J.W Goethe – tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, họa sĩ – mặt trời thi ca của nước Đức

Thứ ba, 24/01/2023 15:00
(ĐCSVN) - Đây là lần thứ ba tôi trở lại nơi này – Frank Furt, thành phố miền Tây nước Đức, thuộc bang Hessen, thành phố lớn thứ ba nước Đức, được mệnh danh là trung tâm tài chính châu Âu, nơi có sân bay quốc tế lớn nhất nước Đức và nhộn nhip nhất châu Âu...

Đây là lần thứ ba tôi trở lại nơi này – Frank Furt, thành phố miền Tây nước Đức, thuộc bang Hessen, thành phố lớn thứ ba nước Đức, được mệnh danh là trung tâm tài chính châu Âu, nơi có sân bay quốc tế lớn nhất nước Đức và nhộn nhip nhất châu Âu.

Chúng tôi dạo qua một số tuyến phố chính, nơi có những tòa nhà trọc trời, rồi ghé thăm và chụp những tấm hình lưu niệm tại phố cổ Romerberg và cũng là chờ cho đến giờ bảo tàng Goethe mở cửa đón khách. Thả bộ trên quảng trường phố cổ nổi tiếng với 11 tòa nhà bất thường đẹp kỳ lạ, tạo nên tòa thị chính thời trung cổ. Đây từng là nơi đăng quang của các hoàng đế thời đế chế La mã thần thánh, bị sụp đổ vào năm 1896 và được Napoleon cai trị, rồi trở thành thành phố của Đức sau thất bại của Napoleon.

Thú thực tôi không hiểu mấy về Goethe, chỉ được nghe nhiều văn nghệ sỹ bậc thầy nhắc đến ông như một vĩ nhân của Đức. Đặc biệt được xem một bức họa chân dung ông, bố cục từ ba thiếu nữ khỏa thân thật độc đáo.

Mãi về sau này, tôi mới có điều kiện tìm đọc những tác phẩm của ông như: Kịch thơ “Faust”, một tác phẩm giá trị vượt thời gian của Goethe, cuốn sách được dịch ra hơn 50 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt, tác phẩm được dựng thành phim, thành kịch, được đưa vào trường học. “Faust” từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử văn chương Đức, tên tuổi của ông đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Đức.

Chân dung Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) 

Thành phố Frankfurt rất tự hào về đứa con tài hoa xuất chúng của mình, cho nên không tiếc công vinh danh ông với nhiều trường học, giải thưởng mang tên ông.

Vì thế lần này tới Frankfurt, tạm bỏ qua các nơi khác, tôi dự định dành trọn buổi sáng này, để tìm hiểu kỹ hơn về một con người vĩ đại, không chỉ của nước Đức mà còn của cả nhân loại.

Ngôi nhà và bảo tàng Goethe

Ngôi nhà Goethe nằm trên đường Grossen Hirschgraben ngay trung tâm thành phố (Ở Đức có hai ngôi nhà Goethe, một ở thành phố Frankfurt và hai ở thành phố Weimar. Frankfurt là nơi ông sinh ra, lớn lên và Weimar là nơi ông tới và vĩnh viễn ra đi). Nơi đây đã sinh ra một nhà thơ lớn, nhà viết kịch thành danh, nhà văn xuất chúng, nhà triết học lỗi lạc, nhà khoa học tài năng, nhà chính trị tài ba và cũng là một họa sĩ tài hoa của nước Đức.

Khi mà các thành viên trong đoàn đều là những tín đồ mua sắm, họ đã đến những điểm shopping, chỉ còn tôi và một nhà thơ cùng đi ghé thăm nơi này. Đến đây vẫn chưa đến giờ bảo tàng mở cửa, chúng tôi tranh thủ chụp những tấm hình lưu niệm trước ngôi nhà ông. Rồi bảo tàng mở cửa hai chúng tôi bình tĩnh cùng những du khách thập phương xếp hàng mua vé, tôi quan sát xung quanh thấy bày trên giá, trong tủ kính bày nhiều cuốn sách của Goethe. Rồi tập trung quan sát, tìm hiểu, nghe người hướng dân giới thiệu… Rất may cho hai chúng tôi. Hôm nay có đoàn khách du lịch có đoàn khách du lịch đến từ Việt Nam. Lại có cô hướng dẫn viên xinh đẹp, trẻ tuổi, vui tính, hiểu rất kỹ kể về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Goethe.

Ngôi nhà thơ ấu của đại thi hào Đức, được gia đình mua từ năm 1733, trước khi ông sinh ra. Nhà cao bốn tầng, có lối kiến trúc theo trường phái Baroque rất thịnh hành vào thế kỷ 17 và 18. Goethe đã ở đây 26 năm và sau đó ông dọn tới Weimar. Sau khi cha ông mất, mẹ ông đã bán ngôi nhà này vào năm 1795 và bà rời tới Roßmarkt gần đó. Năm 1863, một hiệp hội tư nhân đã đứng lên quyên góp, bỏ tiền ra mua lại ngôi nhà này và mở cửa cho mọi người vào xem. Năm 1944, trong thế chiến thứ hai, ngôi nhà đã bị trúng bom cháy thiêu rụi chỉ còn lại mấy vách tường. Rất may là tất cả những dụng cụ đồ đạc trong nhà như sách vở, tranh ảnh, bàn ghế… vì đã được sơ tán đến chỗ khác từ trước nên vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1947 cho đến 1951, ngôi nhà được khởi công xây lại theo đúng từng chi tiết đã ghi chép. Năm 1975 ngôi nhà và bảo tàng viện Goethe đã được chính thức mở cửa cho du khách tham quan.

Cô dẫn khách đi một vòng từ tầng 1 lên đến tầng 4. Mỗi tầng đều có 5 phòng và mỗi phòng được trang trí theo cách riêng biệt, màu sơn tường cũng khác nhau. Cô cho  biết tất cả đồ đạc, từ bàn ghế giường tủ cho đến tranh ảnh sách vở, đều được gìn giữ nguyên vẹn, trình bày một cách đơn giản nhưng trang trọng. Ở tầng một có phòng Bắc Kinh là nơi giữ các đồ kỷ niệm châu Á và phòng âm nhạc là nơi cả gia đình hòa tấu chung, người cha đánh đàn, Goethe đàn hồ cầm (đàn Cello), cô em gái đánh dương cầm và bà mẹ thì hát. Một gia đình đầy chất nghệ. Ở tầng hai có phòng treo tranh, phòng đọc sách và phòng riêng của cô em gái Cornela.

Trong phòng đọc sách với 2.000 bộ sách quý từ thời cha ông còn sống, đã có hơn 250 năm tuổi. Phòng treo tranh có để rất nhiều bức tranh quý của một số  họa sĩ tài danh cùng thời với ông. Ở tầng bốn, có phòng đóng kịch búp bê, phòng làm việc của Goethe vẫn còn chiếc bàn viết. Nơi ông đã ngồi viết những bài thơ tình da diết và những cuốn sách đầu tay của mình, trong đó có tập “Faust I”.

Cuộc đời và tác phẩm của Goethe

Goethe sinh 28/8/1749 ở Frankfurt và mất 22/3/1832 tại Weimar. Ông sống cùng thời với nhà thơ Nguyễn Du (1765-1820) của Việt Nam. Cha ông là Johann Caspar Goethe, một luật gia, và mẹ ông là Catharina Elisabeth Textor, con gái của thị trưởng thành phố Frankfurt. Gia đình ông có một cuộc sống sung túc không phải lo lắng về tài chính. Ông ở Frankfurt cho đến năm 1775 cùng với cha mẹ và người em gái tên là Cornelia.

Thời gian ở Frankfurt, Goethe đi học luật, đỗ tiến sĩ và làm luật sư từ 1771 đến 1775. Những tác phẩm điển hình như kịch “Gotz von Berlichingen” (1773), tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther” (Die Leiden des jungen Werthers) (1774),…. Hai cuốn sách này ông viết khi rất còn trẻ nhưng đã tạo được tiếng vang lớn ở  Đức cũng như ở châu Âu, nhất là cuốn “Nỗi đau của chàng Werther” đã nảy sinh trong trào lưu nghệ thuật “Bão táp và xung kích” (Sturm und Drang) trong thời kỳ “Khai sáng” (Epoche der Aufklarung) ở cuối thế kỷ 18. Đây là cuốn tiểu thuyết văn xuôi nhưng đầy chất thơ, trong sáng, giàu hình ảnh, mang tính chất duy cảm, viết về anh chàng Werther yêu say mê nàng Lotte. Chìm đắm trong mê muội tình ái, chàng đã kết thúc cuộc đời mình bằng cái chết bi thảm và tuyệt vọng. Cuốn sách đã đánh dấu một thời đại văn chương mới, góp phần thổi bùng lên phong trào lãng mạn tại châu Âu vào thế kỷ 18. Bản chất của chủ nghĩa lãng mạn là đối lập với hiện thực, đối kháng với sự gò ép, trói buộc nghiêm ngặt của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao tự do, phóng khoáng và kể cả mộng tưởng, nhằm đem trả lại cho người nghệ sĩ quyền tự do, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng.

Cuối năm 1775, ông đến Weimar theo lời mời của công tước Karl August thuộc triều đình Weimar. Weimar là thủ phủ của lãnh địa Sachsen-Weimar-Eisenach nhỏ bé với khoảng 100.000 dân cư. Goethe được cử làm ủy viên trong hội đồng chính phủ, rồi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Ở đây. Ngoài nhiều người tình cả trên thực tế và trong mộng, nhưng Christiane là một cô gái rất xinh đẹp và đã làm con tim của nhà thơ bị xao xuyến, rung động. Tình yêu ập tới và đã là nguồn cảm hứng để ông viết tập “Những khúc bi ca La Mã” (Romische Elegien) gồm 24 bài thơ. Mặc dù quen cô Christiane từ năm 1788, có với ông 5 người con, nhưng mãi đến năm 1806 ông mới làm đám cưới với cô. Công việc trong nội các Weimar nhiều khi làm ông căng thẳng, từ 1786 đến 1788 Goethe một mình qua Ý, một phần để nghỉ ngơi, một phần cũng để tìm cảm hứng mới cho sáng tác và không thể thiếu những tình yêu mới. Ông còn bỏ thì giờ để nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Năm 1832, ông mất và được chôn cất tại nghĩa trang của thành phố. Di hài ông được đặt nằm gần với người bạn văn chương Friedrich Schiller.

Goethe là tác giả của 100 tác phẩm từ thi ca, văn xuôi, kịch, phê bình, dịch thuật,… Những tác phấm tiêu biểu nổi tiếng của Goethe như: Kịch “Gotz von Berlichingen” (1773), tiểu thuyết thể thư tín “Nỗi đau của chàng Werther” (Die Leiden des jungen Werther) (1774), kịch thơ “Iphigenie auf Tauris” (1779), bi kịch “Egmont” (1788), kịch “Torquato Tasso” (1790), anh hùng ca “Hermann und Dorothea” (1798), tiểu thuyết “Wilhelm Meisters Lehrjahre” (1798), kịch thơ “Faust I” (1808), tiểu thuyết “Die Wahlverwandtschaften” (1809), kịch thơ “Faust II” (1832).

Tác phẩm của Goethe đã góp phần đẩy văn học cổ điển Đức lên đỉnh cao nghệ thuật. Nhưng đỉnh cao sáng tạo của Goethe vẫn là kịch thơ “Faust”. “Faust I” (phần một) được ra mắt năm 1808, ông viết lúc còn rất trẻ, thiên về tình yêu, đi sâu vào nội tâm, phản ảnh tâm hồn nổi loạn, mang tính chất xôi nổi và nhiệt tình của trào lưu “Bão táp và xung kích”. Từ năm 1820, ông bắt đầu viết “Faust II” (phần hai), lúc đã già dặn, nên đặt nặng về lý trí, xu hướng về hành động. “Faust II” được hoàn thành vào năm 1831, sách được xuất bản cuối năm 1832, mấy tháng sau khi Goethe mất. Có thể nói, ông đã dành hết tâm huyết cuộc đời mình để viết bi kịch “Faust”. Faust có nghĩa là một nắm tay, một quả đấm, nhưng cũng có thể hiểu là cánh tay giơ cao để tỏ sự quyết tâm đi tới, sự phản kháng bất công, sự chống đối áp bức. Nó cũng thể hiện “triết lý hành động” của Goethe, chỉ có hành động mới thay đổi được con người, được xã hội, được thiên nhiên.

Goethe không chỉ đơn thuần là một nhà thơ lớn, những tác phẩm của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn học và nghệ thuật của châu Âu. Nó còn đi ra ngoài phạm trù văn học và nghệ thuật, ảnh hưởng đến cả tư duy của dân tộc Đức. Tinh thần của ông còn châm ngòi cho sự bùng nổ của những cuộc cách mạng về khoa học, kỹ thuật ở châu Âu vào thế kỷ thứ 18,19.  Cho đến ngày hôm nay, dân tộc Đức vẫn còn thể hiện những cá tính của con người Faust trong bi kịch của ông.

Một điều rất thú vị. Đó là đại thi hào Nguyễn Du dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, thế kỷ thứ 16 bên Trung Quốc, để viết ra “Truyện Kiều”, một tuyệt phẩm bằng chữ Nôm. Goethe cũng dựa theo sách dân gian “Tiến sĩ Faust” để viết ra bi kịch bằng thơ. Thúy Kiều cũng như Faust là hai nhân vật có thật. Thúy Kiều sống vào thế kỷ thứ 16 đời nhà Minh ở Trung Quốc, Faust cũng sống vào thế kỷ thứ XVI ở miền Nam nước Đức. Theo giai thoại dân gian, Faust được kể lại như một nhân vật đặc biệt, vừa tầm thường vừa cao quý, vừa ảo vừa thực, vừa tốt vừa xấu. Cuộc đời của Faust được tiểu thuyết hóa tối đa với trên 68 giai thoại khác nhau và đã được tồn tại hết thời đại này qua thời đại khác, dưới mọi hình thức từ truyền tụng trong dân gian, cho đến các thể loại văn học nghệ thuật…

Dù có viết kịch, viết văn, phê bình dịch thuật hay vẽ tranh đi nữa, thì thơ ca vẫn là một thể loại mà ông thích nhất và làm nhiều nhất. Đúng hơn, Goethe là một nhà thơ lớn, một người đa tình làm thơ cho tình yêu, cho thân phận. Thơ của Goethe dào dạt, lôi cuốn nhưng lại rất tình tứ, diễn đạt được cái cảm xúc nội tâm con người trước tình yêu, trước thiên nhiên và cả những khát khao dâng hiến trao tặng, khao khát đi tìm cái đẹp, cái hoàn mỹ trong ý nghĩa của cuộc sống, điều mà trước đó thời văn học cổ điển Đức, mang tư tưởng duy lí, không hề dám nhắc tới. Ông có thể làm thơ trong bất cứ hoàn cảnh nào và đặc biệt hơn nữa đi từ bất cứ cảm xúc nào. Tổng cộng có hơn 1600 bài thơ, trong đó phần lớn là những bài thơ tình dạt dào tình yêu đôi lứa, hầu như sau mỗi một cuộc tình đi qua, ông đều để lại những dấu ấn là những áng thơ đến từ cảm hứng của tình yêu say đắm.

Tôi bước đi, em đứng đó ngây người

Em nhìn tôi, đôi mắt buồn đẫm lệ

Nhưng tình yêu, thánh thần ơi, là thế!

Được yêu người, sung sướng biết bao nhiêu!

(“Gặp gỡ và chia ly” - Nguyễn Xuân Khuy dịch)

Bước chân rời ngôi nhà thơ ấu của Goethe, tôi cảm thấy có một niềm vui lâng lâng, thấy trong mình một cảm giác nhẹ nhõm như trả được món nợ lâu ngày, món nợ mà đáng ra tôi đã phải trả từ lần đầu đặt chân tới thành phố này. Hôm nay tới đây, tôi cảm nhận được nhiều hơn về con người thực sự của ông, những thành quả mà ông để lại cho hậu thế. Ông đúng là một vĩ nhân, người đa tài đa tình, xứng đáng là một nghệ sỹ vĩ đại – mặt trời thi ca nước Đức.

Frank Furt 1/10/ - Phú Thọ 10/10/2022

Đỗ Ngọc Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực