Việt Nam và Indonesia tăng cường hợp tác, cùng hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng

Thứ ba, 24/01/2023 22:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia lớn ở Đông Nam Á, có cùng tầm nhìn trở thành các quốc gia phát triển vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Bên cạnh đó, một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng cũng là mục tiêu mà hai quốc gia cùng hướng tới. Để đạt được những mục tiêu này và giữ cho ASEAN nắm vị trí dẫn dắt cấu trúc khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam và Indonesia cần tiếp tục tăng cường hợp tác.

Đây là chia sẻ của Đại sứ Cộng hoà Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023.

 Đại sứ Cộng hoà Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi .  

Phóng viên (P/V): Năm 2023, Việt Nam và Indonesia sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Đại sứ có thể điểm lại những thành tựu nổi bật mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua? Theo ông, những thành tựu này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?

Đại sứ Denny Abdi: Indonesia và Việt Nam đã chia sẻ tầm nhìn trở thành các quốc gia phát triển vào năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước. Theo đó, quan hệ đối tác chiến lược của hai nước được thiết lập vào năm 2013, đã được mở rộng để tăng cường năng lực của cả hai quốc gia nhằm hoàn thành mục tiêu này. Indonesia cam kết thúc đẩy hợp tác chiến lược song phương và đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và phát triển trong khu vực.

Trong chuyến thăm chính thức Hà Nội của Tổng thống Joko Widodo ngày 11-12/9/2018, hai nước đã ký Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019-2023. Kế hoạch Hành động này là kim chỉ nam để tăng cường quan hệ song phương với các cam kết đa chiều, bao gồm an ninh chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân.

Các hoạt động trao đổi cấp cao được duy trì bất chấp khó khăn do dịch bệnh trong những năm qua. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joko Widodo và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 8/2022 cùng cuộc gặp giữa Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11/2022 là những minh chứng nổi bật cho điều đó.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai nước ghi nhận sự tăng trưởng nhất quán trong quan hệ thương mại song phương, đạt 11,5 tỷ USD vào năm 2021, vượt mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đề ra. Giá trị thương mại của hai nước tăng trung bình 9,77% trong 5 năm qua. Hai bên nhất trí đặt mục tiêu thương mại song phương mới là 15 tỷ USD vào năm 2028. Thương mại song phương của chúng ta đã đạt khoảng 13 tỷ USD vào năm ngoái. Những xu hướng tích cực này tạo ra sự lạc quan nhất định rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu thương mại mới trước năm 2028.

Về đầu tư, hơn 30 công ty Indonesia đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 638,8 triệu USD, các nhà đầu tư Indonesia đã có 105 dự án trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, thức ăn chăn nuôi, xi măng, phụ tùng, kinh tế số... Chẳng hạn, Tập đoàn Ciputra đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội, hay công ty Japfa Comfeed đã xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ bảy tại Việt Nam. Hơn nữa, một số kỳ lân của Indonesia và các công ty kỹ thuật số khác cũng có mặt tại Việt Nam, bao gồm Gojek, Traveloka, Sociolla và Ruang Guru (Kien Guru).

Việc kết nối, trao đổi con người đã được tăng cường thông qua nhiều hoạt động khác nhau ở cả Indonesia và Việt Nam. Ví dụ, hơn 600 sinh viên Việt Nam đã học tiếng Indonesia, và một số cán bộ nhà nước của Indonesia đã được đào tạo tiếng Việt tại các cơ sở của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ môn Đông Nam Á học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa tiếng Indonesia trở thành một tín chỉ đối với sinh viên của trường.

Hơn nữa, trao đổi văn hóa được duy trì thường xuyên thông qua sự hợp tác giữa các phương tiện truyền thông ở cả hai nước. Việt Nam có hai cơ quan đại diện truyền thông tại Jakarta là Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Indonesia cũng tổ chức nhiều chương trình du lịch khám phá dành cho truyền thông nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân Indonesia và Việt Nam.

P/V: Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 21-23/12/2022 được coi là dấu mốc quan trọng đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng sâu sắc, bền vững và hiệu quả hơn. Đại sứ có chia sẻ gì thêm về điều này?

Đại sứ Denny Abdi: Chuyến thăm cấp nhà nước gần đây nhất của Chủ tịch nước Việt Nam tới Indonesia là vào năm 2013 khi chúng ta nâng quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược. Năm 2018, Tổng thống Joko Widodo đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và hai nước đã ký Kế hoạch Hành động về triển khai quan hệ Đối tác chiến lược 2019-2023.

Chuyến thăm cấp nhà nước của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo vào cuối năm 2022 là rất kịp thời trong bối cảnh hai nước chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023. Hơn nữa, chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh tình hình toàn cầu khó lường với nguy cơ gia tăng các cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động kinh tế - xã hội trên diện rộng.

Trong bối cảnh nhiều biến động, các quốc gia phải thúc đẩy mô hình hợp tác chứ không phải cạnh tranh. Đối thoại và ngoại giao vẫn rất quan trọng để đảm bảo rằng các nỗ lực phục hồi của chúng ta bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Vì vậy, cuộc gặp giữa Tổng thống Joko Widodo và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12/2022 là nỗ lực chung để nâng tầm quan hệ đối tác nhằm đáp ứng những thay đổi về nhu cầu của nhân dân hai nước trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp như hiện nay. Chuyến thăm Indonesia của nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện cam kết vững chắc của hai bên trong việc luôn hợp tác vì lợi ích cao nhất của quốc gia và nhân dân.

Trong cuộc gặp song phương, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển thực chất của quan hệ đối tác song phương. Hai bên cũng vạch ra những nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác để phục hồi sau đại dịch, thịnh vượng cũng như hòa bình và ổn định khu vực thông qua thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực chính trị, Indonesia và Việt Nam cuối cùng đã đi đến thống nhất về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế dựa trên UNCLOS 1982 sau 12 năm đàm phán. Hai nước cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác chống khủng bố và Bản ghi nhớ về hợp tác xóa bỏ vận chuyển trái phép chất ma túy, nhằm tăng cường hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống phức tạp và có tính liên kết với nhau.

Chuyến thăm cấp nhà nước đóng vai trò là động lực để mở rộng hợp tác trên nhiều phạm vi khác nhau, có thể là Chính phủ với Chính phủ (G-to-G), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B-to-B), giữa các cá nhân với nhau (P-to-P), v.v., cũng như trong các lĩnh vực chiến lược gắn liền với chương trình phát triển bền vững. Ví dụ, việc ký kết Biên bản ghi nhớ về Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác về năng lượng sạch và tái tạo của hai nước.

Trong chuyến thăm, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gặp gỡ Phòng Thương mại Indonesia và Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam (IVFA), bao gồm các doanh nghiệp, học giả, đại diện văn hóa nghệ thuật. Phòng Thương mại Indonesia và IVFA đã tăng cường quan hệ song phương giữa Indonesia và Việt Nam, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư cũng như giao lưu nhân dân.

Tổng thống Joko Widodo hội đàm với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 

P/V: Năm 2022, Indonesia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên G20 và năm 2023 giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Theo ông, với những vị trí như vậy, Indonesia và Việt Nam phối hợp như thế nào để phát huy tiếng nói của mình trên các diễn đàn đa phương, góp phần giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và thế giới.

Đại sứ Denny Abdi: Năm 2022, chúng ta đã chứng kiến cách ASEAN thúc đẩy mô hình hợp tác để phục hồi: không để ai bị bỏ lại phía sau.

Campuchia làm chủ tịch ASEAN, Thái Lan đăng cai Hội nghị APEC và Indonesia giữ chức Chủ tịch G20. ASEAN là trung tâm và dẫn dắt các nỗ lực phục hồi khu vực và toàn cầu thông qua ba diễn đàn riêng biệt nhưng liên kết với nhau.

Khi thế giới vẫn đang đối mặt với những thách thức phức tạp về các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực chưa từng có, Indonesia nỗ lực để ASEAN trở nên phù hợp và quan trọng hơn đối với người dân và thế giới. Indonesia tin rằng cần có sự tiếp nối giữa các kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm ngoái và vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay. Các cuộc thảo luận có tính kế thừa là điều cần thiết trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch.

Hơn nữa, tăng cường hợp tác sẽ là trọng tâm trong cam kết của chúng tôi với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Chúng tôi cam kết củng cố vai trò trung tâm của ASEAN để đảm bảo rằng ASEAN được trang bị các năng lực nâng cao để đối phó với các thách thức hiện tại và tương lai, đồng thời tiếp tục duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Bây giờ chính là lúc để nhìn lên trên những tiến bộ và thành tựu đã đạt được, qua đó đánh giá những thách thức đối với các nỗ lực của chiến lược xây dựng Cộng đồng ASEAN và xác định các vấn đề mới nổi cần được xem xét sau năm 2025 và xa hơn nữa.

Là một trong những quốc gia quan trọng nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong ASEAN và đã làm việc với các thành viên ASEAN khác để xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Indonesia mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác để tiếp tục củng cố sự thống nhất của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế và tăng cường sự phù hợp của ASEAN trong việc đối mặt với những thách thức phức tạp hiện nay.

Indonesia cũng sẽ phối hợp với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác để giải quyết toàn diện tình hình của Myanmar. Điều cần thiết là đảm bảo Myanmar sớm thực hiện toàn bộ Đồng thuận năm điểm (5PC). Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, là rất quan trọng để thúc đẩy đối thoại toàn diện trong nước.

Với chủ đề Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng, Indonesia quyết tâm làm cho ASEAN trở nên quan trọng và phù hợp với người dân ASEAN và hơn thế nữa, đồng thời đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế khu vực.

Mục tiêu chung của chúng ta là thúc đẩy một môi trường nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng và đề cao, mang lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng lâu dài trong khu vực và trên thế giới. Khi Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) và các nguyên tắc hướng dẫn được áp dụng, ASEAN và các đối tác của mình sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn với các vấn đề phức tạp và thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm.

Indonesia mong muốn hợp tác với Việt Nam, các thành viên ASEAN khác và các đối tác bên ngoài của ASEAN để thúc đẩy lòng tin chiến lược và đẩy mạnh mô hình hợp tác. Tất cả chúng ta phải làm việc cùng nhau để chứng minh sự hợp tác và hữu nghị có thể mang lại lợi ích cho thế giới như thế nào.

P/V: Indonesia hiện là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới, thị trường lớn nhất Đông Nam Á và là một trong 10 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận, nhất là về mở rộng xuất khẩu, tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát. Ông có khuyến nghị gì để hai bên có thể nắm bắt cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư, từ đó đề xuất những lĩnh vực hợp tác mới cũng như tạo đà vững chắc cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia ngày càng bền chặt?

Đại sứ Denny Abdi: Quan hệ của Indonesia và Việt Nam không ngừng phát triển phù hợp với sự phát triển của các vấn đề khu vực và toàn cầu. Quan hệ kinh tế giữa hai nước đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực trong khi quan hệ chính trị hai quốc gia vẫn mạnh mẽ. Để đạt được mục tiêu thương mại song phương mới, Indonesia và Việt Nam sẽ giải quyết các thách thức thương mại hiện tại mà cả hai nước đang gặp phải và tăng cường tiếp cận thị trường.

Cũng cần thiết phải thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật (JC-ESTC) để thảo luận về các đột phá khác nhau nhằm giải quyết những thách thức này và mở rộng từng thị trường dựa trên chiến lược lợi thế so sánh. Với chiến lược này, chúng ta có thể xây dựng hợp tác thương mại cùng có lợi và không phải cạnh tranh.

Nghiên cứu và đổi mới, công nghiệp công nghệ cao và nền kinh tế xanh là ba ngành công nghiệp tiềm năng sẽ mang lại lợi ích hơn nữa cho mối quan hệ đối tác của chúng ta. Như đã thấy trong ba năm qua, nghiên cứu, đổi mới và công nghệ đều đã hỗ trợ quản lý đại dịch thành công, làm nền tảng cho sự phục hồi kinh tế xã hội mạnh mẽ hơn.

Hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này sẽ giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Indonesia, phát huy tối đa tiềm năng của mình trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo như những giải pháp để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai. Phát triển các chương trình nghiên cứu chung giữa các tổ chức học thuật và tăng cường đối thoại giữa các nhà nghiên cứu là hai hình thức hợp tác mà Indonesia và Việt Nam có thể theo đuổi.

Hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới mạnh mẽ ở cả hai quốc gia cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn trong ngành công nghệ cao có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng. Sự hợp tác này cuối cùng sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hai nước trên trường quốc tế. Vì mỗi quốc gia đều có điểm mạnh và điểm yếu, Indonesia và Việt Nam sẽ xây dựng hợp tác dựa trên lợi thế so sánh của hai nước để đạt được tăng trưởng kinh tế đôi bên cùng có lợi.

Khi thế giới phát triển, mọi quốc gia đều đang tìm cách theo đuổi sự phát triển bền vững bằng cách quan tâm nhiều hơn đến môi trường. Khi ngày càng có nhiều quốc gia công bố cam kết thực hiện các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và phát thải ròng bằng không, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh nên được theo đuổi một cách nhất quán. Đó là lý do Indonesia và Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện khí hóa và bảo vệ môi trường.

Cả hai nước đang tăng cường nỗ lực chuyển đổi năng lượng sạch hơn thông qua quan hệ đối tác trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư vào năng lượng tái tạo và điện khí hóa. Khả năng tiếp cận nhiều hơn với tài chính xanh, công nghệ và đầu tư sẽ giúp Indonesia và Việt Nam lồng ghép các chính sách kinh tế xanh vào các kế hoạch phát triển quốc gia nhằm thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững của mỗi quốc gia.

Hơn nữa, hai nước có thể hợp tác trong bảo tồn sinh thái biển và ven biển, thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản bền vững để bảo vệ môi trường. Hợp tác trong việc giải quyết tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là rất quan trọng vì nếu chúng ta thất bại, các thế hệ tương lai sẽ phải hứng chịu một thế giới với những tổn thất không thể sửa chữa.

P/V: Với vai trò là cầu nối ngoại giao giữa Việt Nam và Indonesia, trong năm 2023, ông có kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm của Indonesia?

Đại sứ Denny Abdi: Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia lớn ở Đông Nam Á, có cùng tầm nhìn trở thành các quốc gia phát triển vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Bên cạnh đó, một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng cũng là mục tiêu mà hai quốc gia cùng hướng tới. Để đạt được những mục tiêu này và giữ cho ASEAN nắm vị trí dẫn dắt cấu trúc khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam và Indonesia phải tiếp tục và tăng cường hợp tác.

Kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược của Indonesia và Việt Nam mang đến động lực hoàn hảo để đẩy mạnh đối thoại trong việc tìm kiếm và phát triển hợp tác sáng tạo nhằm tăng thêm giá trị cho mối quan hệ song phương. Chúng ta phải xây dựng dựa trên các hình thức hợp tác hiện có, cũng như các hình thức mới để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, thúc đẩy đổi mới, khuyến khích nghiên cứu và phát triển vì sự tiến bộ của hai đất nước.

Cả hai bên hiện đang chuẩn bị Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2024-2028 như một cách đóng góp vào mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, trở thành các quốc gia tiên tiến vào năm 2045. Kế hoạch hành động cũng sẽ đóng vai trò định hướng để hợp tác trong việc hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực và xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh và thịnh vượng. Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội đang hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta và Bộ Ngoại giao ở cả hai nước để hoàn thiện Kế hoạch hành động mới với sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan ở cả hai nước.

Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch tổ chức một số sự kiện để đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Những sự kiện này nhằm tăng cường sự tham gia của các bên hỗ trợ hợp tác song phương và giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia.

Với sự gia tăng dân số mạnh mẽ, Indonesia và Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ nhân khẩu học, trong đó thanh niên ở hai nước chiếm hơn 50% dân số tương ứng. Như chúng ta biết, thế hệ thanh niên luôn có những ý tưởng sáng tạo nhất và có nhiều động lực nhất để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Do đó, họ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển quốc gia của chúng ta.

Về vấn đề này, Đại sứ quán Indonesia mong muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, bao gồm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng nắm bắt công nghệ và thích ứng với tính chất thay đổi của công việc. Những sự hợp tác này sẽ tăng thêm giá trị cho các mục tiêu phát triển chung của hai nước và sự tiến bộ của khu vực./.

T.Lan (Thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực