Tết của người miền Tây

Thứ bảy, 21/01/2023 21:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền ở miền Tây luôn được trân trọng và gìn giữ. Nhờ có sự giao thoa văn hóa giữa bốn dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer nên người dân có nhiều nét văn hoá đặc trưng khó mà nhầm lẫn với vùng miền khác.

Mai vàng 5 cánh tượng trưng cho may mắn và phát tài, phát lộc.( Ảnh: Phú Đức) 

Cứ mỗi dịp Tết đến, người miền Tây lại nô nức sắm sửa, trang hoàng nhà cửa để cầu mong một năm mới may mắn, bình an. Một trong những nét văn hoá ngày Tết đầu tiên ở miền Tây chính là việc lặt lá mai. Mai vàng là biểu tượng mùa xuân của người dân Nam bộ. Do đó, cứ độ chừng 15, 16 âm lịch, nhà nhà lại nô nức lặt lá mai. Hầu như nhà nào cũng có vài cây mai trước nhà hoặc nếu không có người ta cũng sẽ tìm mua những cành mai được bán ngoài chợ hoa về chưng Tết.

Lặt lá mai cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau. Nhà nào trồng nhiều mai thì phải huy động tất cả con cháu và thường mất vài ngày mới lặt xong. Mai vàng được lặt hết lá để nụ hoa phát triển và nở đúng ngày mùng 1 Tết. Tên của loài hoa này có cách đọc giống với từ may mắn. Do đó, người miền Tây quan niệm rằng hoa mai sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ.

Canh khổ qua và thịt kho trứng là hai món ăn không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết của người miền Tây (Ảnh: Phú Đức)

Dọn dẹp nhà cửa có thể nói là hoạt động nhộn nhịp nhất dịp Tết của mỗi gia đình. Người miền Tây quan niệm nhà cửa sạch sẽ, sẽ mang lại may mắn. Do đó, vào ngày mùng 1 Tết tất cả chổi trong nhà sẽ được cất đi và không được quét nhà vào ngày này. Họ cho rằng quét nhà vào ngày mùng 1 Tết tức là quét tài lộc đi mất. Do đó, ai cũng cố gắng dọn dẹp nhà cửa sạch tinh tươm để đón nhiều tài lộc trong năm mới.

Rồi đến ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà lại nô nức chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo về trời. Mâm cúng được chuẩn bị đầy đủ các lễ vật được ông bà lưu truyền lại cho con cháu. Khác với miền Bắc, người miền Tây không không dâng cúng cá chép mà thay bằng cá chép giấy hay bộ cò bay ngựa chạy được làm bằng giấy. Và ở đây, người ta sẽ cúng vào buổi tối vì sau khi gia đình đã dùng bữa tối xong sẽ không còn dùng bếp nấu thì mới là lúc Táo quân bay về trời. 

Người miền Tây còn thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ ông bà tổ tiên bằng mâm cúng ông bà ngày 30 Tết. Mâm cơm cúng nhất định phải có nồi thịt kho trứng và canh khổ qua, các món còn lại tuỳ vào điều kiện của từng gia đình tất cả đều được dâng lên với tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao của ông bà tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu báo cáo với tổ tiên về thành quả trong một năm hay những khó khăn đang gặp phải và hy vọng một năm mới suôn sẻ hơn. Thịt kho trứng được tạo ra từ những miếng thịt vuông và trứng vịt to tròn với ý nghĩa “vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an”.

Nhiều gia đình sẽ có truyền thống nấu bánh ngày xuân. (Ảnh: Phú Đức)

Đối với người miền Tây ngày Tết là để nghỉ ngơi nên thường dành thời gian và tiền bạc tích lũy được trong năm để đi du lịch, khám phá đây đó với người thân và bạn bè. Mùng 1, mùng 2, mùng 3 là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. 

Bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Tây. Vào ngày 28, 29 Tết các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau gói bánh để cầu mong một cái Tết sum vầy. Bánh được làm bằng nếp pha với màu xanh của lá dứa cùng với nhân đậu màu vàng như gợi lên màu xanh của đồng lúa. Đó niềm ao ước một năm “an cư lạc nghiệp” của người nông dân. 

Người miền Tây đón Tết với một tâm thế vui tươi và bỏ qua những điều buồn bã trong năm cũ. Năm mới, ai cũng mong được sum vầy bên gia đình và chia sẻ những câu chuyện trong năm đã qua. Tết cũng là dịp để những người con xa xứ trở về bên tổ ấm của mình, quay quần bên mâm cơm hay nồi bánh tét đêm giao thừa. Người miền Tây duy trì nét đẹp văn hoá chúc tết người thân, bạn bè từ ngàn xưa. Những buổi tiệc linh đình mỗi dịp tết đến xuân về cũng là nét đặc trưng ở nơi đây.

Có thể thấy, phong tục đón Tết cổ truyền ở miền Tây có đôi chút khác biệt so với những vùng miền khác, có phần dân dã hơn. Tuy nhiên, đó mới chính là nét đặc trưng của người dân vùng sông nước./.

 

Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực