Độc đáo tục lấy nước thiêng đầu xuân của người Tày

Thứ bảy, 21/01/2023 21:49
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Lấy nước thiêng đầu năm là một trong những phong tục cổ truyền, mang đậm giá trị nhân văn của đồng bào Tày vùng Nghĩa Đô, Bảo Yên (Lào Cai). Nét văn hoá độc đáo này đã và đang được đồng bào nơi đây bảo tồn và phát huy…

Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, dân tộc Tày (Bản Rịa, xã Nghĩa Đô) kể rằng: “Tục lấy nước thiêng có từ rất xa xưa, trải qua thời gian, tuy ít nhiều đã bị mai một ở nhiều vùng nhưng cứ mỗi khi Tết đến xuân về, trong không khí bản làng tưng bừng, náo nức vui hội xuân, đồng bào Tày lại phục dựng và thực hành nghi lễ lấy nước thiêng nơi đầu nguồn”.

Phong tục lấy nước thiêng không chỉ gắn liền với đời sống nông nghiệp của đồng bào Tày Nghĩa Đô mà còn được hình thành và in đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nơi đây. Ngay từ khi người Tày đặt chân đến vùng đất Mường Luông (Nghĩa Đô ngày nay) thì quan niệm nước là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của con người, nước giúp con người trồng cây lúa, tưới hoa màu, giúp con người có hoa trái, có nước uống hằng ngày luôn thường trực trong suy nghĩ và việc làm của đồng bào Tày.

 Đồng bào Tày xã Nghĩa Đô thực hành diễn xướng tục lấy nước thiêng trong lễ hội mùa xuân. 

Vì thế, khi lập bản, khai hoang, dựng nhà cửa, người Tày Nghĩa Đô rất chú ý đến địa điểm, hướng nhà để chọn đất. Đó là khu đất hướng mặt nhìn ra suối, gần suối, gần nguồn nước để có được nước sạch sinh hoạt hằng ngày. Những con suối, thác nước, những nguồn nước trên rừng già ở Nghĩa Đô được đồng bào nơi đây bảo vệ, gìn giữ như báu vật mà thần linh ban cho con người để duy trì sự sống.

Vào ngày mồng 2 Tết, hoạt động lấy nước thiêng được đồng bào Tày Nghĩa Đô gắn với trò chơi đi lấy nước thiêng nơi đầu nguồn rừng già nên thu hút được sự chú ý và tham gia của đông đảo người dân. Sau khi các bậc cao niên trong bản làm lễ xin phép thần linh cho lấy nước đầu năm thì cuộc thi lấy nước thiêng bắt đầu diễn ra. Tham gia trò chơi này là các chàng trai trẻ, khỏe mạnh, lực lưỡng trong làng, họ mang trên vai hai ống bương to, chạy bộ khoảng 3 km đến con thác nơi đầu nguồn rừng già để lấy nước. Theo quan niệm của người Tày Nghĩa Đô, nước ở thác trên núi cao là nguồn nước sạch, trong mát, chảy từ trên núi cao, nơi đầu nguồn rừng già nên lấy nước ở thác này vào những ngày đầu năm sẽ mang đến cho con người sức khỏe, may mắn trong cả năm.

 Nước lấy về được những người phụ nữ Tày đun sôi trên bếp lửa để pha chè. 

Chị Ma Thị Dao, dân tộc Tày ở Nghĩa Đô chia sẻ: “Nước là nguồn sống không thể thiếu của con người. Vì thế, tục lấy nước thiêng đầu xuân đã nâng cao ý thức của mỗi người dân luôn bảo vệ sự trong sách của nguồn nước để phục vụ cho cuộc sống thường ngày”.

Đường đi gập ghềnh, những chàng trai sau khi lấy được nước thiêng phải gánh nước đi bộ thật nhanh nhưng không để nước bị sánh, bị đổ ra ngoài. Dọc đường, đồng bào trong các bản đứng hai bên cổ vũ. Vị trí về đích là ở sân vận động, nơi tổ chức các hoạt động lễ hội đầu xuân. Nếu ai về đích đầu tiên, người đó sẽ giành chiến thắng. Và người đó coi như đã mang đến may mắn cho cả bản làng. Toàn bộ số nước lấy về sẽ được những người phụ nữ dùng để thi nấu thuốc, nấu trà, nấu ăn trong lễ hội xuân. Ai ai cũng quan niệm rằng, lấy nước đầu năm nơi đầu nguồn rừng già là mang lại may mắn, là lấy lộc đầu xuân cho bản làng.

 Không gian sinh tồn của đồng bào Tày Nghĩa Đô luôn gắn với nhà sàn và nguồn nước.

Ông Lương Cao Thế, phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô chia sẻ: “Xã Nghĩa Đô đã và đang bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn của phong tục lấy thiêng đầu xuân của đồng bào Tày. Đồng thời này gắn nét đẹp văn hoá này với chương trình phát triển du lịch cộng đồng của địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu cho du khách bản sắc văn hoá của Nghĩa Đô”.

“Lấy nước thiêng vào những ngày đầu xuân gắn với quan niệm nhân sinh từ bao đời nay của đồng bào Tày Bảo Yên. Phong tục này thể hiện tầm quan trọng của nước đối với đời sống con người, thể hiện sự tôn trọng tự nhiên của con người và ý thức gìn giữ nguồn nước sạch cho cuộc sống luôn được ấm no. Chính vì vậy, nét đẹp văn hoá này đã được địa phương phục dựng và duy trì không gian diễn xướng tại các bản làng trên địa bàn.”, ông Thế nhấn mạnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực