miền núi có băng tuyết. Nguyên nhân là khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy, các sườn núi đá có thể trở nên không ổn định hơn dẫn đến sạt lở đất.
Những hậu quả khôn lường khi xảy ra sạt lở đất
Trong những năm vừa qua, sạt lở đất đang ngày càng gia tăng và hậu quả mà những trận sạt lở đất đem lại không hề nhỏ. Gần đây, cả nước đã chứng kiến rất nhiều vụ sạt lở đất có quy mô lớn, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Có thể thấy hậu sạt lở đất gây ra rất nhiều những hậu quả khôn lường.
|
Sạt lở đất là một hiện tượng thiên tai nguy hiểm |
Con người: Sạt lở đất gây ra nhiều thiệt hại lớn, đặc biệt là đe dọa tới tính mạng con người. Đã có rất nhiều người tử vong, bị thương, mất tích, mất đi khả năng lao động. Hay bị sang chấn tâm lý do chứng kiến những thảm họa kinh hoàng xảy ra.
Kinh tế: Tác động của sạt lở đất gây ra thiệt hại về kinh tế vô cùng to lớn. Sau mỗi trận sạt lở đất khiến nhà cửa đổ nát, tài sản bị cuốn trôi, hoa màu, ruộng vườn bị vùi lấp, … tất cả biến mất chỉ sau một trận sạt lở. Nhiều người dân trắng tay không còn kế sinh nhai, điều này càng khiến cho việc phục hồi kinh tế sau thảm họa càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, đất đai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng không thể khắc phục trong một sớm một chiều để người dân có thể tiếp tục trồng trọt ngay được.
Môi trường: Sạt lở đất không chỉ gây ra những thiệt hại về con người và kinh tế mà còn có tác động rất lớn tới vấn đề môi trường khi có thể gây ra các vấn đề về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, …
Một số giải pháp hạn chế tình trạng sạt lở, xói mòn đất
Để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất đá và thiệt hại, đã có nhiều giải pháp được triển khai, như tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, tiến hành khảo sát địa chất, lập bản đồ các khu vực dễ bị sạt lở đất và thực hiện các quy định về quy hoạch sử dụng đất để kiểm soát việc xây dựng ở các khu vực có nguy cơ cao. Ngoài ra, việc thúc đẩy trồng rừng, tái trồng rừng và kiểm soát xói mòn đất cũng là các giải pháp quan trọng đã được triển khai.
Tuy nhiên, sạt lở đất đá ở mỗi khu vực có những đặc thù và nguyên nhân khác nhau, nhìn chung là do mưa lớn kết hợp với điều kiện địa hình và tự nhiên của địa phương. Trong số các giải pháp nêu trên, việc phòng chống và giảm thiểu sạt lở đất đá dựa vào tự nhiên là giải pháp thực tế có tính khả thi cao và bền vững bởi giải pháp này chính là cách tiếp cận mà con người có thể tham gia trước hoặc sau khi thảm họa xảy ra, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại. Thông qua việc bảo tồn, cải thiện và sử dụng bền vững hệ sinh thái và các dịch vụ, ý tưởng về các giải pháp dựa vào thiên nhiên đã được đánh giá là một cách tiếp cận phù hợp nhằm cải thiện khả năng phục hồi sinh thái xã hội, giảm tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, và nâng cao sinh kế.
Các giải pháp phòng chống sạt lở đất dựa vào tự nhiên liên quan đến việc sử dụng các phương pháp sinh thái và thân thiện với môi trường để giảm nguy cơ sạt lở đất. Trong cách tiếp cận dựa vào tự nhiên, các kỹ thuật môi trường, sinh học và trồng rừng là những kỹ thuật chính. Trong đó, giải pháp tăng cường thảm thực vật phù hợp là giải pháp chính, kết hợp với các kỹ thuật sinh học sẽ gia tăng kết dính đất và giảm nguy cơ sạt lở đất đá.
Nhằm nâng cao năng lực giám sát thiên tai, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là lũ quét, sạt lở, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực giám sát thiên tai, tăng thời hạn và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là lũ quét, sạt lở.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó, quy định cụ thể về điều kiện ban hành, nội dung bản tin, chế độ truyền phát tin, cấp độ rủi ro do thiên tai.
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn; bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt như miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ; hoàn thiện hệ thống tích hợp dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung…
Cùng với đó là phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng thời hạn và mức độ chi tiết dự báo, cảnh báo thiên tai và thời tiết hàng ngày.
Công tác dự báo, cảnh báo sớm đã được chú trọng, trước mỗi đợt thiên tai có nguy cơ gây tác động lớn như hạn hán, bão, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chủ động có công văn gửi thông tin nhận định sớm về tình hình thiên tai đến Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa và thuê dịch vụ nhằm bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, dự kiến đến 2025 sẽ hoàn thành các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, sản phẩm của nhiệm vụ sẽ hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai và công tác quy hoạch...
Để ứng phó tình trạng sạt lở đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là công tác theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản… Đặc biệt, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng các đề án cụ thể điều tra chi tiết các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá.
Có thể nhận thấy, sau vụ sạt lở đất mới đây gây hậu quả nghiêm trọng, nên chăng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tăng cường khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông không nên đi vào ban đêm, đặc biệt trong mùa mưa bão. Nếu các cơ quan chức năng thấy tình hình giao thông, bờ kè, thiên tai... không an toàn thì thực hiện lệnh cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm này, đặc biệt là ban đêm. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống./.