Vững vàng vị thế đồng tiền Việt

Thứ sáu, 20/01/2023 09:00
(ĐCSVN) – Năm 2022, có thể nói là năm nhiều thách thức đối với đồng tiền Việt Nam (VND) do chịu sức ép từ bất ổn kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, các nước liên tục tung ra nguồn cung tiền lớn và giá vàng thì biến động mạnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ đã giúp VND vẫn duy trì giá trị.
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, hầu hết các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên thế giới đều chủ quan khi nhận định lạm phát toàn cầu chỉ có tính tạm thời, nhưng thế giới đã đối mặt với lạm phát cao nhất 40 năm trở lại đây, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới phải nhanh chóng chuyển hướng từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ không giới hạn trong giai đoạn COVID-19 (năm 2020, 2021) sang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh, khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao (thông thường Fed điều chỉnh 0,25% mỗi lần tăng hoặc giảm lãi suất chính sách, nhưng trong năm 2022, Fed đã tăng 4 lần lãi suất với mức 0,75% mỗi lần tức là tăng gấp 3 lần mức thông thường). Bối cảnh đó đã tạo nên một mặt bằng lãi suất toàn cầu rất cao, làm cho đồng USD tăng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Trong năm 2022, để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, Fed đã liên tục tăng mạnh lãi suất đến 7 lần. Lãi suất đồng USD đã lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25-4,5%, trong bối cảnh các quyết sách của ngân hàng này tác động rất mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc tăng nhanh lãi suất của Fed đã hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế. Tính chung chỉ số đồng USD đã tăng gần 11% trong năm 2022. Sự tăng giá của USD đã làm đồng tiền của nhiều nền kinh tế mất giá, kể cả những nước phát triển và đang phát triển.

Trong bối cảnh đó, đồng USD trở thành “hầm trú ẩn” cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỷ USD, giảm gần 9% tổng dự trữ ngoại hối của các nước trước xu hướng dòng tiền đổi chiều. Trong khi đó, trong nước, kinh tế phục hồi nhưng chưa bền vững; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều gặp khó khăn đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Sự chống chọi của chính sách tiền tệ của các nước, đặc biệt của Việt Nam – một nước có độ mở kinh tế lớn với các cú sốc này là rất căng thẳng.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của Vụ Chính sách tiền tệ, diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam. Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho rằng, đồng VND tăng giá chủ yếu do USD yếu đi trên thị trường quốc tế. Thực chất, tất cả các đồng tiền lớn và đồng tiền của các quốc gia láng giềng của Việt Nam đều giảm so với đồng USD, tuy nhiên, theo WB, việc NHNN nâng các mức lãi suất chính sách chính thêm 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10/2022 cũng góp phần nới nhẹ áp lực đối với đồng nội tệ. Nhìn chung, năm 2022 là một năm đầy bão tố của tỷ giá. Áp lực tăng tỷ giá xuất hiện từ thời điểm tháng 10, khi giá USD ngoài thị trường tự do vượt 25.500 VND/USD, còn trong hệ thống các ngân hàng, giá USD cũng xuýt soát 25.000 VND/USD. Nhưng bão tỷ giá được hoá giải nhanh chóng. Từ mức chạm ngưỡng 25.000 VND/USD giờ chỉ còn dưới 24.000 VND/USD. Thời điểm giữa tháng 10, NHNN đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ mức +-3% lên mốc +- 5%.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành tỉ giá năm 2022 chịu sự giám sát nâng cao của phía Hoa Kỳ, trước sức ép đồng USD tăng cao. Nếu thực hiện theo cam kết, NHNN sẽ khó ổn định được thị trường. Bởi vậy, NHNN đã chủ động đàm phán với phía Mỹ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều hành tỉ giá linh hoạt hơn. Từ tháng 10/2022, xu hướng lãi suất, đồng USD tăng cao cùng sự cố Ngân hàng SCB đã tác động tiêu cực đến tâm lý, kỳ vọng và thanh khoản thị trường, tỉ giá tăng kịch trần, giao dịch thị trường gần như đóng băng, tâm lý găm giữ ngoại tệ dâng cao.

Trước bối cảnh đó, NHNN đã cấp bách triển khai nhiều giải pháp để tập trung ưu tiên cải thiện thanh khoản. Theo đó, chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trong tháng 10. Khi thanh khoản hệ thống được cải thiện, tác động từ bên ngoài dịu bớt, NHNN đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2%. Để ổn định thị trường ngoại hối, NHNN đã thực hiện đồng thời các giải pháp như: Tăng biên độ giao dịch của tỷ giá từ +3% lên +5% để linh hoạt cho phép VND mất giá đến 9%, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp, điều chỉnh tăng 1% các mức lãi suất điều hành, nhờ vậy mà thị trường đã dần ổn định trở lại. Năm 2022, VND mất giá khoảng 3,5% – thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực.
 
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá, lạm phát rất lớn, việc NHNN nới biến độ tỷ giá là cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và góp phần cho chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn. Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, thực tế cho thấy tiền đồng vẫn trong nhóm ít mất giá nhất so với USD. Việc nới biên độ tỷ giá sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ. Đồng thời, nới biên độ tỷ giá khiến người dân giảm mua vào, tăng bán ra, giúp thanh khoản ngoại tệ ngân hàng dồi dào hơn. Quan trọng nhất là nâng biên độ tỷ giá giao ngay sẽ giúp mua bán USD thuận lợi hơn, làm triệt tiêu nguy cơ đầu cơ. Bởi nếu giữ nguyên biên độ hiện tại thì chênh lệch giá USD “chợ đen” và USD chính thức tăng cao, khiến tình trạng đầu cơ ngoại tệ phát sinh.

Trên cương vị quản lý nhà nước, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN chia sẻ, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp khó lường, NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhìn chung thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định, mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.

Ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Niềm tin của người dân vào giá VND đã thực sự cải thiện bất chấp những tồn tại của thị trường tự do.
 
Mặc dù tỷ giá ngoại tệ đã có nhiều dấu hiệu tích cực hơn từ bối cảnh thị trường cũng như khả năng điều hành linh hoạt của NHNN. Bước sang năm 2023, để nền kinh tế ổn định, giúp doanh nghiệp phục hồi, không ít ý kiến cho rằng nên để tỷ giá biến động trong một mức độ nhất định để ổn định lãi suất. Mức độ biến động này sẽ phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng với sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ… Nếu không giảm được lãi suất thì có thể khiến nợ xấu tăng, doanh nghiệp phải dừng các kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh… ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực nói rằng 2023: "Chúng ta có thể chấp nhận tiền đồng mất giá nhiều hơn một chút, song cần hết sức cân nhắc chuyện tăng lãi suất. Điều tích cực là áp lực tỷ giá năm tới đã nhẹ đi đáng kể”. Dẫu với bất kỳ khó khăn nào, khẳng định của cơ quan quản lý Ngân hàng NHNN là: điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô. Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, ổn định tỷ giá và tiền đồng là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế.

Còn theo các chuyên gia WB, do điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài yếu đi, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm ứng phó với những cú sốc bên ngoài. Chính sách này có thể được bổ sung bằng cách sử dụng sáng suốt lãi suất tham chiếu và sử dụng thận trọng can thiệp tỷ giá trực tiếp nhằm bảo vệ được dự trữ ngoại hối. WB cũng khuyến nghị phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực