Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, nhìn lại năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Dương đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, nỗ lực tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp nên đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
|
Kinh tế - xã hội của Bình Dương tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. |
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 170 triệu đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 3 tỷ đô la Mỹ và vốn đầu tư trong nước đạt tương đương 4 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương tiếp tục duy trì thặng dư thương mại 10 tỷ đô la Mỹ. Các công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, tổ chức đa dạng, phong phú, qua đó đã thúc đẩy ký kết hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Bình Dương với các đối tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều hiệu quả thiết thực.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm thực hiện toàn diện và đạt kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm, huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân lao động; chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả khả quan. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp.
Phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Nghị quyết 24 vừa được Bộ Chính trị ban hành trong tháng 10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra cơ hội mới cho vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng nâng cao tính năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển. Xác định tầm quan trọng của Nghị quyết 24, tỉnh Bình Dương đã khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ. Đặc biệt hiện nay tỉnh đang tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm chung là Bình Dương phát triển phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch vùng và quốc gia; bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Quy hoạch lần này của Bình Dương sẽ kế thừa những thành tựu trước đây; tiếp tục khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển và lợi thế so sánh của mình, đặc biệt là phải nắm chắc các cơ hội phát triển nhanh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để phấn đấu phát triển lên nấc thang mới, với những mục tiêu cụ thể sau: đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Bình Dương từng bước tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa công nghiệp và dịch vụ; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 trên 10%; đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD, tiếp tục duy trì trong nhóm các địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.
|
Bình Dương phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 trên 10%. |
Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng với đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt; trọng tâm là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép và tuyến Metro từ Suối Tiên về trung tâm thành phố mới Bình Dương. Cùng với đó là đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong vùng và khu vực. Chú trọng phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động...
Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 có đủ điều kiện trở thành một đô thị thông minh. Do đó, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh vượt trội, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Bình Dương phát triển văn hóa - xã hội xứng tầm với vị trí về kinh tế, gắn liền bảo vệ tài nguyên môi trường.
Bình Dương tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách thực chất. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp tái cơ cấu theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0…/.