Ngành ngân hàng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay

Thứ tư, 25/01/2023 14:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Năm 2022 là một năm vô cùng thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, tuy nhiên với sự linh hoạt, chủ động, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kết thúc năm 2022, ngành ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu như năm 2022, tỷ giá là “câu chuyện nóng”, thì năm 2023 lãi suất có thể là tâm điểm của thị trường tài chính. Vì vậy, việc nỗ lực giảm lãi suất đang là một thách thức đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm nay.
 Năm 2023, lãi suất có thể là tâm điểm của thị trường tài chính (Ảnh: M.P)

Năm 2022, NHNN đã phải 2 lần tăng lãi suất điều hành để “cứu” tỷ giá. Do đó, bước sang năm 2023, để nền kinh tế ổn định, giúp doanh nghiệp phục hồi, không ít ý kiến cho rằng nên để tỷ giá biến động trong một mức độ nhất định để ổn định lãi suất. Mức độ biến động này sẽ phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng với sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ… Nếu không giảm được lãi suất thì có thể khiến nợ xấu tăng, doanh nghiệp phải dừng các kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh… ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Theo phân tích, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như 2 năm qua. Cụ thể, sau giai đoạn giảm liên tiếp từ mức 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tăng dần lên mức 25,2% vào tháng 6 vừa qua; đồng thời, tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tăng từ 72,1% năm 2021 lên 74,1%. Bên cạnh đó, tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của tổ chức tín dụng tại NHNN giảm. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn là nguồn vốn chi phí thấp đang có xu hướng giảm trong năm 2022. Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh và trở nên hấp dẫn hơn, chênh lệch giữa không kỳ hạn, kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài mở rộng, dòng tiền nhàn rỗi đã chuyển dịch từ gửi không kỳ hạn sang lãi suất kỳ để hưởng lãi suất cao hơn. Đồng thời, huy động vốn khó khăn vì người dân chuyển sang tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển vào sản xuất - kinh doanh, trang trải chi phí.

Năm 2022, tỷ giá là “câu chuyện nóng” thì năm 2023 lãi suất có thể là tâm điểm của thị trường tài chính. Nhóm chuyên gia của công ty chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo: “Lãi suất huy động dự báo có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trên 200 điểm cơ bản trong năm 2022. Chúng tôi nhận thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023”.

Còn theo các chuyên gia của WB, do điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài yếu đi, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm ứng phó với những cú sốc bên ngoài. Chính sách này có thể được bổ sung bằng cách sử dụng sáng suốt lãi suất tham chiếu và sử dụng thận trọng can thiệp tỷ giá trực tiếp nhằm bảo vệ được dự trữ ngoại hối. WB cũng khuyến nghị phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, năm 2023, chúng ta có thể chấp nhận tiền đồng mất giá nhiều hơn một chút, song cần hết sức cân nhắc chuyện tăng lãi suất. Điều tích cực là áp lực tỷ giá năm tới đã nhẹ đi đáng kể.

Theo quan điểm của phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả.Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của TCTD, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nói thêm, hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, “nhúng” hệ điều hành chính sách tiền tệ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung sẽ cho thấy được bức tranh chung mà ngành Ngân hàng phải đối mặt với những thách thức thời gian qua cũng như trong năm 2023. Vấn đề đặt ra là làm sao để tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá? Nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối. Nhưng ngược lại, nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, nếu để tỷ giá mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiểm soát được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô. 

Ông Phạm Chí Quang phân tích, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng nên trong bối cảnh thị trường thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp, thì càng gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ không chỉ trong năm 2022 mà cả trong năm 2023 tới đây. Ngoài ra, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng gia tăng sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lên tín dụng ngân hàng. Do đó, định hướng điều hành trong năm 2023 của NHNN là bên cạnh việc hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thì mục tiêu quan trọng nhất, xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát được lạm phát, duy trì được sự hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng. 

Với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường trong và ngoài nước và thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng như đề cập trên, ông Phạm Chí Quang khẳng định, mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2023 là một mặt tiếp tục hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác không chủ quan với lạm phát trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu, mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn tiếp tục neo cao và kéo dài đến hết năm 2023. Vì vậy, độ trễ của tác động lạm phát nhập khẩu đối với nước ta còn lớn, nên điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với các rủi ro này. Để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì tín dụng, lãi suất, tỷ giá, các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác sẽ được NHNN điều hành rất đồng bộ, linh hoạt nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững vị thế đồng tiền Việt Nam trên tinh thần thấm nhuần quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Dẫu với bất kỳ khó khăn nào, ở góc độ nhà điều hành, NHNN luôn nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, còn cách thức, công cụ điều hành thì sẽ linh hoạt, tùy từng thời điểm thị trường để tùy cơ ứng biến đưa ra các giải pháp, chính sách, lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với rủi ro lạm phát.
 
Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực