Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Thực trạng và giải pháp

Thứ ba, 24/01/2023 22:01
(ĐCSVN) - Trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, hoạt động nghệ thuật nói chung và lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm nói riêng đã có những bước tiến, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Ảnh minh họa  (Ảnh: TL)

Theo báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL), công tác quản lý nhà nước về MTNATL được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Nhiều hoạt động MTNATL được tổ chức trong và ngoài nước góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.

Năm 2022, cả 03 lĩnh vực quản lý nhà nước mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đều đã có Nghị định để điều chỉnh các hoạt động: Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 về hoạt động mỹ thuật; Nghị định 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về hoạt động nhiếp ảnh; Nghị định 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 về hoạt động triển lãm.

Việc xây dựng 03 Nghị định về MTNATL khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ với lĩnh vực này, qua đó khẳng định rằng đây là một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội, đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về lĩnh vực MTNATL; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực MTNATL, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý hoạt động MTNATL thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động MTNATL trên cả nước; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ sĩ tham gia sáng tác, công bố tác phẩm…; tăng cường mối quan hệ giao lưu MTNA Việt Nam và quốc tế, giúp bạn bè thế giới hiểu hơn về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.

Ngoài 03 Nghị định chuyên ngành, năm 2022, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm còn tham mưu ban hành các Thông tư hướng dẫn liên quan như: Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL ngày 18/01/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; Thông tư số 06/2019/TT-BVHTTDL ngày 01/8/2019 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định nội dung triển lãm; Thông tư số 08/2020/TT-BVHTTDL ngày 10/11/2020 Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật phần mỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu. Việc ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là rất cần thiết, đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện quản lý nhà nước xây dựng tượng đài tại các địa phương nói riêng và trên cả nước nói chung, đảm bảo về mặt chuyên môn mỹ thuật, quy trình xây dựng, để công trình tượng đài đạt chất lượng về nghệ thuật và kỹ thuật tượng đài trong tình hình thực tế hiện nay. Ngoài ra, còn có các văn bản quản lý ngành khác nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

Trong năm qua, công tác cấp giấy phép các hoạt động MTNATL đã được thực hiện tốt, đi vào nề nếp và được thực hiện đúng quy trình, quy định; đảm bảo sự nghiêm túc trong nội dung các hoạt động MTNATL theo đúng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công tác quản lý, cấp giấy phép đã ngăn chặn, loại bỏ được những tác phẩm không phù hợp về chính trị, thuần phong, mỹ tục. Đảm bảo việc đưa đến người xem và xã hội những tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt, lành mạnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động MTNATL ở Trung ương đã có sự phối hợp tốt giữa Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Cục MTNATL.

Công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động mỹ thuật; tuyển chọn và trao giải thưởng đối với cá nhân và tác phẩm mỹ thuật được thực hiện tốt, thường xuyên, kịp thời động viên các cá nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc có thành tích xuất sắc, những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật như: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực mỹ thuật, trao giải thưởng cho các cá nhân và tác phẩm tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm quy mô quốc tế, quốc gia, khu vực, cấp tỉnh…

Việc giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực MTNATL đạt được nhiều dấu ấn. Trong những năm qua, nhiều triển lãm, chương trình giao lưu nghệ thuật đã được tổ chức tại nước ngoài, như tại Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Các cá nhân, nhóm tác giả đã tham gia các hoạt động, sự kiện nghệ thuật quốc tế khác. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài; tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia, hướng về Tổ quốc.

Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về mỹ thuật đã được quan tâm.

Đối với công tác phát triển sự nghiệp mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trong cả nước được chú trọng, đổi mới, thực hiện nghiêm túc hơn, xây dựng các công trình tượng đài, công trình mỹ thuật ngoài trời có ý nghĩa; tổ chức nhiều các hoạt động triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh và các triển lãm văn hóa nghệ thuật khác thu hút được đông đảo người đến xem, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân ngày một tăng lên. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... các hoạt động sáng tác, triển lãm diễn ra sôi động, đa dạng. Đối với tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa…, các hoạt động lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm có khởi sắc hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, cần nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp Trung ương và địa phương.

Công nghiệp văn hóa ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế thời đại trong quá trình hội nhập và phát triển, đưa văn hóa trở thành ngành công nghiệp, khai thác tiềm năng kinh tế trong văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, kết hợp công nghệ hiện đại nhằm tạo ra nhiều tác phẩm, sản phẩm văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu thụ sản phẩm văn hóa của nhân dân và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là một lĩnh vực quan trọng trong các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam đang cố gắng phát triển trong thời gian tới. Bộ VHTTDL đã phê duyệt 2 Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam” và "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020 - 2030.

Bên cạnh những thuận lợi, trong năm qua ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng gặp không ít khó khăn như: Thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước mới bắt đầu hình thành, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm còn gặp nhiều khó khăn. Công tác lý luận phê bình, quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu còn yếu. Kinh nghiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và công tác dự báo, thiết kế xây dựng chính sách trong lĩnh vực này còn ít; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm còn mỏng và thiếu nên việc tham chiếu, tham khảo, nghiên cứu tài liệu phục vụ cho công tác xây dựng các văn bản pháp quy gặp khó khăn.

Tại địa phương, công tác cấp phép lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm còn một số bất cập. Ở một số địa phương Ủy ban nhân dân chưa phân cấp cấp phép lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số Sở Văn hóa và Thể thao chưa có đủ đội ngũ cán bộ chuyên môn dẫn đến tình trạng một số trường hợp thẩm định, cấp phép triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh cho các tổ chức, cá nhân còn gặp khó khăn, chậm trễ, chưa tốt. Nhiều địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý cấp phép các công trình tượng tôn giáo, tượng ngoài trời xây dựng ở trong khuôn viên của gia đình, cá nhân.

Hiện nay, còn một số công trình tượng đài được xây dựng chưa xin cấp phép, chất lượng nghệ thuật của một số tượng đài còn yếu, chưa phù hợp với cảnh quan môi trường, chưa phát huy được hiệu quả thẩm mỹ, công tác bảo dưỡng chưa được chú trọng. Nghị định 113/2013/NĐ-CP quy định hội đồng nghệ thuật trước khi ra quyết định thành lập phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của Cục MTNATL để đảm bảo đúng thành phần chuyên môn; thành viên đủ năng lực và trình độ làm công việc thẩm định. Tuy nhiên, một số công trình tượng đài, tranh hoàng tráng chưa thực hiện được đúng quy định này. Việc thành lập các Hội đồng nghệ thuật công trình tượng đài, tranh hoàng tráng cũng cần chấn chỉnh cho đúng thành phần, tỉ lệ các nhà chuyên môn; công tác quy hoạch tượng đài cần được tiến hành song song với quy hoạch đô thị của các địa phương.

Tình trạng vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh, tệ nạn tranh sao chép không đúng quy định, tranh mạo danh trong mỹ thuật vẫn là vấn đề nhức nhối, công tác lý luận phê bình còn yếu.

Công tác thanh kiểm tra ở địa phương mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được thực tế bởi lực lượng thanh tra mỏng, thiếu thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực MTNATL.

Mặc dù nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo MTNA ở Việt Nam có sự mở rộng đáng kể về số lượng, chất lượng nhưng còn nhiều hạn chế trong ứng dụng vào cuộc sống. Hệ thống chương trình đào tạo chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn của đời sống. Nguồn nhân lực MTNA đào tạo ra còn chưa sử dụng hết, gây nên sự lãng phí cho xã hội. Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực và đào tạo ở các trường mỹ thuật chưa có sự phù hợp giữa cung và cầu.

Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhà trưng bày, vì vậy mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trong cả nước chưa phát triển mạnh so với tiềm năng và nhu cầu xã hội.

Kinh phí đầu tư cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm còn hạn chế so với nhu cầu và ít được quan tâm như các lĩnh vực khác.

Trước sự phát triển của đất nước về kinh tế - xã hội cũng như các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cùng với những cơ hội phát triển là những thách thức đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về MTNATL. Trong thời gian tới, lĩnh vực MTNATL cần sự chỉ đạo và phối hợp từ Trung ương đến địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục xây dựng các văn bản quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành MTNATL phát triển toàn diện, theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quan tâm hơn nữa đến vấn đề kinh phí cho các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm cần ứng dụng công nghệ đáp ứng được xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực thi đối với việc bảo vệ bản quyền tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn mỹ thuật, nhiếp ảnh, lý luận phê bình; tạo điều kiện cho cán bộ đi khảo sát học tập nghiên cứu công nghiệp văn hóa và công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở nước ngoài.

Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển công tác xã hội hóa hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tại các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nâng cao đời sông tinh thần cho người dân.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý trung ương và địa phương để thực hiện hiệu quả việc cấp phép, công tác quản lý nhà nước, công tác phổ biến pháp luật lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm được triển khai hiệu quả.

Công tác thẩm định cấp phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh cần được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình, quy định; tăng cường công tác hậu kiểm; tổ chức các lớp tập huấn về quy trình, quy định về thủ tục thẩm định cấp phép; tích cực tuyên truyền, phổ biến, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vào đời sống xã hội; tăng cường kiểm tra hoạt động của các Gallery, các đơn vị sao chép tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm….

HP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực