Ngành Khí tượng thủy văn: Sáng tạo, quyết tâm, hướng tới phát triển bền vững

Thứ bảy, 21/01/2023 11:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Khí tượng thủy văn là một nghề nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt những năm gần đây thời tiết ngày càng có sự dị thường, khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn với sự bền bỉ quyết tâm, mỗi cán bộ khí tượng thủy văn luôn tận tụy phục vụ, sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực biến nguy thành cơ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.
 Ảnh minh họa: Bích Liên

 Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm xuân Quý Mão 2023.

Phóng viên (PV): Thưa GS.TS Trần Hồng Thái, ông có thể cho biết một số những nét nổi bật nhất của công tác khí tượng thủy văn trong năm 2022?

GS.TS Trần Hồng Thái: Năm 2022 qua đi đã đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng đối với lĩnh vực Khí tượng thủy văn (KTTV).

Điểm nổi bật thứ nhất của ngành trong năm qua là việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và sự hỗ trợ, kết nối về dự báo của Việt Nam trong khu vực.

Với nhiều hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 22/10/2022, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres đã đến thăm, làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Tổng Thư ký đã đánh giá cao các thành tích đạt được của ngành KTTV Việt Nam trong công tác dự báo và cảnh báo sớm. Đặc biệt là vai trò của ngành KTTV đối với các nước trong khu vực và khẳng định ngành KTTV Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ thực hiện công tác KTTV, cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo sớm phục vụ trong nước mà còn cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo tới các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đã được Tổ chức Khí tượng thế giới và các quốc gia trong khu vực ghi nhận thông qua việc đảm nhận vai trò Trung tâm Hỗ trợ cảnh báo thời tiết nguy hiểm Đông Nam Á (năm 2011) và Trung tâm Dự báo cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á năm 2022 và Việt Nam đang giữ vị trí Phó chủ tịch Hiệp hội khí tượng Châu Á (RAII).

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng khẳng định trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, các hệ thống dự báo và cảnh báo sớm là công cụ nền tảng không thể thiếu được tại mỗi quốc gia để ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc đã đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới, tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ có hệ thống cảnh báo sớm. Tổng thư ký Liên hợp quốc mong muốn Việt Nam với kinh nghiệm của mình sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong việc biến mục tiêu này thành hiện thực, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một thế giới an toàn, bền vững.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn. (Ảnh: Thanh Tùng) 

Điểm nổi bật thứ hai là việc Việt Nam dự báo, cảnh báo sớm tác động của siêu bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua trên Biển Đông, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản cho cộng đồng và mưa lớn cực đoan đe dọa sự phát triển bền vững các đô thị Việt Nam. Có thể thấy năm 2022 đã đi qua với nhiều khác biệt và đặc thù về khí tượng, thủy văn. Thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn thể hiện tính chất cực đoan nguy hiểm; số cơn bão, áp thấp nhiệt đới không nhiều nhưng đã xuất hiện siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đe dọa các tỉnh Trung bộ và nhiều tỉnh khác trên cả nước. Với sự quyết tâm và nỗ lực cao toàn ngành đã triển khai tốt công tác dự báo, cảnh báo, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Điểm nổi bật thứ ba là ngành KTTV Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị công bố Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về BĐKH và thỏa thuận Net-ZERO tại Hội nghị COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm BĐKH toàn cầu. Quán triệt quan điểm và chỉ đạo thống nhất của Đảng, của Bộ Chính trị về ứng phó với BĐKH, hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nguồn năng lượng hiện có đang cạn kiệt, ngành KTTV đã và đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để nghiên cứu, mang lại những sản phẩm thiết thực, phục vụ trực tiếp xã hội.

PV:Trước thềm năm mới xin Giáo sư cho biết những cảm nhận về vai trò quan trọng của công tác KTTV trong phát triển kinh tế xã hội và những nỗ lực của cán bộ viên chức ngành KTTV trên khắp mọi miền đất nước?

GS.TS Trần Hồng Thái: Trước hết phải nói, ngành KTTV có vai trò đặc biệt trong xã hội, thông tin KTTV để giảm thiệt hại, đảm bảo an toàn cho mọi người trước thiên tai; phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hàng ngày; đảm bảo an ninh quốc phòng, khẳng định vị thế, chủ quyền quốc gia.

KTTV là một nghề có nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là những năm gần đây ngày càng có sự dị thường và khắc nghiệt của Mẹ Thiên nhiên do tác động của BĐKH. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn, với sự bền bỉ quyết tâm mỗi cán bộ KTTV luôn tận tụy phục vụ, sáng tạo và quyết tâm, nỗ lực biến nguy thành cơ, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Ứng phó với thiên tai nguy hiểm, cán bộ KTTV không chỉ dầm mình trong nước lũ, dấn thân vào vùng bão để đảm bảo mạng lưới quan trắc KTTV thông suốt; nhiều ngày thức thâu đêm để kết nối các hệ thống dự báo trong nước và quốc tế để có những bản tin dự báo kịp thời, chính xác phục vụ nhân dân; phục vụ hệ thống phòng chống thiên tai trên cả nước.

PV: Trong tiến trình phát triển bền vững đất nước thông tin KTTV đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy theo ông, cần những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật KTTV trong quá trình triển khai các công trình, dự án hiện nay?

GS.TS Trần Hồng Thái: Việc quản lý, sử dụng đúng thông tin dữ liệu KTTV cho thấy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTV tại các địa phương.

Để nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật KTTV trong quá trình triển khai các công trình, dự án hiện nay, thông tin, dữ liệu KTTV sử dụng trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải có nguồn gốc rõ ràng do cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền cung cấp và xác nhận hoặc được cung cấp từ cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thẩm định, thẩm tra, đánh giá đối với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra nguồn gốc thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định.

Bởi vậy, Tổng cục KTTV đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị thẩm định, thẩm tra và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định của Luật KTTV và hệ thống các văn bản dưới Luật trong việc khai thác sử dụng thông tin dữ liệu KTTV nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn công trình khi đưa vào sử dụng, không gây lãng phí trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án và không gây thất thoát nguồn ngân sách nhà nước trong thu phí khai thác, sử dụng tài liệu thông tin KTTV. Đối với các công trình, dự án đã triển khai có sử dụng dữ liệu KTTV nhưng chưa rõ nguồn gốc, chưa đảm bảo quy định, đề nghị rà soát và có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.

PV: Thưa Giáo sư, năm 2023 Tổng cục KTTV có những định hướng gì cho các nhiệm vụ nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của ngành KTTV?

GS.TS Trần Hồng Thái: Năm 2023, Tổng cục KTTV sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; triển khai quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược phát triển ngành KTTV giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra thực thi pháp luật về KTTV tại các địa phương, phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về KTTV đến cộng đồng và xã hội.

Đặc biệt, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo KTTV thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Theo dõi, hướng dẫn các Đài, trạm KTTV quốc gia cũng như các trạm KTTV chuyên dùng về công tác quan trắc, cung cấp số liệu KTTV, kịp thời phục vụ tốt công tác cảnh báo, dự báo KTTV hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Nhà nước giao phó.

 PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực