Khơi thông, tạo động lực mới phát triển văn hoá, thể thao và du lịch

Chủ nhật, 22/01/2023 15:33
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sức bật mới, tạo được những dấu ấn rất đáng ghi nhận. Để làm rõ hơn những vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng.
Bước sang năm 2023 với nhiều kỳ vọng mới, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải khơi thông những điểm nghẽ... tạo động lực mới để VHTTDL phát triển. (Ảnh: K.T) 

PV: Năm 2022 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi của văn hóa sau kỳ “đóng băng” dài gần 2 năm do dịch COVID-19, xin đồng chí có thể cho biết những chuyển biến tích cực, những đột phá của ngành Văn hóa sau gần một năm mở cửa, bình thường hóa các hoạt động trở lại?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2022 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi của văn hóa sau kỳ “đóng băng” dài gần hai năm do dịch COVID-19. Cánh cửa năm 2022 mở ra với nhiều kỳ vọng và khép lại bằng những dấu ấn đáng tự hào của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được tạo thêm động lực quan trọng để triển khai nhiệm vụ đưa văn hóa thực sự thấm sâu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên khắp cả nước. Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư, với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, triển khai nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm của Ngành “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Kế hoạch đã cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong Kết luận của Tổng Bí thư và các nhiệm vụ trong Chiến lược thành các nhiệm vụ chương trình, đề án, dự án, quy hoạch và các hoạt động phát triển sự nghiệp ngành văn hóa. Nhiều sự kiện lớn liên quan đến lĩnh vực văn hóa được tổ chức quy mô như: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh; Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hoá với Doanh nghiệp" năm 2022… Các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

 Với tư cách là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về văn hóa, trong năm qua Bộ đã triển khai nhiều sáng kiến để đưa hệ giá trị vào cuộc sống (Ảnh: K.T)

Công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế đạt được một số kết quả nổi bật. Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật: Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư.

Nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa, về vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từng bước được nâng cao. Lần đầu tiên Việt Nam đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã tạo tiếng vang lớn ở trong nước và quốc tế. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”; Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi danh là “Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Một dấu ấn quan trọng khẳng định vị thế/tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế là sự kiện Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 -2026.

Lĩnh vực thể thao của Việt Nam trong năm 2022 cũng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, được chờ đợi từ người dân trong nước và khu vực. Việc tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 đã kết nối và lan truyền những cảm hứng tích cực với thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, quảng bá hình ảnh về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển. Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX với chủ đề "Vì một Việt Nam cường thịnh” cũng được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, đặc biệt là công tác chuyên môn. Bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự vòng chung kết WoldCup.

Đối với lĩnh vực Du lịch, năm 2022 đánh dấu sự phục hồi, tăng trưởng hết sức tích cực. Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt; tổng số khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách và vượt 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.

PV: Với tư cách là "Tư lệnh" Ngành, để chấn hưng văn hóa theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, xin đồng chí cho biết những giải pháp và việc làm cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như toàn Ngành trong thời gian tới?

Năm 2022 đánh dấu với nhiều sự kiện VHTTDL ấn tượng được tổ chức  (Ảnh:K.T)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát biểu kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 06 nhiệm vụ trọng tâm cả hệ thống chính trị cần thực hiện trong thời gian tới. Song hành cùng 6 nhiệm vụ, Tổng Bí thư đồng thời chỉ ra 04 giải pháp để thực hiện. Trong đó, giải pháp đầu tiên Tổng Bí thư đề cập là: “Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hoáĐối với công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người... ”.

Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

- Tiếp tục quán triệt, đổi mới cách thức tiếp cận, tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” và kiến tạo chính sách, khơi thông nguồn lực.

- Chủ động nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn để đề xuất các giải pháp, chính sách quản lý phù hợp, xử lý “từ sớm”, “từ xa”; tham mưu “đúng - trúng - kịp thời” cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo tháo gỡ những“điểm nghẽn” về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển văn hoá.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, tiếp tục xây dựng, đề xuất ban hành mới các chính sách pháp luật để giải quyết những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.

- Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “Chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam”, từng bước cụ thể hoá vai trò của văn hoá  - “hệ điều tiết” trong sự vận động mọi mặt của đời sống xã hội.

- Tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa 06 nhiệm vụ và 04 giải pháp nêu trong Kết luận và các nhiệm vụ trong Chiến lược thành các nhiệm vụ chương trình, đề án, dự án, quy hoạch và các hoạt động phát triển sự nghiệp ngành Văn hóa.

Năm 2022 được đánh giá là năm thành công của thể thao Việt Nam (Ảnh: Bộ VHTTDL cung cấp)

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Một là, xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình, nhiệm vụ để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 (với 34 chương trình, đề án, nhiệm vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực của Ngành).

- Hai là, tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 (với 26 chương trình, đề án, nhiệm vụ).

- Ba là, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể được phân công chủ trì thực hiện các đề án, chương trình, nhiệm vụ để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 (với 29 chương trình, đề án, nhiệm vụ).

PV: Xây dựng hệ giá trị là một trong những điểm nhấn đặc biệt trong kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với tư cách là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về văn hóa, trong năm qua Bộ đã triển khai vấn đề này như thế nào và những giải pháp trong thời gian tới để đưa những hệ giá trị này vào trong cuộc sống?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện, đó là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Với tư cách là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về văn hóa, trong năm qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung thực hiện:

Một là, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về toàn văn nội dung Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, đặc biệt là phổ biến đầy đủ 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp và quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của Ngành trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đổi mới tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.

Hai là, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể 06 nhiệm vụ và 04 giải pháp theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, giữ gìn và phát huy các hệ giá trị Việt Nam phù hợp trong thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập. Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ trong “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030” thành các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch và các hoạt động phát triển sự nghiệp ngành văn hóa.

Ba là, tổ chức Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Bác Hồ kính yêu, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, với nhân dân làm chủ thể tổ chức các chương trình nghệ thuật cấp quốc gia và cấp vùng gắn với xây dựng môi trường văn hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, quảng bá nét đẹp văn hóa con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Bốn là, tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo với các chủ đề liên quan đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới hiện nay. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức thành công Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay”.

Năm là, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa thu được nhiều thành tích là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam.

Tiếp nối những thành công năm 2022, nhằm đưa những Hệ giá trị này vào trong cuộc sống, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp”.

Hai là, tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành tiến hành nghiên cứu, trao đổi khoa học và cụ thể hóa những đề xuất nhằm thống nhất những tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam phù hợp với bối cảnh tình hình phát triển đất nước hiện nay. Tập trung triển khai nghiên cứu, lồng ghép thực hiện các hệ giá trị quốc gia Việt Nam trong thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Ba là, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội.

Bốn là, đẩy mạnh quảng bá, lan tỏa các hệ giá trị quốc gia Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế; thực hiện mục tiêu kép, vừa xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, các hệ giá trị quốc gia, vừa hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa trong tình hình mới.

PV: Để khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa, theo Bộ trưởng chúng ta cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách cụ thể như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa, cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách cụ thể như sau:

Một là, xây dựng, trình Quốc hội xem xét thông qua “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”.

Hai là, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa nhằm khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi Luật Di sản văn hóa ở các điểm chưa xác định rõ, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị. Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo ở các quy định về các loại hình quảng cáo, phương tiện quảng cáo mới phát sinh.... ; Nghiên cứu xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về hoạt động văn học, chính sách về tài sản nội dung văn hóa số v.v… Quan tâm đến yếu tố đặc thù của ngành Văn hoá trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật: Chính sách về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù - những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghệ thuật; chính sách cho các nghệ nhân - những người giữ hồn, giữ lửa trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật thuế thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có chính sách phù hợp phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa. Triển khai nhóm giải pháp hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển thị trường văn hóa trên không gian mạng. Tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các giải pháp linh hoạt về quản lý nhân sự trong cơ chế thị trường và các nhóm giải pháp khác. Hình thành cấu trúc ngành có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn.

Năm là, xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia.

Giai đoạn 2023-2025: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, lựa chọn một số ngành có tiềm năng lợi thế trong tổng thể 12 ngành công nghiệp văn hóa để tổ chức thực hiện, làm tiền đề, áp dụng mô hình cho các ngành công nghiệp văn hóa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Kim Thoa (Thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực