Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam – Armenia

Thứ hai, 23/01/2023 16:18
(ĐCSVN) – “Trong hơn 30 năm qua, quan hệ giữa Armenia và Việt Nam không ngừng phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương. Hiện nay, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực chính trị đang ở mức cao. Việc Đại sứ quán Armenia chính thức được mở tại Việt Nam vào năm 2013 đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển hơn nữa mối quan hệ chính trị, kinh tế và các lĩnh vực cùng quan tâm khác giữa hai nước...".
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan. (Ảnh: ĐSQ cung cấp) 

Đó là nhận định của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Tết Quý Mão 2023.

Phóng viên (PV): Việt Nam và Armenia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/7/1992. Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước khi hai nước kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin ông cho biết đánh giá của mình về mối quan hệ giữa hai nước ở thời điểm hiện tại?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Trước tiên, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về cuộc phỏng vấn. Tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến toàn thể người dân Việt Nam nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và cầu chúc tất cả mọi người sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Armenia được thiết lập vào ngày 14/7/1992. Năm 2022, chúng ta đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Armenia trong khuôn khổ trao đổi điện mừng giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước.

Đại sứ quán Cộng hòa Armenia đã lên kế hoạch tổ chức một số sự kiện trong khuôn khổ 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bao gồm các hoạt động gặp mặt, chiêu đãi và dịch tiểu huyết của nhà văn nổi tiếng Armenia Khachik Dashtents có tựa đề “Tiếng gọi của Ploughmen” sang tiếng Việt và sẽ được xuất bản trong năm 2023.

Về quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Armenia, tôi xin nhấn mạnh rằng mặc dù mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta đã có lịch sử ít nhất 800 năm qua, nhưng có thể xác định rằng, kỷ nguyên hợp tác mới trong thời đại chúng ta là giữa thế kỷ XX khi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Armenia đã hỗ trợ chuyên gia và kỹ thuật cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước càng được củng cố trong thời kỳ xây dựng đất nước Việt Nam độc lập và đổi mới.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Armenia vào tháng 7/1959 đã tạo động lực mới nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước. Trong chuyến thăm lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm thủ đô Yerevan và một số vùng của Armenia. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có các cuộc gặp gỡ với các quan chức, công nhân, nông dân, trí thức của đất nước chúng tôi.

Theo thống kê, từ năm 1950 - 1990, Armenia đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn sinh viên. Đã có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam, nhiều người trong số đó hiện là hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam – Armenia (VAFA), đã học tập và tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học của Armenia.

Kể từ khi Armenia giành độc lập vào năm 1991, quan hệ giữa Việt Nam - Armenia đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Cuộc trao đổi đoàn chính thức đầu tiên giữa hai nước diễn ra vào tháng 12/1992, khi phái đoàn Armenia do Phó Tổng thống Gagik Harutyunian dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Tại chuyến thăm này, tôi vinh dự là một trong các thành viên của phái đoàn.

Có thể nói Armenia và Việt Nam đã phát triển thành công các mối quan hệ chính trị trên cả phương diện song phương và đa phương tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)… Chúng ta cũng đã ủng hộ các sáng kiến và ứng cử của nhau tại các tổ chức quốc tế.

Trong hơn 30 năm qua, quan hệ giữa Armenia và Việt Nam không ngừng phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương. Hiện nay, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực chính trị đang ở mức cao. Một số chuyến thăm chính thức cấp cao giữa hai nước đã diễn ra trong giai đoạn này.

Việc Đại sứ quán Armenia chính thức được mở tại Việt Nam vào năm 2013 đã tạo động lực mạnh mẽ mới cho sự phát triển hơn nữa mối quan hệ chính trị, kinh tế và các lĩnh vực cùng quan tâm khác giữa hai nước. Chúng tôi tin tưởng rằng việc mở Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Armenia sẽ đóng góp to lớn vào giai đoạn phát triển mới của quan hệ hai nước.

 Đại sứ Vahram Kazhoyan chụp ảnh lưu niệm tại Văn phòng Chủ tịch nước. (Ảnh: ĐSQ cung cấp)

PV: Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Armenia có những bước tiến đáng khích lệ trong bối cảnh Hiệp định thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Armenia là thành viên có hiệu lực; Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Armenia về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật đã bắt đầu đi vào hoạt động. Xin ông cho biết thêm về mối quan hệ hợp tác này?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Điều đầu tiên tôi muốn đề cập là việc Đại sứ quán Cộng hòa Armenia được mở tại Việt Nam vào năm 2013, không những làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chính trị giữa hai nước mà còn nhằm giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế  - thương mại giữa Việt Nam và Armenia. Tuy nhiên, rất tiếc việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, mặc dù Hiệp định thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Armenia là thành viên mang lại cơ hội lớn để phát triển và làm sâu sắc hơn sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Việc thực thi các quy định FTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hợp tác thương mại cùng có lợi giữa hai nước chúng ta. Đây là các vấn đề đã được thảo luận trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu và sẽ được xem xét thêm trong phiên họp thứ 2 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Armenia về hợp tác kinh tế, thương mại.

Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Armenia về hợp tác kinh tế và thương mại được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định về “Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Armenia”.

Kỳ họp thứ nhất của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Armenia về hợp tác kinh tế và thương mại diễn ra vào ngày 17/3/2017. Hiện, Đại sứ quán Cộng hòa Armenia tại Việt Nam, Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Armenia cùng Bộ Công Thương Việt Nam đang thảo luận về việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật tại Yerevan. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Armenia cũng được lên kế hoạch tổ chức trong thời gian này. Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa từ Armenia sang Việt Nam và ngược lại.

Armenia có thể xuất khẩu các loại đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu Cognac Ararat nổi tiếng của Armenia cũng như các sản phẩm sữa, thịt, trái cây khô và tươi, đồng hồ và nhiều sản phẩm khác vào thị trường Việt Nam.

Armenia cũng đang quan tâm đến việc nhập khẩu trái cây, máy tính và linh kiện máy tính, hàng điện tử, gạo, cà phê, hoa quả và các sản phẩm khác của Việt Nam. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến việc biên giới bị đóng cửa, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Armenia không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ này đã chậm lại trong giai đoạn 2020 – 2021.

Bên cạnh đó, thương mại hàng không giữa Việt Nam và Armenia chắn chắn sẽ đóng góp vào sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa hai nước. Lĩnh vực hàng không không chỉ giúp làm tăng tiềm năng du lịch giữa hai nước mà còn có tác động đến sự tăng trưởng thương mại song phương trực tiếp.

PV: Hợp tác về ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân cũng được hai bên quan tâm, giúp nhân dân và doanh nghiệp hai nước hiểu thêm về nhau, từ đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực mà cả hai bên có thế mạnh, tiềm năng và nhu cầu. Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác này?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Hợp tác về ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Armenia và Việt Nam có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến việc đóng cửa biên giới, Đại sứ quán Cộng hòa Armenia tại Việt Nam đang lên kế hoạch tổ chức Chuyến đi FAM đến Armenia vào tháng 5 và 6/2020 cho hơn 10 công ty du lịch lữ hành Việt Nam. Các công ty du lịch lữ hành Việt Nam đến thăm Armenia để làm quen với lĩnh vực du lịch của Armenia, các địa điểm tham quan, khách sạn, giao thông, văn hóa và ẩm thực, từ đó xúc tiến các chuyến thăm thường xuyên cho khách du lịch Việt Nam đến Armenia. Rất tiếc, chuyến đi này đã không thể thực hiện do đại dịch COVID-19. Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam đang lên kế hoạch để thực hiện dự án này.

Nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Armenia và Việt Nam, Chính phủ Armenia đã đơn giản hóa quy trình xin thị thực nhập cảnh vào Cộng hòa Armenia cho công dân Việt Nam. Theo đó, từ ngày 11/7/2022, công dân Việt Nam có thể xin thị thực nhập cảnh vào Armenia trực tiếp từ Đại sứ quán Armenia tại Hà Nội hoặc xin cấp thị thực điện tử của Cộng hòa Armenia mà không cần thư mời. Chính phủ Armenia đã đề xuất ký kết Hiệp định về việc loại bỏ yêu cầu thị thực nhập cảnh đối với công dân hai nước.

Việt Nam có truyền thống là một trong những điểm đến yêu thích của du khách Armenia tại Đông Nam Á. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách du lịch từ Armenia đến Việt Nam ghi nhận mức tăng đều hàng năm. Nhiều du khách đến Việt Nam là các doanh nhân. Họ đến để tìm kiếm các cơ hội thương mại và xuất khẩu khi nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Theo tôi, cách tốt nhất để đưa nhân dân hai nước xích lại gần nhau là thông qua du lịch, văn hóa và ẩm thực. Một số kế hoạch trong tương lai của Đại sứ quán chúng tôi bao gồm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và ẩm thực giữa Armenia và Việt Nam.

PV: Ngày 22/11/2022, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Trường Ngoại giao Armenia đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực đào tạo chuyên ngành ngoại giao và bồi dưỡng cán bộ. Ông có thể cho biết thêm về ý nghĩa và mục đích của sự kiện này?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Trường Ngoại giao Armenia mới chỉ là bước đầu tiên trong quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị. Một số sự kiện đã được lên kế hoạch trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đã ký, như việc tổ chức các bài giảng (cả trực tiếp và trực tuyến), tổ chức các khóa học cho các nhà ngoại giao trẻ của các cơ quan đối ngoại tại các quốc gia Đông Nam Á về chính sách đối nội và đối ngoại của Armenia và khu vực, cũng như trao đổi các chuyến thăm của các giáo sư và các bài giảng tại 2 trường.

PV: Trong năm 2023, ông sẽ có những hỗ trợ gì để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Armenia với tư cách là cầu nối hữu nghị trong quan hệ hai nước và để tiếp tục củng cố những thành tựu trong nhiệm kỳ làm Đại sứ tại Việt Nam?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Như những năm trước, Đại sứ quán Cộng hòa Armenia tại Việt Nam đã lên kế hoạch tổ chức một số sự kiện lớn trong năm 2023 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị và các lĩnh vực khác nhằm phát triển hơn nữa quan hệ giữa Armenia và Việt Nam. Phần lớn các hoạt động sẽ xoay quanh những vấn đề mà tôi đã đề cập ở trên. Tôi chắc chắn sẽ ưu tiên việc tổ chức kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Armenia về hợp tác kinh tế và thương mại tại Yerevan vào năm 2023 và Diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước.

Việt Nam và Armenia đã ký kết tất cả các thỏa thuận hợp tác có thể, tuy nhiên vẫn ưu tiên phát triển hợp tác chuyên biệt giữa các cơ quan, giữa các vùng của Armenia và các tỉnh và thành phố của Việt Nam. Hai nước cũng tập trung thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam và với các thành phố của Armenia.

Như tôi đã đề cập, việc thiết lập thương mại hàng không trực tiếp giữa Việt Nam và Armenia sẽ là một bước tiến quan trọng, tạo cơ hội hợp tác trong tất cả các lĩnh vực giữa hai nước. Chắc chắn, nhiều chương trình, sáng kiến và thỏa thuận hợp tác khác đang được xem xét lên kế hoạch. Đại sứ quán Armenia sẽ đưa ra các thông báo liên quan trong thời gian tới trong năm 2023. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện!

Hoài Hà (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực