Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: M.P) |
Luôn sẵn sàng các kịch bản ứng phó
Phóng viên (PV): Năm 2022, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ được giao, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) vượt khó khăn để phục hồi sản xuất - kinh doanh (SX-KD) sau dịch COVID-19. Xin Bộ trưởng chia sẻ nguyên nhân giúp thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt kết quả tích cực này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thu NSNN đến ngày 15/12/2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán, cao hơn 77,8 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10,11/2022). Trong đó: thu nội địa vượt 13,4% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 39,8% dự toán, thu NSNN từ dầu thô vượt 159,6% dự toán. Kết quả này có được một phần là nhờ việc Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp như:
Thứ nhất, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, nhanh hơn, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, DN.
Thứ ba, phải kể đến nỗ lực rất lớn của cơ quan Thuế, Hải quan đã tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, rà soát những nguồn thu có tiềm năng để đưa vào quản lý thu. Đáng chú ý, năm 2022, đã vận hành Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng. Đẩy mạnh thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ước cả năm 2022 đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021.
PV: Dù nhiệm vụ tài chính – ngân sách đạt nhiều kết quả khả quan nhưng nguồn thu nội địa, thu cốt lõi từ hoạt động SX-KD bắt đầu giảm tốc cuối năm 2022. Có vẻ như đây là chỉ dấu báo hiệu những khó khăn sắp tới mà cộng đồng DN phải đối mặt, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đến thời điểm này, thu nội địa đã hoàn thành và vượt dự toán mà Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính. Đây không chỉ là kết quả thể hiện sự nỗ lực của ngành Tài chính, cơ quan thuế các cấp mà là kết quả của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh. Những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, từ Quý III/2022 trở lại đây, nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn, khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường; xung đột địa chính trị Nga – Ukraine diễn biến phức tạp; khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác; các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ. Ở trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn... chưa thể khắc phục ngay để khôi phục nguồn thu NSNN. Sức ép về lãi suất, tỷ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm lại do thiếu đơn hàng mới. Thị trường xuất khẩu giảm sút khi cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia suy giảm... Những vấn đề này đã tạo áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2023. Đây thật sự là những thách thức lớn không chỉ với cộng đồng DN mà với cả nền kinh tế.
Hỗ trợ tối đa để người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển
PV: Trong bối cảnh “hậu” COVID-19, điều gì làm Bộ trưởng thấy hài lòng nhất về công tác xây dựng chính sách, gỡ khó cho DN, khơi thông nội lực nền kinh tế?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19. Cùng với đó là các vấn đề về địa chính trị, vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro an ninh năng lượng, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng ngành Tài chính vẫn có nhiều điểm sáng về kết quả triển khai nhiệm vụ trong năm vừa qua. Nổi bật nhất có thể kể đến các chính sách ưu đãi, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho DN và người dân trong năm 2022. Trong năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SX-KD của DN và đời sống người dân. Thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho DN và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng… Qua đó đã góp phần tạo ra những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của DN, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.
Trước dự báo trong năm 2023, nền kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến DN, người dân, trên cương vị lãnh đạo ngành Tài chính, chúng tôi còn không ít những trăn trở. Đơn cử như: công tác điều hành như thế nào? Cần những chính sách gì để thích ứng với những biến động, để hỗ trợ tối đa người dân, DN phục hồi, phát triển từ đó nuôi dưỡng nguồn thu bền vững... luôn là những vấn đề được ngành Tài chính đặc biệt quan tâm.
|
Năm 2022 Bộ Tài chính đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho DN và người dân. (Ảnh: TH) |
Kiện toàn bộ máy theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
PV: Xin Bộ trưởng cho biết những chủ trương và định hướng lớn của ngành đặt ra trong năm 2023, cũng như trong cả giai đoạn 2021-2030?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bước sang năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó khăn hơn, ở trong nước, xuất hiện ngày càng nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa với chức năng là công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, toàn ngành Tài chính xác định nhiệm vụ năm 2023 là tập trung ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế hiệu quả; qua đó, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023, cũng như các mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021-2025, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công bền vững theo các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia”.
Đồng thời Chiến lược đã đặt ra các mục tiêu, định hướng cụ thể về tài chính – NSNN cho giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, bao gồm: Hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu NSNN; nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi NSNN, nợ công; cải thiện dư địa tài khóa, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia; đổi mới cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững; thực hiện nhất quán công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; tăng cường hiệu quả hợp tác tài chính và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, giám sát tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy ngành Tài chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Khôi phục niềm tin thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư
PV: Được coi là kênh dẫn vốn quan trọng cho DN, tuy nhiên, năm 2022, các kênh dẫn vốn từ thị trường chứng khoán (TTTK) và thị trường trái phiếu (TTTP) DN lại có phần tắc nghẽn và niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường đổ vỡ, Bộ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường vốn và các dịch vụ tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, TTCK, TTTP thời gian qua có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới cũng như vấn đề niềm tin và thanh khoản thị trường trong nước.
Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư chủ yếu do sai phạm của một số DN vừa bị xử lý; một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số DN phát hành trái phiếu dẫn đến việc nhà đầu tư ồ ạt bán lại trái phiếu, kể cả với DN có tình hình SX-KD tốt. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả DN phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ. Trước những biến động của TTCK, TPDN, hoạt động mua lại trước hạn TPDN có xu hướng tăng từ tháng 4/2022 sau việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và đặc biệt là sự kiện rút tiền xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn khiến niềm tin của nhà đầu tư TPDN và đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ suy giảm. Khối lượng mua lại trước hạn 11 tháng lũy kế là 167,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cả năm 2021. Các vụ việc vi phạm trên thị trường TPDN vừa qua là những sự kiện riêng lẻ, không đại diện cho toàn thị trường.
Nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường TPDN theo đúng thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính xác định quan điểm tiếp tục phát triển thị trường TPDN theo hướng ổn định, lành mạnh; không tạo ra tâm lý tẩy chay TPDN, tránh tình trạng nhà đầu tư yêu cầu tất toán, mua lại trước hạn trái phiếu hàng loạt.
Tuy việc phát hành và đầu tư TPDN theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước tạo ra khung pháp lý điều chỉnh để các bên giao kết đầu tư, kinh doanh. Khi có sự kiện DN gặp khó khăn trong thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn xảy ra, DN và nhà đầu tư tự thỏa thuận theo quy định của pháp luật để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư. Song, Bộ Tài chính đã liên tục có thông cáo báo chí và có văn bản yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Năm 2023, ngành Tài chính có định hướng và giải pháp gì để giữ vững niềm tin, phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn đã dần khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng, giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng. Đối với thị trường TPDN, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường TPDN ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.
Để khôi phục niềm tin thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ngày 23/11/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với 39 DN phát hành và công ty chứng khoán để trao đổi về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu và những đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường. Bộ Tài chính yêu cầu các DN phát hành sử dụng mọi nguồn lực để đảm bảo thanh toán gốc, lãi trái phiếu như cam kết với nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, DN phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý: rà soát tại Luật Chứng khoán, Luật DN để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thứ hai, tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng vấn đề truyền thông, ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt... gây ảnh hưởng đến thị trường. Thứ ba, tập trung công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Phối hợp với NHNN trong quản lý, giám sát việc các TCTD phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu… Thứ tư, về tổ chức điều hành thị trường: rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, phát triển thị trường thứ cấp minh bạch. Thứ năm, về đảm bảo thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!