Tự hào ngành Nông nghiệp Việt Nam!

Thứ hai, 23/01/2023 11:42
(ĐCSVN) - Năm 2022 là năm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, chủ động sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, toàn ngành đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước. Đó cũng là kết quả rất đáng tự hào của toàn ngành để tiếp tục vươn lên trong năm 2023.

Một năm nhiều thành công của ngành NN&PTNT

Năm 2022, ngành Nông nghiệp, nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân, sự đồng thuận của cả xã hội,... đã giúp ngành vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, toàn diện. Qua đó, đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực Quốc gia.

Nhìn lại năm 2022, toàn ngành NN&PTNT đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật. Đó là giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao nhất trong những năm gần đây, đạt 3,36% (nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 73%.

Năm 2022 cũng là năm nhiều lĩnh vực của ngành Nông nghiệp đạt những kết quả ấn tượng, trong đó, có những ngành hàng đạt con số kỷ lục lần đầu tiên về mặt giá trị xuất khẩu.

Có thể kể đến, với lĩnh vực trồng trọt, về sản xuất lúa, tuy sản lượng đạt trên 42,66 triệu tấn, giảm 1,2 triệu tấn (giảm 2,7%) do diện tích gieo trồng giảm khoảng 146,8 nghìn ha nhưng sản lượng lúa vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn (cao nhất trong những năm gần đây). Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 79% để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”. Đồng thời, xuất khẩu gạo đạt 3,49 tỷ USD – tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao.

 Xuất khẩu gạo đạt 3,49 tỷ USD trong năm 2022. (Ảnh minh họa: B.T)

Năm 2022 cũng là năm ghi nhận lĩnh vực thủy sản đạt được kết quả kỷ lục khi xuất khẩu cán đích gần 11 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng rất cao như: Tôm, cá tra,... Đây là kết quả mà một phần lớn nhờ sự nỗ lực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp khi biết tận dụng cơ hội về giá và sự linh hoạt về thị trường.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản tiếp tục đạt con số ấn tượng mới khi “về đích” với khoảng 17 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 14,1 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.686,96 tỷ đồng. Đây là kết quả rất đáng tự hào của lĩnh vực lâm nghiệp trong năm 2022.

Với những kết quả nổi bật của các lĩnh vực, nhìn lại tổng thể, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp lần đầu tiên cán đích, chạm tới con số 53,22 tỷ USD, tăng tới 9,3% so với năm 2021. Tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ; 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Có được những kết quả này là do toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Toàn ngành đã chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản; hướng dẫn thực hiện quy định Lệnh “248”, Lệnh “249” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Úc - New Zealand, Trung Đông).

Trong năm 2022, nhiều mặt hàng của ngành Nông nghiệp đã được mở cửa sang các thị trường. Đó là bưởi sang Hòa Kỳ; bưởi, chanh xanh sang Newzealand; sầu riêng, tổ yến, chuối,…sang Trung Quốc,… mở ra nhiều cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu và xuất khẩu theo hướng chính ngạch cho nông sản Việt Nam.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2023

Bước sang năm 2023, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại. Lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, nguy cơ rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...

Dù được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, tuy nhiên, năm 2023, ngành Nông nghiệp, nông thôn quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới. 

 Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt ít nhất 55 tỷ USD trong năm 2023 (Ảnh minh họa: B.T)

Năm 2023, toàn ngành NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt ít nhất 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng,…

Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành, duy trì các động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn. Chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các Đề án: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý. Xây dựng phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung - cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung – cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức online; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu các địa phương theo chuỗi; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Đối với thị trường trong nước, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước, phát triển đa dạng các kênh, các hình thức giao dịch phân phối, thương mại tiêu thụ. Phát triển hệ thống lưu thông tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận sản phẩm nông nghiệp trong mọi tình huống. Phối hợp theo dõi, cân đối cung – cầu nông lâm thủy sản, xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời; xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo, diễn đàn, sàn thương mại điện tử,...

Phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, vùng miền. Tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân. Tập huấn, hướng dẫn người sản xuất, nông dân, hợp tác xã về nhận thức và kỹ năng tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng trong nước,...

Đối với thị trường xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực. Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Đề án tăng cường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. Duy trì và phát triển thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... Lựa chọn, đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN,...

Đi cùng với đó, kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu. Phối hợp với Tham tán thương mại, Tham tán Nông nghiệp tại nước ngoài hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đạt tiêu thuẩn xuất khẩu sang thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,...

Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp trên, trong năm 2023, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn sẽ tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là các chương trình chuyên đề chuyên sâu, gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và cư dân nông thôn về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,...

Với những thành tích nổi bật trong năm 2022 cùng với những quyết tâm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ vọng toàn ngành sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, kỷ lục mới trong năm 2023./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực