Ngành TN&MT: Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, tạo hiệu quả cao

Thứ ba, 24/01/2023 12:04
(ĐCSVN) – Sang năm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường phát huy tinh thần “chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và xã hội; chủ động nắm bắt cơ hội; tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ; sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.
 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. (Ảnh: TL)

 Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), năm 2022 thực hiện phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" và 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ TN&MT đã theo sát tình hình thực tiễn, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc có liên quan đến công tác quản lý của ngành. Trong đó, Bộ đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; lập và triển khai công tác quy hoạch; tiếp tục đề xuất các giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

 Đổi mới kịp thời, tạo sự phát triển bền vững

 Chia sẻ về kết quả đạt được trong năm 2022, tại Hội nghị tổng kết ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

 Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an toàn, sức khoẻ cộng đồng.…

 Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần cải cách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong 06 lĩnh vực: đất đai, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo và đa dạng sinh học. Triển khai, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và các hệ thống thông tin của Bộ: cung cấp 205 dịch vụ, thực hiện 11.652.500 giao dịch; xử lý, giải quyết 301.500 văn bản đến, 69.400 hồ sơ, văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%, cấp cho đơn vị, cá nhân tổng số 3.090 chứng thư số…

Về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên, Bộ đã giải quyết tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai để phát huy nguồn lực cho phát triển. Cả nước đã thực hiện chuyển dịch gần 20 nghìn ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp; khai thác gần 30 nghìn ha đất chưa sử dụng để phát triển rừng đưa diện tích đất có rừng lên 15.440 nghìn ha, chiếm 46,59% diện tích tự nhiên của cả nước; kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10 nghìn ha…

 Cùng với đó, Bộ đã khai thác tiềm năng lợi thế của các vùng biển, các địa phương có biển được phát huy đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển và các trung tâm năng lượng tái tạo.

 Về lĩnh vực môi trường, Bộ đã hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); đã có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38%, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 12,53% năm 2016 xuống còn 4,03% năm 2020 và đến nay còn 1,55%...

 Đặc biệt, Bộ đã chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng sạch; đồng thời tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và các cơ hội thâm nhập thị trường các nước G7, EU của hàng hóa Việt Nam trước việc áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), huy động sự hỗ trợ của các định chế tài chính…

 6 nhiệm vụ trọng tâm, tạo đột phá năm 2023

 Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bước sang năm 2023, thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu, môi trường; xung đột vũ trang, cạnh tranh chiến lược của các cường quốc, các “luật chơi” mới trong đầu tư, thương mại toàn cầu dựa trên tiêu chuẩn môi trường, phát thải sẽ tác động đến các quốc gia trong đó có Việt Nam.

 Trong bối cảnh đó ngành Tài nguyên và Môi trường phải phát huy hơn nữa tinh thần “chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và xã hội; chủ động nắm bắt cơ hội; tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, xu thế của thời đại; đổi mới, cải cách đồng bộ thể chế khơi thông, giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phục vụ cho tương lai bền vững đất nước, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân.

Ngành TN&MT phát huy tinh thần “chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” tạo đột phá năm 2023. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL)

 Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành cần quyết tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:

 Một là, rà soát các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới, hoàn thành công tác lập phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế, tiếp tục giải quyết các vướng mắc, giải phóng các nguồn lực của nhà nước, nguồn lực xã hội cho phát triển. Nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa.

 Hai là, chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường, hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. Hoàn thành đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông quan trọng; phục hồi môi trường các sông, hồ.

 Ba là, triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền và trên biển đã được thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học; quyết liệt triển khai cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 với hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các đối tác, chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo, giảm phát thải từ sử dụng đất và rừng; thí điểm, nhân rộng các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

 Bốn là, phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung đa mục tiêu; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

 Năm là, tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đơn giản hóa 15% - 20% thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục thiết yếu; đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%.

 Sáu là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường, phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000.

 Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành Tài nguyên và Môi trường cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

 Phó Thủ tướng mong muốn các Bộ, ngành, địa phương với trí tuệ, tâm huyết tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho ngành về chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để trên cơ sở đó ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công năm 2023.

 “Với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương và hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp thêm động lực to lớn cho ngành Tài nguyên và Môi trường vượt qua những khó khăn, thách thức. Qua đó, tạo thế và lực để hướng đến năm 2023 với tâm thế mới cùng với sự lạc quan, tin tưởng vững chắc vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm 2021-2025”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực