|
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Ảnh: VARS) |
Phóng viên (PV): Dư luận đang đề cập nhiều đến việc “bắt đáy bất động sản” trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá ra sao về nội dung này?
Ông Nguyễn Văn Đính: Cuối năm 2022, ảnh hưởng từ các chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế cũng như các vấn đề nội tại thị trường chưa được giải quyết đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường bất động sản phải rơi vào trạng thái khó khăn. Dữ liệu của VARS cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền được điều chỉnh giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Như vậy, có thể nói, việc cắt lỗ thời gian vừa rồi chỉ xảy ra với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đối với các sản phẩm đầu tư, không phục vụ nhu cầu thực.
Theo đó, đội ngũ chuyên gia của VARS dự báo, quý I/2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ít biến động và rất khó xảy ra các tình huống mang tính “đột biến”, lượng giao dịch kỳ vọng tương đương với cùng kỳ năm 2022. Tháng 1/2023, mặt bằng giá gần như đi ngang, nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã bắt đầu rục rịch xuống tiền với tâm thế sẵn sàng chờ “bắt đáy” bất động sản.
Nhiều nhà đầu tư cũng đang đặt ra câu hỏi, thị trường bất động sản đã chạm “đáy" hay chưa? Đáy bất động sản được hiểu nôm na là mức giá thấp nhất mà chúng ta có thể mua được. Tuy nhiên, không có một thước đo nào để có thể xác định được đâu là “đáy" của động sản. Để không bỏ lỡ cơ hội, cần làm rõ định nghĩa “bắt đáy" cho riêng mình.
Theo định nghĩa, mức giá cân bằng là ở điểm lượng cung bằng lượng cầu. Nhu cầu là sự mong muốn và cần thiết, trong khi cầu còn phải đáp ứng thêm khả năng chi trả. Tăng trưởng kinh tế và thu nhập sẽ dần chuyển nhu cầu thành thực cầu và tiềm năng thành cơ hội. Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, thực cầu và cơ hội ở Việt Nam là rất hấp dẫn. Sức hút này có thể tạo ra những giai đoạn bùng nổ về xây dựng - và thị trường tốt sẽ có khả năng tự điều tiết cung - cầu. Khi cung lớn hơn cầu, không có người mua, để tạo thanh khoản, chủ sở hữu bất động sản sẽ phải điều chỉnh giá cân bằng tại điểm người mua chấp nhận trả với mức lợi nhuận kỳ vọng hoặc trừ đi khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể chấp nhận trong trường hợp cần “cắt máu". Sát Tết, cùng với những thông tin rao bán “cắt lỗ”, câu chuyện bất động sản đã chạm “đáy” chưa và nên “bắt đáy” bất động sản vào thời điểm nào nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bất động sản cũng như người mua nhà để ở.
Để trả lời được câu hỏi có nên “bắt đáy" thời điểm này hay không? Khách hàng có nhu cầu mua bất động sản để ở, tích trữ tài sản hay để đầu tư đều cần phải tự làm rõ các vấn đề: hiện trạng tài chính của bản thân, nhu cầu – mục đích – thời hạn đầu tư, bối cảnh tại khu vực dự định đầu tư.
PV: Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động như hiện nay, nhất là dự báo năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức khi có nhiều điều chỉnh chính sách thị trường một cách toàn diện? Theo ông, các lực lượng liên quan trong lĩnh vực bất động sản cần phải làm gì để đưa thị trường phát triển bền vững, hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Đính: Sau 2 năm phát triển như vũ bão, đây là giai đoạn thích hợp, là cơ hội “có một không hai” để các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường hoặc có tiềm lực tài chính mạnh, dòng tiền nhàn rỗi, sẵn sàng đầu tư 3-5 năm trở lên với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng có thể “gom hàng" do giá bán đã dần ổn định và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp.
Đối với những người dân có nhu cầu ở thực, đây là cơ hội để "an cư" bởi giai đoạn này chính là thời điểm mà doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu, điều chỉnh giá bán ở điểm cân bằng nói trên để “sinh tồn". Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, bất động sản chắc chắn sẽ tăng giá nhanh hơn so với tốc độ tăng thu nhập của xã hội. Nếu khách hàng đã tích lũy đủ tiền mặt, muốn mua các sản phẩm đã hoàn thành hoặc các sản phẩm nhà ở trong tương lai (có tiến độ xây dựng và tình trạng pháp lý tốt) phù hợp với nhu cầu để ở hay tích lũy tài sản thì không cần quan tâm đến giá của căn nhà đó có đã ở "đáy" hay chưa, ngay khi thấy có sự điều chỉnh, có thể lập tức mua vào.
|
Tin tưởng thị trường phục hồi |
Với thị trường mới nổi như Việt Nam, sự thiếu minh bạch và chuẩn mực trong giao dịch, đặc biệt là ở các sản phẩm hình thành trong tương lai là một trong những rủi ro lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu chí để đánh giá về minh bạch, ngoài những chuẩn mực về định giá, thông tin giao dịch thị trường, còn bao gồm cả việc đánh giá về độ tin cậy của dịch vụ môi giới bất động sản trên thị trường.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của VARS với các hội viên là những nhà môi giới bất động sản đang hoạt động, 70% nhà đầu tư được hỏi cho rằng khả năng sinh lời là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định đầu tư thay vì câu chuyện về thông tin sản phẩm, giá cả thị trường, chi phí vốn... Để thị trường bất động sản phát triển, đảm bảo tất cả các thành viên thị trường đều thu được lợi nhuận ổn định, ngoài khả năng sinh lời, nhà đầu tư cần nắm rõ chuẩn mực về định giá, thông tin giao dịch thị trường, lựa chọn dịch vụ môi giới bất động sản uy tín, hạn chế tình trạng đầu tư theo đám đông hoặc phụ thuộc nhiều vào các kênh hỗ trợ về tín dụng.
Với Chủ đầu tư/Doanh nghiệp phát triển dự án cần chủ động điều chỉnh cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, chú trọng vào phân khúc phù hợp. Điều chỉnh các dự án cao cấp tương ứng theo nhu cầu thị trường. Rà soát lại danh mục dự án. Giữ lại những dự án có khả năng thực hiện được. Chuyển nhượng, chuyển giao các dự án không thể thực hiện được. Tập trung nguồn lực cho những dự án đã có giấy phép đầy đủ, pháp lý hoàn thiện, tránh việc đầu tư dàn trải, kéo dài tiến độ triển khai. Lựa chọn ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, để thích ứng với xu thế và hoạt động hiệu quả hơn.
Với các Sàn giao dịch Bất động sản, rà soát lại bộ máy hoạt động, điều chỉnh theo hướng tinh giản, linh hoạt. Trong lúc thị trường khó khăn càng phải tập trung nâng cao và khẳng định sự uy tín, chuyên nghiệp với khách hàng. Thực hiện việc chuyển đổi số để cạnh tranh tốt hơn, tìm kiếm khách hàng nhiều hơn, quản lý tốt hơn
Với Khách hàng/Nhà đầu tư, nên thận trọng và khôn ngoan. Ưu tiên lựa chọn các chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản uy tín, chuyên nghiệp. Cân nhắc kỹ nếu sử dụng đòn bẩy tài chính. Ưu tiên các nhu cầu thực, đầu tư trung và dài hạn hơn là đầu cơ.
Với Môi giới Bất động sản, tích lũy kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng mềm… tồn tại đã rồi mới phát triển. Nghiêm túc nhìn nhận lại mục tiêu, định hướng với nghề. Kiên định rồi sẽ có thành công. Tư duy “Lấy dài nuôi ngắn” - Phân bổ nguồn tiền kiếm được khi có giao dịch, dự phòng cho thời kỳ khó khăn.
PV: Trực tiếp đóng góp tỷ trọng 15% vào GDP quốc gia cùng với sức ảnh hưởng đến hơn 40 ngành nghề liên quan khác, bất động sản ngày càng đóng vai trò to lớn và quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Theo ông, cần phải làm gì để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản?
Ông Nguyễn Văn Đính: các chuyên gia kinh tế, chuyên gia bất động sản đều chung thống nhất rằng, thị trường đang có sự tồn tại của tứ giác liên thông: Bảo hiểm – Ngân hàng - Chứng khoán - Bất động sản liên quan chặt chẽ với nhau. Cụ thể, ngân hàng dành 20% vốn để cho vay bất động sản (cả cho vay nhà ở và kinh doanh nhà ở). Chứng khoán cũng liên quan mật thiết với bất động sản. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản thuộc top đầu trong khối phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán 17% tổng vốn hóa toàn thị trường. Bên cạnh đó, rất nhiều quỹ đầu tư tín thác bất động sản, chứng khoán phái sinh là những sản phẩm có liên quan giữa ngành bất động sản và chứng khoán. Nếu ví tứ giác liên thông này là 4 bánh xe của ô tô, chỉ cần một bánh xì hơi thì những bánh kia không thể chạy được. Thậm chí nếu không được can thiệp, xử lý kịp thời sẽ rất dễ gây ra các tình huống nghiêm trọng.
Vì thế, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là việc mà Chính phủ không thể không làm. Thực tế, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý để đưa nguồn cung mới vào thị trường; xây dựng cơ chế riêng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà xã hội, nhà ở giá cả phải chăng, phù hợp với người thu nhập thấp và các cơ chế khác một cách thận trọng để tránh gây ra hiện tượng “nước chảy chỗ trũng”, bong bóng bất động sản, gây bất lợi cho người dân và tạo hệ lụy xấu với nền kinh tế. Khách hàng, nhà đầu tư cần bổ sung, tích lũy kiến thức hoặc chọn cho mình một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp cũng như chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính thật tốt để khi giá giảm lập tức có thể mua vào, đừng để mong muốn “bắt đáy”, kỳ vọng mức giá sẽ tiếp tục giảm trong tương lai mà bỏ lỡ cơ hội.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó, Chính phủ ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trải qua 8 năm hình thành và phát triển, cho đến nay VARS đã có 18 Văn phòng đại diện và Hội Môi giới BĐS thành viên trên cả nước với hơn 10.000 Hội viên là doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà Môi giới bất động sản chuyên nghiệp. Trong tháng 1/2023, VARS và Văn phòng đại diện VARS tại khu vực miền Trung, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Cần Thơ... đã tổ chức thành công Lễ tổng kết năm 2022 và triển khai hoạt động năm 2023 với sự tham gia của hàng nghìn Hội viên, môi giới, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. |