|
Qua năm tháng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu (Nam Giang)
vẫn bảo toàn, giữ được nét tự nhiên và các sắc thái truyền thống của đồng bào tại đây. |
Từ đầu làng, trên con đường dẫn vào nhà Gươl làng Za Ra (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang), chúng tôi đã nghe rõ dần tiếng cọt kẹt của khung cửi. Khi đến nơi, trực tiếp chứng kiến các bà, các chị mỗi người theo phân công đang tất bật với công việc mà họ đã quen tay mỗi ngày: người dệt, người xe chỉ, người căng tơ…- một bức tranh lao động, khẩn trương như đang “chạy đua” với thời gian để kịp cho những sản phẩm dệt truyền thống theo các đơn đặt hàng dịp cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Kim Lan, một người phụ nữ Cơ tu giỏi nghề dệt thổ cẩm và cũng là Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra cho biết năm nay, đơn đặt hàng của du khách và các đối tác gửi về nhiều gấp hơn 02 lần so với các năm trước. Trong đó, hiện đơn hàng gửi sang Nhật đang còn tồn lớn nhất, Hợp tác xã phải phải khẩn trương hoàn tất trước tết Nguyên đán.
“Năm nay với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp huyện Nam Giang, đặc biệt là từ tổ chức FIDR tại Việt Nam, các đơn đặt hàng từ các đối tác tại Nhật tăng cao. Trong khi đó, các đoàn khách du lịch từ nhiều nơi khi đến tham quan tại làng Za Ra cũng gửi đơn đặt hàng, yêu cầu gửi về cho họ, khiến lượng đơn hàng tăng cao. Điều này cung đồng nghĩa với việc chị em trong làng có thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống gia đình”- chị Nguyễn Thị Kim Lan chia sẻ.
Chị Bling Hoa (58 tuổi) cho chúng tôi biết, từ nhỏ chị đã được mẹ chỉ dạy cách dệt lụa truyền thống của dân tộc mình. Sau này, khi lớn lên chị mỗi năm tranh thủ thời gian rỗi để dệt cho mình và gia đình một số sản phẩm lụa để dùng. Đến 2012, khi Hợp tác xã Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra ra đời, chị trở thành thành viên của Hợp tác xã và gắn bó với Hợp tác xã cũng như nghề dệt truyền thống tại đây chon đến nay. “Từ ngày có Hợp tác xã, mình và nhiều bà, nhiều chị trong làng có thêm thu nhập, nhờ bán được sản phẩm”- chị Blinh Hoa cho biết.
Theo bà Zơ Rum Rem (70 tuổi), người phụ nữa cao tuổi nhất của Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra, đồng thời cũng là người có kỹ thật dệt giỏi nhất làng cho biết, việc của bà mỗi ngày là chỉ dạy và hướng dẫn các chị em trong làng các công đoạn, kỹ thuật của quá trình dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu. “Tôi không biết nghề dệt của làng Za Ra có từ bao giờ, nhưng từ nhỏ tôi đã được mẹ và bà chỉ dạy. Giờ chỉ mong các cháu gái trong làng yêu thích và thành thạo với nghề dệt để góp phần gìn giữ nghề dệt truyền thống này của làng và dân tộc”- bà Zơ Rum Rem cho biết và chia sẻ: Trong các công đoạn của quá trình dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu, căng sợi là công việc đầu tiên và có ý nghĩa rất quan trọng nên chỉ những người nào sành sỏi với nghề dệt mới có thể làm được. “Trước khi biết đến các loại trang phục bằng bông vải, người Cơ Tu sử dụng vỏ cây để che thân. Sau này, bông bắt đầu được người Cơ Tu sử dụng và được nhuộm tự nhiên bằng màu của vỏ cây để tạo ra các màu sắc truyền thống riêng có của người Cơ Tu. Qua năm tháng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu vẫn bảo toàn, giữ được nét tự nhiên đó, song hiện nay theo yêu cầu của khách hàng, một số yếu tố liên quan của nghề cũng bắt đầu có những thay đổi để đáp ứng thị hiếu của khách hàng”- bà Rem chia sẻ thêm.
|
Theo bà Rem, bà không biết nghề dệt của làng Za Ra có từ bao giờ,
nhưng từ nhỏ bà đã được mẹ và bà của bà chỉ dạy. Giờ bà tiếp tục truyền nghề cho con cháu. |
Theo bà Rem, để có một sản phẩm dệt đẹp, người thợ dệt phải chọn được sợi vải có màu đậm, bền, các hạt cườm phải đều nhau, không có hạt to, hạt bé. Tất cả các nguyên liệu này một phần lấy từ chất liệu vỏ cây tự nhiên của làng; một phần khác như cườm, chỉ màu… được mua trên thị trường để bổ sung, hoà trộn nhau, tạo cho các sảm phẩm lụa truyền thống Cơ Tu thêm đẹp mặt và bền hơn. “Người Cơ tu dệt thủ công với bộ dụng cụ truyền thống là các thanh tre nứa riêng lẻ và có thể được bó nhỏ gọn, cất đi khi dệt xong. Mỗi người thợ dệt vừa dệt vải vừa dệt hoa văn cườm. Cườm được xâu vào sợi chỉ, rồi được định vị chính xác để tạo hoa văn. Mỗi hoa văn đều có một ý nghĩa riêng, tượng trưng cho sắc thái cuộc sống thường nhật của người Cơ Tu như: Cây, lá, núi, rừng; các động tác lao động và văn hóa của người Cơ Tu như điệu múa ya ya, hình ảnh thú rừng, một số phong tục tập quán…”, bà Rem cho hay.
Nói về hoạt động của làng dệt Cơ Tu- Za Ra (xã Tà Bhing), Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang- Nguyễn Đăng Chương thông tin: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu huyện Nam Giang nói chung và xã Tà Bhing nói riêng có từ lâu đời và luôn là niềm tự hào của địa phương và người dân nơi đây. Từ nhiều năm trước, Huyện uỷ, UBND huyện đã xác định đây là một lợi thế, tiềm năng cần khai thác để phát triển. Do đó, từ trước năm 2012, huyện đã xây dựng đề án bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống Cơ Tu; đồng thời tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ việc giữ nghề và phát triển nghề dệt trong cộng đồng Cơ Tu địa phương.
“Đặc biệt, từ năm 2012, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức FIDR (Nhật Bản) tại Việt Nam, cùng với việc khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống Cơ Tu, dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang được xây dựng và phát triển. Theo đó, Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra tại xã Tà Bhing cũng chính thức ra đời và đi vào hoạt động, qua đó vừa góp phần giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống Cơ Tu, đồng thời tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân.
Với vai trò hỗ trợ từ kinh phí, các nội dung hoạt động chủ yếu để phát triển du lịch cộng đồng của tổ chức FIDR, cùng với sự ra đời của Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra là Hợp tác xã du lịch cộng đồng Cơ Tu tại xã Tà Bhing những năm qua đã thực sự tạo sự thay đổi nhiều mặt về nhận thức, cách thức để làm du lịch cộng đồng trong cộng đồng Cơ Tu địa phương. Du khách khi đến đây không chỉ được trực tiếp chứng kiến, giao lưu và trải nghiệm, hoà nhập với cuộc sống, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt văn hoá, thưởng thức các món ăn truyền thống của người Cơ Tu…. mà còn có thể mua sắm một số sản phẩm lưu niệm từ chính tay đồng bào Cơ Tu làm ra để mang về làm quà lưu niệm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân và các tổ chức còn tìm hiểu, đặt quan hệ để hợp tác, mua số lượng lớn các đơn hàng từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu hay các sản phẩm nông nghiệp là các mặt hàng OCOP của bà con địa phương.
|
Với sự ra đời của Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra, nghề dệt của đồng bào
Cơ Tu huyện Nam Giang tiếp tục được bảo tồn, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho bà con địa phương. |
Chia sẻ thêm những kết quả và thành công từ mô hình Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu - Za Ra, Chủ nhiệm Hợp tác xã- chị Nguyễn Thị Kim Lan cho biết: Hợp tác xã luôn hướng đến mục tiêu chính là bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, của cộng đồng xã hội và các tổ chức quốc tế để phát triển du lịch cộng đồng; qua đó góp phần cải thiện đời sống người dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để giới thiệu đến bạn bè, du khách gần xa.
“Hiện chúng tôi có 30 xã viên chính thức và nhiều con em gái địa phương cũng thường xuyên lui tới để học nghề. Cùng với các hoạt động cho ra các sảm phẩm, Hợp tác xã cũng rất chú trọng đến việc truyền dạy nghề để bảo tồn, phát triển nghề dệt này. Đồng thời, với xu phát triển thế thị trường và yêu cầu của khách hàng, hiện Hợp tác xã cũng đang chú trọng việc đa dạng các sản phẩm làm ra như: khố, áo, ví, ba lô, túi xách, khăn trải bàn,… “Đã có gần 30 sản phẩm dệt thủ công truyền thống của Hợp tác xã được chào bán trên thị trường, trong đó sản phẩm túi xách của chúng tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”. Nhiều sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của người phụ nữ Za Ra hiện được gửi bán tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… và đặc biệt cũng bước đầu gửi đến tiêu thụ ở một số thị trường quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhờ vậy, thu nhập của các xã viên Hợp tác xã hiện trung bình đạt từ 400.000-500.000 đồng/ tháng/người. Qua đó đã góp phần động viên, khích lệ mọi người, nhất là thế hệ phụ nữ trẻ người Cơ Tu thêm yêu nghề, gắn bó với nghề dệt truyền thống của dân tộc mình”- chị Nguyễn Thị Kim Lan cho biết thêm.
Chia tay làng dệt Za Ra (xã Tà Bhing), trên con đường trở lại Đà Nẵng, qua từng khúc quanh của mỗi bản làng đồng bào Cơ Tu địa phương, không khí Tết đến Xuân về đang hiển hiện. Xa xa từ những ngôi nhà phía sau các quả đổi, khói lam chiều hoà quyện dưới nhiều mái ngói, khiến lòng chúng tôi thêm ấp áp hơn. Trong tôi trào dâng niềm tin về một mùa Xuân mới hội nhập và phát triển nơi các làng quê miền núi nông thôn huyện Nam Giang sẽ thêm trù phú, sung túc hơn./.