|
Tại hội nghị Tổng kết Bộ GTVT năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương “Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT quyết liệt, quyết tâm, nắm chắc vấn đề để chỉ đạo; các hoạt động của ngành GTVT nhanh chóng trở lại, khắc phục hậu quả của đại dịch; vào cuộc toàn diện".
|
Hiện thực hóa tiền đề phát triển
Một “điểm sáng” của ngành GTVT được Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao trong năm qua là công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã đáp ứng yêu cầu định hướng cho đầu tư theo thứ tự ưu tiên và là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành chủ trương, xây dựng các chính sách.
Nổi bật nhất là Bộ GTVT đã đã trình Chính phủ cả 5 quy hoạch ngành GTVT, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 4 quy hoạch ngành, gồm: đường sắt, đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa; quy hoạch hàng không hiện đang đợi Chính phủ phê duyệt. Đây là lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT được lập đồng thời theo hướng tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Với “điểm sáng” này, Bộ GTVT là ngành đầu tiên hoàn thiện sớm nhất quy hoạch phát triển ngành, minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, sát sao và tầm nhìn của lãnh đạo Bộ GTVT khi định hình rõ đây là tiền để phát triển GTVT trong lai.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, quy hoạch là cái gốc, là định hướng của lĩnh vực, không có quy hoạch thì không thể trình các dự án. Các quy hoạch của Bộ GTVT xây dựng đã được nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để đạt được chất lượng tốt nhất.
Biểu dương Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Bộ GTVT là bộ hoàn thành sớm 4/5 quy hoạch chuyên ngành, hiện chỉ còn quy hoạch hàng không, cần trao đổi với các nhà nghiên cứu, có kinh nghiệm để hoàn thành sớm.
“Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT quyết liệt, quyết tâm, nắm chắc vấn đề để chỉ đạo; các hoạt động của ngành GTVT nhanh chóng trở lại, khắc phục hậu quả của đại dịch; vào cuộc toàn diện", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Khơi thêm nguồn năng lực toàn diện từ thể chế, chính sách
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trong năm 2022, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được tập trung triển khai ngay từ đầu năm nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, góp phần tạo môi trường lành mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng họp định kỳ hàng tháng để kiểm điểm, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói và cho biết thêm, trong năm 2022, Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 8/8 Nghị định (trong đó 3 văn bản thuộc chương trình năm 2021, 5 văn bản thuộc chương trình năm 2022); Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 49 Thông tư theo thẩm quyền, đạt 100% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã thực hiện tổng kết các luật chuyên ngành theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định về kế hoạch tổng kết, xây dựng Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) và đang được các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Chính phủ, năm qua, Bộ GTVT đã hoàn thành trình Chính phủ 2 Nghị định, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 4 Thông tư, đạt 100% yêu cầu.
Với nhiệm vụ thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL, Bộ GTVT đã kịp thời tham gia ý kiến đối với nhiều văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị, đấu giá tài sản… theo đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định: “Với tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc, cầu thị, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến và giải quyết, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, 4 Quốc hội khóa XV; giải quyết, trả lời 270 kiến nghị do cử tri gửi đến”.
Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các văn kiện của Đại hội, Bộ GTVT đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch chuyên ngành quốc gia. Trên cơ sở các quy hoạch ngành quốc gia được duyệt, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch chuyên ngành và được phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch chuyên ngành đường bộ, đường thủy nội địa.
Bộ GTVT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia; tham gia ý kiến và thẩm định kịp thời các nội dung liên quan trong quy hoạch các vùng kinh tế và quy hoạch 63 tỉnh, thành phố.
Nâng tầm xây dựng chiến lược, quy hoạch
|
Năm 2023, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng, triển khai các Đề án, Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Trên cơ sở phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, Bộ GTVT tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phương châm hành động theo từng năm của Chính phủ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”, Bộ GTVT sẽ nỗ lực tiếp tục dành thời gian, nguồn lực và gắn trách nhiệm người đứng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu thực hiện các công việc liên quan đến hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.
Bộ GTVT cũng sẽ rà soát các nội dung còn vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, phân cấp, phân quyền, quản lý hoạt động vận tải.
Đồng thời chú trọng việc hoàn thành tổng kết, đề xuất điều chỉnh bổ sung, thay thế đối với các Luật, Bộ Luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT; triển khai thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2023 của Bộ và chương trình công tác của Quốc hội, của Chính phủ.
Mặt khác, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng, triển khai các Đề án, Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đối với Đề án quy hoạch cảng hàng không sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Đề án Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch và các Đề án liên quan khác./.