|
Phối cảnh Cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng).
|
Khẳng định vị trí quan trọng….
Cửa biển Đà Nẵng nói chung và cảng Đà Nẵng nói riêng từ trong quá khứ đã giữa một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Vì lẽ đó mà từ năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta và sau này người Mỹ (1965) cũng đều chọn cửa biển Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng để bổ quân xâm chiếm.
Nhắc lại và khẳng định vị trí, vai trò chiến lược cực kỳ quan trọng của cảng biển Đà Nẵng từ trong quá khứ đến hiện tại, trong phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công dự án “Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức hôm 14/12/2022, lãnh đạo Nhà nước cho rằng: Cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế. Những cứ liệu lịch sử cho thấy thời kỳ cận đại, hoạt động thương mại quốc tế qua cửa biển Đà Nẵng khá sầm uất, nhưng những hoạt động thời bấy giờ chỉ là điểm chuyển tải và mang tính chất tiền cảng, chưa có những cơ sở hạ tầng và thiết bị tối thiểu cho một hải cảng, ngoài ra Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước. Việc thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858 chính ở cửa biển Đà Nẵng này đã cho thấy vai trò chiến lược của Cảng Đà Nẵng như thế nào".
Khi đất nước được thống nhất, Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và Khu bến Liên Chiểu.
Nhìn rộng hơn, Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc- Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung. Với những tiềm năng, lợi thế mang tính “thiên thời” và “địa lợi” đó, chúng ta chỉ cần phát huy thêm yếu tố “Nhân hòa” thì có thể thành công lớn.
|
Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam |
Cảng biển của tầm nhìn mới
Cùng với Tiên Sa, cảng cá Thọ Quang, cảng Liên Chiểu là địa chỉ rất quan trọng trong hệ thống cảng Đà Nẵng. Chính vì vậy mà thời gian qua, không chỉ chính quyền TP Đà Nẵng mà ở Trung ương cũng đã có nhiều chủ trương, khẳng định tầm nhìn mới đối với hệ thống cảng Đà Nẵng, trong đó có cảng Liên Chiểu. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều hỗ trợ để Đà Nẵng phát huy các lợi thế, tiềm năng của hệ thống cảng của mình, trong đó có cảng Liên Chiểu để thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh nói chung tại Đà Nẵng, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Cụ thể, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung, được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, trong đó Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000DWT và lớn hơn, quy mô gồm các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan.
Với lợi thế về kết nối giao thông liên vùng, cảng Liên Chiểu nằm ở vị trí điểm cuối của các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; hiện các tuyến Quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Bắc Nam, đường ven biển đã kết nối toàn vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung về Cảng.
Đặc biệt, sau khi cải tạo ga Kim Liên thành ga hàng hóa sau cảng, có tuyến xếp dỡ đường sắt trực tiếp trong cảng, kết nối với tuyến đường sắt Bắc Nam, sẽ đảm bảo cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ miền Trung tích hợp được tất cả các phương thức vận tải.
Đồng thời với lợi thế hiện nay, cảng biển Tiên Sa của Đà Nẵng là cảng biển duy nhất tại khu vực miền Trung đã thiết lập đến 30 chuyến tàu container cập cảng/tuần, trong đó có 7 tuyến nội địa và 23 tuyến quốc tế đi các nước nội Á. Đây là tiền đề quan trọng thu hút các hãng tàu thiết lập tuyến biển xa đi châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Phi khi các bến Liên Chiểu được đưa vào khai thác.
Trong khi đó, tại Quyết định 1672/QĐ-UBND (ngày 22/6/2022), UBND TP Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung bao gồm: công trình giao thông, dự án nhóm A, các hạng mục có đê chắn sóng, kè chắn sóng (trong đó, kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m); luồng tàu (dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét 14,0m (hệ Hải đồ), có bố trí khu quay trở; hệ thống báo hiệu hàng hải., hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus.
Cảng Liên Chiểu có tuyến đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm 2 đoạn, đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2km, bề rộng 30m, quy mô 6 làn xe; đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (QL1), bề rộng 8m, mỗi nhánh gồm 2 làn xe. Cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng.
Tổng mức đầu tư dự án là 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng). Tiến độ thực hiện đến 12/2025 hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu.
|
Cảng Liên Chiểu là địa chỉ rất quan trọng trong hệ thống cảng Đà Nẵng. |
Kỳ vọng vào những chuyển động từ dự án ở cảng Liên Chiểu lần này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics, là thành phố cảng biển theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị. Đây cũng là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Như vậy, với những định hướng trong thời gian qua của Trung ương và những nỗ lực của các cấp chính quyền TP Đà Nẵng đến nay đang cho thấy viễn cảnh mới của cảng Liên Chiểu sau khi hoàn thiện các hạng mục công trình đầu tư sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn: “đến năm 2030 đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển” mà Nghị quyết số 36- NQ/TW đã xác định là một mục tiêu tổng quát “đưa Việt Nam nước ta trở thành quốc gia biển mạnh”./.