Phòng, chống thiên tai năm 2023: Triển khai hiệu quả phương châm "4 tại chỗ”

Thứ tư, 25/01/2023 19:29
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trước những dự báo diễn biến phức tạp của thiên tai trong năm 2023, toàn ngành phòng chống thiên tai sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh, đồng thời, triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Trong năm 2022, ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó, điển hình có 1.057 trận thiên tai. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4, 5, 6). Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ và duy trì trong một thời gian khá dài. Tại khu vực miền Trung, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Đồng thời, mưa lớn sau bão số 5 đã gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình – Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, có nơi tới 1,5-2m tại Đà Nẵng. Triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5 – 2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; nhiều trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum,…

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 những tháng đầu năm mặc dù đã dần được kiểm soát, song vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, với chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ NN&PTNT, toàn ngành phòng chống thiên tai đã luôn chủ động, vượt khó, nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hội nghị tập huấn hướng dẫn cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cấp huyện nắm các nội dung để chủ động xây dựng tài liệu, bài giảng cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở trong năm 2022. (Ảnh: N.H)

Trong năm 2022, đã tổ chức 137 lớp tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và người dân tại các địa phương với tổng số 4.110 lượt người. Đào tạo về ”nâng cao năng lực về phòng chống rủi ro thiên tai và lập kế hoạch kinh doanh liên tục dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; tập huấn truyền thông cho cán bộ truyền thông của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 25 tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 trên các phương tiện truyền thông và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 57/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch giai đoạn 2021 –2025; tổ chức 3 hội nghị tập huấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và sạt lở bờ sông, bờ biển tại 3 miền.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc phương án đảm bảo an toàn công trình đối với hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ; rà soát, tổng hợp vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai.

Ngay sau các đợt thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tổ chức 14 đoàn công tác phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn đánh giá, thống kê số liệu thiệt hại; khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh và phục hồi sản xuất.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để cung cấp và tiếp nhận thông tin liên quan đến thiên tai được kịp thời, chính xác, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội và quốc tế tổ chức các hoạt động tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực, kỹ năng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các người cao tuổi, học sinh, thanh niên xung kích phòng chống thiên tai tại địa phương.

Chú trọng làm tốt phương châm ”4 tại chỗ”

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tháng 2 và tháng 3/2023, ENSO còn duy trì trong trạng thái La Nina với xác suất trong khoảng 50%; sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất khoảng 65 – 70%. Không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh. Trong đó, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ rét đậm, rét hại còn xảy ra, tập trung trong tháng 2/2023. Cần đề phòng khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết ở khu vực núi cao Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, từ nay đến tháng 4/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông nhưng nhiễu động nhiệt đới còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông. Từ tháng 5 – 7/2023 bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023

Nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ từ khoảng tháng 3/2023; sau đó gia tăng về cường độ và lan sang khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào tháng 4 – 5/2023. Tháng 6 – 7/2023, nắng nóng xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

 Trong năm 2023, dự báo tình hình thiên tai còn nhiều diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa: B.T)

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng đưa người dân và địa phương bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, sản xuất,…

Trong đó, tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý đối với hệ thống đê điều từ cấp III trở lên trong mùa mưa, bão. Đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện việc tuần tra canh gác đê theo quy định, xử lý kịp thời các sự cố đê điều. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đê điều.

Đặc biệt, phát huy hiệu quả Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai; làm tốt công tác huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về đê điều và phòng chống thiên tai, cứu trợ khẩn cấp. Tổ chức Tuần lễ quốc gia về phòng chống thiên tai; ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Mặt khác, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh từ Trung ương đến địa phương để truyền thông và đưa tin các bản tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân.

Đặc biệt là tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đảm bảo kế hoạch giải ngân năm 2023. Tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho các cấp chính quyền, cộng đồng.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính 2023, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xử lý công việc nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và chỉ đạo điều hành. Tập trung đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai. Triển khai nhân rộng các mô hình điển hình; khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, điều khó nhất trong phòng chống thiên tai hiện nay nếu làm được sẽ chủ động trong ứng phó thiên tai là phương châm “4 tại chỗ”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, lực lượng tại chỗ là yếu tố quyết định, kèm theo là các trang thiết bị hỗ trợ cho lực lượng tại chỗ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tần suất thiên tai không nhiều nhưng rõ ràng yếu tố cực đoan quá lớn. Đây là một trong những điểm để những người làm công tác phòng, chống thiên tai trong chỉ đạo, điều hành cần phải chú ý để rà soát lại các kế hoạch, phương án kịch bản ứng phó, phải tính toán chi tiết để thích ứng với yếu tố cực đoan và phù hợp với diễn biến khi thiên tai xảy ra./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực