Chống buôn lậu và gian lận thương mại cần sự quyết liệt, đồng bộ

Thứ bảy, 21/01/2023 11:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Năm 2022, mặc dù công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đã đạt được những kết quả tích cực, thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi trong năm mới cần sự đồng lòng và quyết liệt hơn của cả người dân, doanh nghiệp và lực lượng chức năng.
Lực lượng chức năng trên cả nước liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại (Ảnh: K.N)

Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không chỉ bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, mà còn góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Vẫn còn nhiều thách thức

Thống kê từ Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho thấy, chỉ tính riêng lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 99.975 vụ việc vi phạm (giảm 3,79 % so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, có: 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách Nhà nước 7.666 tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 380 vụ (giảm 76,47% so với cùng kỳ năm 2021), 472 đối tượng (giảm 78,03% so với cùng kỳ năm 2021).

Đặc biệt, ngay trong quý III năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 42.776 vụ việc vi phạm (tăng 22,82% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: 7.032 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 34.897 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách Nhà nước 3.938 tỷ đồng (tăng 58,05% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 94 vụ (giảm 45,98% so với cùng kỳ năm 2021), 220 đối tượng (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021).

Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, lực lượng chức năng trên cả nước cũng liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại như: ngày 17 - 19/11/2022 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci tại Trung tâm thương mại An Đông; lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp phát hiện, thu giữ 2.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu (gồm 750 bao JET, 1.750 bao HERO); lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện, thu giữ 400 bao thuốc lá điếu hiệu Chunghua và 42 mặt hàng khác như: sơn móng tay, dày dép nam nữ các loại, túi xách, đèn năng lượng,… không hóa đơn chứng từ;...

Đánh giá về thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm qua lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn tại các địa phương, bắt giữ nhiều kho chứa lượng lớn hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng, từ đó cho thấy, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn biến khó lường, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Theo ông Linh, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã nêu xuất phát từ việc môi trường để hàng giả đưa vào lưu thông càng ngày càng trở nên dễ dàng. Ví dụ, như kinh doanh công khai trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, khiến lực lượng chức năng rất khó đối phó....

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức đặt ra khi đấu tranh với buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, họ rất bức xúc trong tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian qua.

Chống gian lận thương mại cần sự đồng lòng (Ảnh: K.N)

Hiện nay còn có tình trạng các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi hoặc thậm chí bán hàng qua các trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau. Do vậy, cơ quan chức năng khi đi kiểm tra, xử lý vi phạm hết sức khó khăn.

“Đặc biệt đối với hàng cấm thì các đối tượng không bán một sản phẩm mà chia nhỏ sản phẩm ra để bán thành các bộ phận rồi cũng bằng cách thỏa thuận với nhau trên các nhóm kín, sau đó đưa bán trên các sàn để lợi dụng dịch vụ vận chuyển của sàn về giao hàng. Sau đó chúng lại xóa sản phẩm ấy đi rồi thu thập thông tin người dùng trái phép để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những xu hướng lợi dụng đặc thù của thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng”, ông Tuấn chia sẻ.

Chống gian lận thương mại cần quyết liệt mạnh mẽ hơn

Trước tình trạng trên, theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, việc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu cần được triển khai quyết liệt hơn và cần sự đồng lòng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan chức năng để giải quyết triệt để.

Ông Lê cho biết nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề được Chính phủ, cơ quan chức năng quan tâm và có nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm. Lực lượng Quản lý thị trường cũng nỗ lực hết sức chung tay đấu tranh, ngăn chặn, phòng chống vấn nạn này. Tuy nhiên, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở mọi mặt hàng, không dừng ở quy mô trong nước; dược phẩm, thuốc… cũng bị làm giả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại phức tạp, tinh vi bởi vì lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là rất lớn. Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây khan hiếm hàng hóa, các đối tượng lợi dụng nguồn cung hàng thật bị hạn chế, đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng thì các đối tượng đã đưa ra các sản phẩm hàng giả ngày càng nhiều hơn.

Cùng với đó, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng gủa, hàng nhái, do ham rẻ.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, để phòng chống buôn lậu, hàng giả, chống gian lận thương mại, các cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Cần phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Cần ra quân đồng loạt xử lý kiên quyết, triệt để các cửa hàng bày bán thuốc lá lậu, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để răn đe, ngăn ngừa các đối tượng dễ bị lôi kéo vào việc vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá nhập lậu.

Từ đó giúp thay đổi nhận thức, hành vi của người vi phạm, về lâu dài sẽ có những tác động tích cực hơn trong công tác phòng chống thuốc lá lậu, giảm thất thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực