Sự thay đổi dù khó khăn nhưng sẽ mang lại nhiều giá trị cho ngành Nông nghiệp

Chủ nhật, 22/01/2023 09:47
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn nữa. Biết đâu trong thay đổi này chúng ta tạo ra một hình ảnh mới, giá trị mới, thương hiệu mới, tạo ra nhiều việc làm mới…

Nhân dịp Tết đến, Xuân về, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về những kết quả đạt được của ngành NN&PTNT trong năm 2022 và định hướng phát triển của ngành trong năm 2023.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Ảnh: B.T)

Phóng viên (PV): Bộ trưởng có những đánh giá như thế nào về kết quả của ngành Nông nghiệp trong năm 2022?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tổng kết lại năm 2022, dù rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, tuy nhiên kết quả đến giờ này mặc dù chưa thực sự đạt như kỳ vọng của ngành Nông nghiệp, doanh nghiệp cũng như người nông dân nhưng cũng là thành quả rất đáng tự hào. Tự hào không phải nằm ở con số của ngành này ngành kia, những con số đó chỉ thể hiện những gì chúng ta nhìn thấy được. Nhưng có những niềm tự hào mà chúng ta không nhìn thấy được. Thứ nhất, đó là sự đánh giá rất cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong một bối cảnh biến động phức tạp như thế. Hay nói cách khác, đó là làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề xã hội. Điều này không thể hiện ra ở những con số. Ví dụ như đảm bảo an ninh lương thực.

Hiện nay rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng an ninh lương thực, rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gãy, nhưng ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn đứng vững, vừa đóng góp cho sự tăng trưởng nói chung, vừa đóng góp cho an sinh xã hội và vấn đề bao trùm là chúng ta chưa bao giờ bị khủng hoảng về lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm đến chúng ta trong nửa cuối năm 2022 để tìm kiếm sự hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực.

Điều này để nói rằng sứ mệnh của ngành Nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng. Vai trò của Nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội. Nhiều khi nếu chúng ta chỉ tiếp cận qua những con số tăng trưởng thì chúng ta không thấy được vai trò của ngành với xã hội.

Thứ hai, chúng ta có thể thấy tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức của người nông dân, vào doanh nghiệp. Nhiều diễn đàn đã tổ chức đi theo hướng đó. Chúng ta thấy rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của của các hiệp hội, ngành hàng, rất nhiều tổ chức nông dân bắt đầu tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp. Càng ngày càng thấy rõ vai trò thị trường, định vị được thị trường quan trọng, bởi sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường phát triển rất quan trọng và thể hiện rất rõ trong năm 2022. Chúng ta đã mở cửa rất nhiều thị trường, mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là chúng ta chứng minh được một điều là nông sản của chúng ta về mặt chất lượng có thể đảm bảo đến các thị trường khó tính nhất. Đó là những tín hiệu cho thấy, trước đó và từ Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, đồng thời, đã chuyển tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới,…. Những mô hình nông nghiệp mới như lúa – tôm, lúa – rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP… tạo ra một sinh khí mới thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia.

Do đó, tôi đánh giá rất cao vai trò của hàng chục triệu hộ nông dân chúng ta, mặc dù rất khó khăn khi nguyên vật liệu đầu vào, giá cả đầu ra không như mong muốn nhưng có nhiều mô hình của bà con nông dân ở ĐBSCL, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc đã tìm những mô hình có giá trị. Điều đó như một gợi ý cho Bộ NN&PTNT. Đó là chúng ta không chỉ lo cho một nền nông nghiệp mà chúng ta hay gọi là quy mô hàng hóa lớn, mà chúng ta còn chăm lo cho những nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng mang lại giá trị tri thức bản địa. Ví dụ, lúa bậc thang của đồng bào vùng trung du hay miền núi phía Bắc, làm sao so sánh được với đồng bằng sông Hồng và càng không thể so được với ĐBSCL nhưng mà giá trị đó bà con dân tộc biết phát huy giá trị đặc trưng của mình, biết kể câu chuyện đó để làm du lịch nông thôn. Và lãnh đạo địa phương biết chăm chút hơn những sản phẩm nông nghiệp cho thấy dù quy mô nhỏ nhưng giá trị sẽ cao nếu chúng ta tiếp tục hành động, đổi mới như thời gian vừa qua.

Đó là giá trị của sự liên kết giữa nhà nước, thị trường và xã hội, giữa nhà nước và doanh nghiệp nông nghiệp với bà con nông dân, hợp tác xã. Đó là những giá trị bao trùm trong năm 2022.

 Ngành NN&PTNT luôn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo, giữ vững an ninh lương thực quốc gia (Ảnh: B.T)

PV: Hạt lúa của Việt Nam hiện nay đã có thương hiệu tại châu Âu, điều đó cũng cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới tư duy. Đây là một tín hiệu vui, vậy theo Bộ trưởng, liệu điều này có được lan tỏa trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp đã hiểu được câu chuyện phải hướng đến các thị trường cấp cao hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và nâng thu nhập cho người nông dân. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ hay nói cách khác là trước kia chúng ta tư duy sản xuất, nghĩa là chúng ta làm ra những cái gì mình có thể làm, còn tư duy thị trường thì mình làm những cái gì mà thị trường yêu cầu. Chính từ bán cái mình có đến bán cái thị trường cần thì thông qua thông tin những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao qua thị trường châu Âu, hay là thị trường Nhật Bản để minh chứng rằng chúng ta đã thoát tư duy về sản lượng, mà chúng ta hướng vào chất lượng và từng yêu cầu của từng thị trường khác nhau.

Các doanh nghiệp cùng Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua cũng liên tục tổ chức nhiều diễn đàn để các doanh nghiệp thấy được mỗi loại thị trường có yêu cầu khác nhau. Chúng ta không thể “mặc đồng phục”, không thể đồng nhất tất cả các sản phẩm mà phải tạo ra nhiều phân khúc thị trường.

Câu chuyện gạo sang EU dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy một khi chúng ta đã thay đổi được thì chúng ta sẽ tạo ra được giá trị và vai trò đó nó sẽ dẫn dắt lại người trồng lúa để đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ngay từ khi ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản, trong đó có hạt gạo cho từng thị trường. Hay nói cách khác là doanh nghiệp đã dần từ bỏ tư duy “buôn chuyến” thương vụ mà định hình thị trường lâu dài. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể liên kết với người nông dân một cách ổn định, lâu dài.

Khác trước kia khi có đơn hàng mới bắt đầu thu mua, nay rất nhiều doanh nghiệp như Lộc Trời, Tân Long, Trung An và nhiều doanh nghiệp thấy rằng cần xây dựng chiến lược thị trường lâu dài. Từ chiến lược thị trường lâu dài đó để liên kết với nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì vậy, tư duy đường dài của doanh nghiệp sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân.

Hiện nay, nông dân đang dần ổn định từng vùng nguyên liệu, ví dụ tại An Giang đã có những tập đoàn nào thì những tập đoàn đó đã có hướng dẫn phẩm chất lúa ở mức độ nào. Nghĩa là dần dần hình thành một cách tự nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hình thành những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài. Tôi nghĩ đó là những điểm được của ngành nông nghiệp, thoát đi việc nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ.

Bây giờ không có khái niệm “mùa vụ” hay “thương vụ”, không nghĩ ngắn mà phải nghĩ dài, không nghĩ cho 1 bên mà phải nghĩ cho cả 2 bên, tức là cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

PV: Vậy theo Bộ trưởng, đâu là nền tảng quan trọng để ngành Nông nghiệp tiếp tục gặt hái thành công trong năm 2023?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khó khăn và thách thức luôn bám theo nền nông nghiệp, bởi khi đã xuống giống rồi thì 3 tháng sau đối với hạt gạo, 6 tháng đối với cây trồng, cả năm đối với vật nuôi, khi đã xuống giống rồi thì đến mùa thu hoạch giá lên hay xuống cũng phải lệ thuộc, có khi “được mùa rớt giá”. Để thoát khỏi điều này chỉ có cách chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Đó là mệnh lệnh. Để vượt qua lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì chúng ta phải kết nối thành chuỗi –trong chuỗi này có sự hợp tác của những người sản xuất với nhau, trong chuỗi đó có sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết. Nông dân là người bắt đầu quy trình sản xuất và là người bắt đầu chuỗi này. Nếu chúng ta không hình thành được chuỗi tổ chức ngành hàng sẽ không có thông tin và không thể chuyển tải thông tin về thị trường, mùa vụ, sản lượng, quy chuẩn thị trường đến người sản xuất thì người sản xuất chỉ sản xuất theo thói quen hàng ngày, theo kiểu “đánh cược” vì không có thông tin.

Ví dụ, 3 tháng nữa thị trường lúa gạo sẽ như thế nào? Làm sao để thông tin đến được từng hộ?. Tôi hay nói với các chính quyền địa phương, không có cách nào khác người nông dân phải hợp tác với nhau, trong một không gian nào đó như Hội quán nông dân ở Đồng Tháp, Nông hội ở Giai Lai, Cà phê khuyến nông của An Giang, Ngôi nhà Trí tuệ của Hà Tĩnh… Trong không gian này, để doanh nghiệp, chuyên gia, để lãnh đạo, để ngành chuyên môn trao đổi, chia sẻ thông tin. Từ đó dần hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác. Không còn con đường nào khác, không nhìn kết quả ở con số tăng trưởng mà phải nhìn lại cách chúng ta tổ chức, vận hành một ngành hàng. Cái đó quyết định sự chống chịu, khả năng vượt qua những rủi ro của thị trường, vì khi bà con có nhiều thông tin hơn thì bà con sẽ có những quyết định để giảm rủi ro hơn.

Ví dụ, khi ta xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, thì giá sầu riêng tăng lên. Hiện nay có hiện tượng bà con nông dân đốn xoài để trồng sầu riêng. Đây là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, chúng ta quản lý, vận hành một nền kinh tế nông nghiệp trong cơ chế kinh tế thị trường, chúng ta không có quyền áp đặt bà con không có trồng sầu riêng nữa, mà chúng ta phải làm sao chúng ta thông tin nhiều nhất về quy mô thị trường để bà con biết rằng, đừng chuyển rủi ro này sang rủi ro một ngành hàng khác. Và khi chúng ta mở rộng không gian kinh tế hợp tác một ngành hàng sầu riêng, mít, xoài, lúa gạo… thì chúng ta có một quy mô lớn hơn để chủ động được trong chế biến, bảo quản, tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Khi thị trường bị đứt gãy, Nhà nước sẽ hỗ trợ qua một không gian chung chứ không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho từng hộ.

Hiện nay Bộ NNPTNT đang làm chương trình cho từng vùng nguyên liệu lớn cùng với các doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng các nhà kho bảo quản, vì chúng ta không thể chắc chắn mỗi loại nông sản khi sản xuất ra đều sẽ có thị trường, sẽ tiêu thụ được ngay. Thị trường không chỉ 1 người bán với 1 người mua, mà là trăm người bán, vạn người mua. Chúng ta xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, chúng ta xuất khẩu gạo thì Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ… cũng xuất khẩu gạo. Chúng ta rất khó tiên lượng được tất cả sản lượng của thế giới, nên chỉ làm tốt nhất được vấn đề thị trường, phần còn lại là phải chủ động ứng phó với sự thay đổi của thị trường bằng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện nay Bộ NNPTNT đã xây dựng được 6 vùng nguyên liệu: ĐBSCL cho lúa gạo, Tây Nguyên về cà phê, cây ăn quả khác… Các vùng nguyên liệu này vừa mang tính chất đối phó với thị trường, vừa để cho chế biến sâu nông sản để phát triển lâu dài thay cho chỉ xuất khẩu nông sản thô. Vì vậy, vừa phải mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước.

Vai trò của Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao là phải kiến tạo ra thị trường, đồng thời hỗ trợ nông dân thông qua các tổ chức nông dân là hợp tác xã để không chỉ giải quyết vấn đề thị trường mà còn nâng cao chuỗi giá trị nông sản, chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm hơn. Lúc đó giá trị thặng dư, giá trị gia tăng mới tăng cao hơn khi chúng ta bán nông sản thô. Nông dân cũng sẽ đỡ sức ép mùa vụ, đỡ sức ép rủi ro thị trường.

PV: Bước sang năm 2023, Bộ trưởng có gửi gắm những thông điệp gì?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi muốn nói rằng, những kết quả đạt được trong năm 2022 là những tín hiệu vui mặc dù ở những tháng cuối năm đã nảy sinh những khó khăn. Chúng ta phải tư duy, xác định rằng ngành nông nghiệp sẽ luôn gặp các vấn đề khó khăn, thách thức. Các chuyên gia quốc tế cũng đã dự báo năm 2023 có thể còn khó khăn hơn nữa. Lạm phát toàn cầu bắt đầu thẩm thấu, lan tỏa đến các quốc gia có độ trễ lớn hơn. Khi thế giới thay đổi thì chúng ta cần phải có kế hoạch để chủ động thích ứng.

Tuy nhiên, những khó khăn này không lớn bằng các các quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn. Ví dụ các chuẩn mực của thị trường EU hay là thị trường Mỹ, Nhật Bản… bắt đầu đã truy xuất nguồn gốc. Những nông sản hay các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, các nước không chỉ tiếp nhận bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn bởi các quy trình canh tác có tác động tới môi trường thiên nhiên không, có tác động tới đa dạng sinh học hay không, có tác động bởi hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu hay khôn?, kể cả trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản…

Vấn đề IUU là một minh chứng, không chỉ là độ ngon của con tôm, con mực, cá ngừ, mà còn các vấn đề khác như các sản phẩm này được đánh bắt như thế nào, có vi phạm vấn đề luật pháp quốc tế đối với môi trường hay không?. Những sản phẩm nông nghiệp khác cũng vậy, có được trồng với những quy trình mà tác động đến thiên nhiên hay không? hoặc trồng ở những khu rừng bị tàn phá hay không? Đối với cà phê và hạt điều, người ta sẽ truy xuất nguồn gốc trồng ở đâu, có phải do tàn phá rừng để lấy tài nguyên đất đai để canh tác nông nghiệp hay không?.

Tôi muốn nói rằng đó là sức ép thay đổi. Nhưng trước sức ép thay đổi đó, nếu chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn và biết đâu lại là cơ hội để xây dựng hình ảnh một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, người ta bắt mình thay đổi và những thay đổi này không phải cho người ta, mà cho chính bản thân chúng ta. Ngay như IUU, Thủ tướng nói đó là chúng ta làm cho chúng ta trước, hướng tới bảo đảm nguồn lợi thủy sản đại dương tốt hơn.

Với doanh nghiệp, cũng mừng vì đã tư duy dài hạn và chủ động. Mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn nữa. Biết đâu trong thay đổi này chúng ta tạo ra một hình ảnh mới, giá trị mới, thương hiệu mới, tạo ra nhiều việc làm mới…

Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp mà bắt đầu dấn thân vào một hành trình thay đổi, vì Thủ tướng và các lãnh đạo Việt Nam đã cam kết tại Cop26 đến năm 2050 Việt Nam có nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu, những thông điệp này phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể. Mọi quyết tâm chính trị phải được chuyển hóa, kiểm nghiệm bằng thực tiễn của người sản xuất, của nông dân, ngư dân và doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng Việt Nam có thể chuyển đổi, bởi vì đơn giản bởi từ trước đến nay chúng ta chỉ xuất khẩu thô. Chúng ta nhiều dư địa để bảo quản, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Vấn đề là doanh nghiệp phải dấn thân hơn nữa. Chúng tôi đang trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi chứ không thể chỉ mua đi bán lại. Tất nhiên mua đi bán lại để tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng tạo ra được giá trị, nhưng chỉ khi nào đẩy mạnh chế biến lúc đó giá trị mới cao hơn, lúc đó mới đỡ rủi ro hơn.

Trong thời gian vừa qua đã có Đồng Giao và một số tập đoàn chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Nhưng cần làm sao để không gian nhỏ hơn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể làm được, hợp tác xã có thể đảm nhận được việc gì đó. Đa phần các hợp tác xã của chúng ta thực chất cũng chỉ là những đơn vị thu mua nông sản của nông dân để bán cho thương lái và doanh nghiệp. Bản thân hợp tác xã phải đủ mạnh, liên kết nhiều hợp tác xã trong một huyện lại để có hợp tác xã chuyên về bảo quản, chuyên về sơ chế, chuyên về chế biến, chuyên về cung cấp các thiết bị, nông cụ dùng chung cho nhiều hợp tác xã khác. Bộ NN&PTNT đang làm chương trình để hỗ trợ hợp tác xã nhưng hợp tác xã phải hoạt động đúng nghĩa, tập hợp được nhiều người sản xuất vì chúng ta không lãng phí trong đầu tư, hỗ trợ máy móc thiết bị. Chúng ta chỉ hỗ trợ hợp tác xã để dùng chung cho nhiều hợp tác xã thì một nhà kho, một lò sấy, một nhà máy đóng bao bì có thể dùng cho các hợp tác xã. Nghĩa là chúng ta có thể bắt đầu bước sang kinh tế chia sẻ với nhiều chủ thể kinh tế chứ không phải chỉ 1 chủ thể kinh tế.

Tôi đi nhiều hợp tác xã, thấy cần nguồn lực của Nhà nước. Nhà nước sẽ đầu tư, nhưng không thể đầu tư cho từng hợp tác xã nhỏ lẻ được mà cần cụm liên kết các ngành hàng ở từng cấp huyện, ví dụ vùng cây có múi ở Bắc Giang như thế nào, vùng Sơn La như thế nào, vùng Tiền Giang, Đồng Tháp như thế nào, cà phê Tây Nguyên như thế nào? Hợp tác xã phải ngồi lại với nhau, điều này đòi hỏi vai trò của cấp ủy và chính quyền địa phương ở đó. Vì Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương với vai trò hoạch định thị trường, xây dựng thể chế, xây dựng chính sách nhưng thực thi là từ bà con nông dân, thôn, bản, xã ấp… trong đó chính quyền địa phương là người tổ chức lại không gian đó.

Bên cạnh đó, năm 2023 phải đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn. Muốn vậy hình thái hoạt động của hợp tác xã phải khác đi, các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp cũng phải khác. Quan trọng là trong những con số tăng trưởng vừa qua chúng ta chưa đong đếm được bao nhiêu việc làm; tăng trưởng phải gắn với việc làm, vấn đề cốt lõi cuối cùng của tăng trưởng là việc làm. Chúng ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì máy móc thay con người rất nhiều, ngày xưa cần nhiều người ngoài đồng nhưng nay chỉ cần bấm điện thoại cũng tưới tiêu được, vậy thì làm sao giải quyết được vấn đề việc làm trong nông nghiệp? Chỉ có 2 cách, hoặc là chúng ta chuyển qua công nghiệp dịch vụ đi làm cho các nhà máy; một phần phải tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn bằng kinh tế nông nghiệp ở nông thôn và kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, những dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn.

Đó là chương trình nông thôn mới đang hướng tới. Chiến lược phát triển nông thôn nằm ở chỗ đó.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!./.

Bùi Thủy (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực