Kỳ 2: Ngành Giao thông Vận tải nối tiếp những kỷ lục giải ngân ấn tượng

"Giao thông Vận tải đi đầu cả nước trong lĩnh vực giải ngân"
Chủ nhật, 22/01/2023 19:52
(ĐCSVN) - Nhiều năm trở lại đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tục được giao khối lượng giải ngân “khổng lồ”, năm sau phá kỷ lục năm trước. Quyết tâm của Bộ GTVT đang rất “nóng” với con số ấn tượng.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn khánh thành ngày 31/12/2022. 

Phấn đấu phá kỷ lục ấn tượng

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT cho hay, Bộ GTVT đã đặt quyết tâm cao, phấn đấu giải ngân toàn bộ nguồn vốn đầu tư công được bố trí trong năm 2023 là 94.161 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần so với kế hoạch năm 2022.

Vị lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT cũng khẳng định, Bộ GTVT nhận thức rõ, việc giải ngân vốn đầu tư công không đơn thuần chỉ là hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn mang ý nghĩa to lớn cho đất nước. Bởi lẽ, mỗi đồng giải ngân của ngành GTVT đều tạo ra giá trị to lớn mang tính chất làm nền tảng cho các bước phát triển KT-XH, đặc biệt là trong bối cảnh khắp mọi miền đất nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19.

“Bộ GTVT gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân” - vị này khẳng định và cho biết thêm, để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho đất nước, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên nguyên tắc đảm bảo hài, hợp lý giữa các vùng động lực và vùng khó khăn, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời kết nối vùng, kết nối các loại hình giao thông.

Những ngày đầu năm 2023, Bộ GTVT đã thể hiện bằng những hành động rất cụ thể cho quyết tâm tạo ra bước đột phá kỷ lục của toàn ngành. Bao trùm toàn ngành GTVT là tinh thần quyết liệt, không khí khẩn trương trong việc rà soát, phân bố và giao chi tiết kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân. Đặc biệt là có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không để dàn trải, manh mún, kéo dài.

Theo thống kê của Bộ GTVT, tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ đồng, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Khởi công nhanh để giải ngân nhanh

 Động thổ xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì.

Tiếp nối thành tựu này, những ngày đầu năm 2023, công tác kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ dự án đã được Bộ GTVT thực hiện rất quyết liệt, cho thấy sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Nhấn mạnh việc kết quả giải ngân của ngành GTVT đóng góp rất quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế, người đứng đầu ngành GTVT đặc biệt lưu ý các cơ quan, đơn vị không được phép tự mãn với kết quả giải ngân năm 2022 đã đạt được.

Trên thực tế, khối lượng giải ngân “khổng lồ” của ngành GTVT chỉ có thể được hoàn thành nếu tiến độ hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, chất lượng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng là nhiệm vụ đáng chú ý nhất của ngành GTVT trong giai đoạn hiện nay.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác;…

Sự kiện nổi bật nhất của ngành GTVT trong năm 2023 là khởi công đồng loạt toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 ngay ngày đầu tiên của năm. Liên quan đến đại công trình này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh yêu cầu các ban quản lý dự án đảm nhiệm trọng trách là chủ đầu tư các dự án thành phần phải thực thi nhiệm vụ rất quyết liệt, đồng thời phối hợp thật chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo người đứng đầu ngành GTVT, GPMB đến đâu là phải khởi công ngay đến đó. “Khởi công nhanh mới giải ngân nhanh” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói rõ.

Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã GPMB được khoảng 70%, đây cũng là một sự thuận lợi rất lớn để ngành GTVT tự tin trước áp lực giải ngân khổng lồ hiện nay. Dù Bộ GTVT cũng có được nhiều sự thuận lợi, song, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nêu gương. Các vụ, cục chuyên môn phải nỗ lực tối đa, các thủ trưởng không chỉ quyết tâm mà còn phải xông xáo, không né tránh trách nhiệm. Đây chính là yếu “then chốt” để toàn ngành có thể hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nhân dân tin tưởng giao phó.

Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 lên tới 94.161 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần kế hoạch năm 2022 được xem là thách thức rất lớn đối với ngành GTVT. Song, thực tế kết quả giải ngân liên tục phá kỷ lục trong nhiều năm qua của Bộ GTVT là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực không ngừng nghỉ với hiệu quả công tác cao, tạo ra những niềm tin vững chắc cho một năm 2023 tiếp tục đạt thành công, thắng lợi toàn diện.

Dồn sức nâng tầm năng lực giải ngân

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho hay, định hình rõ thách thức năm 2023, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn Nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Năm 2023, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng và triển khai các kế hoạch thực hiện các quy hoạch chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiết giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ GTVT cũng sẽ hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường để làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Song hành với đó, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là mô hình, tổ chức hoạt động của các ban quản lý dự án. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra song song với thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng những gương điển hình, những cách làm mới đột phá, sáng tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết thêm, năm 2023, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các các công trình, dự án trọng điểm. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, giải phóng mặt bằng, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản triển khai các dự án giao thông đáp ứng tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Bài, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực