Xuân về trên những căn nhà 1953

Thứ hai, 23/01/2023 11:35
(ĐCSVN) - Từ một Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Tết Quý Mão năm nay, hơn 6.700 ngôi nhà mới khang trang đã được hoàn thành và bàn giao cho các hộ nghèo, người có công, cựu chiến binh nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mở ra niềm hy vọng về một cuộc sống mới ấm no, đủ đầy nơi vùng cao biên giới...
 Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khánh thành, bàn giao nhà cho gia đình bà Khấu Thị Đẹp, hộ nghèo thôn Bản Khén, xã Lạc Nông (Bắc Mê). (Ảnh: Duy Tuấn)

Hành trình hiện thực hóa những "căn nhà 1953"

Cái tên "1953" dường như đã trở nên gần gũi, quen thuộc không chỉ với người dân Hà Giang mà còn lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Bởi nó xuất phát từ một Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc - Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang, với nguồn lực hoàn toàn từ xã hội hóa.

Là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, vào thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở (tháng 4/2019), toàn tỉnh Hà Giang có đến 80.698 nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Kết quả rà soát hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 cho thấy, cuối năm 2018 toàn tỉnh còn hơn 56 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,17% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh, trong đó số hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí nhà ở là 10.123 hộ. Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo nhưng con số này vẫn chưa được cải thiện.

Thực hiện phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và Chương trình vận động ủng hộ đầu tư xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 25/7/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Quyết định số 1953-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang (BCĐ). Nhờ tính nhân văn sâu sắc, chủ trương này của Tỉnh ủy Hà Giang đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, con số “1953” cũng từ đó trở nên quen thuộc với hầu hết người dân nơi đây, đặc biệt tại các xã khó khăn vùng biên giới.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm Phó Trưởng ban Thường trực. BCĐ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo thành lập BCĐ của huyện, thành phố; yêu cầu việc triển khai thực hiện Chương trình phải gắn với chương trình, đề án quy tụ dân cư trên địa bàn, thực hiện rà soát, thống kê đúng đối tượng… Cùng với quy chế hoạt động, kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn cụ thể, các Tổ công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát Chương trình được thành lập nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; song song với đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình.

Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình anh Thò Mí Hờ (xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc). (Ảnh: cand.com.vn) 

Với định mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ, Chương trình đặt mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020 sẽ hỗ trợ 2.000 nhà đảm bảo tiêu chuẩn 03 cứng "cứng nền, khung - tường, mái cứng", ưu tiên các đối tượng là gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo ở các xã biên giới. Từ năm 2021 trở đi, số lượng nhà ở hỗ trợ tùy thuộc nguồn kinh phí xã hội hóa. Ngay sau khi phát động, Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã nhận được sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, từ công tác chỉ đạo rà soát thẩm định đối tượng, hướng dẫn tổ chức triển khai đến kiểm tra, giám sát, tuyên truyền...

Theo đó, BCĐ các huyện đã tiến hành rà soát số hộ người có công, hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo xã biên giới, hộ nghèo các xã nội địa có khó khăn về nhà ở có nhu cầu và đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định. Việc rà soát, bình xét, xét duyệt đối tượng hỗ trợ được tiến hành minh bạch từ thôn, tổ dân phố; danh sách các hộ được xét duyệt hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng thứ tự ưu tiên và đảm bảo các tiêu chí về điều kiện nhà được hỗ trợ, được niêm yết công khai tại trụ sở xã, thôn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân được biết.

Qua rà soát, tổng số đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở giai đoạn 1 từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2020 do các huyện rà soát là 4.305 hộ, bao gồm 213 hộ gia đình người có công, 475 hộ cựu chiến binh nghèo, 1.527 hộ nghèo thuộc xã biên giới và 2.090 hộ nghèo xã nội địa. Giai đoạn 2 từ tháng 9/2020, toàn tỉnh còn 2.375 hộ đủ điều kiện hỗ trợ, trong đó có 26 hộ chính sách người có công, 96 hộ cựu chiến binh nghèo, 435 hộ nghèo xã biên giới và 1.818 hộ nghèo xã nội địa. Giai đoạn 3 rà soát tháng 4/2022, tổng số đối tượng có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng nhà ở còn 886 hộ, trong đó 45 hộ cựu chiến binh nghèo, 141 hộ nghèo xã biên giới và 700 hộ nghèo xã nội địa.

Trong quá trình triển khai, các ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh định kỳ đôn đốc, kiểm tra tại cơ sở về đối tượng hỗ trợ và tiến độ triển khai thực hiện. Đặc biệt là sự kiểm tra thường xuyên và định kỳ của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, giám sát của HDDND tỉnh và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy về chương trình nhà ở. Để sâu sát hơn, Ban chỉ đạo huyện cũng đã thường xuyên xuống cơ sở để hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc, đồng thời kiểm tra các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhằm đảm bảo chính xác đối tượng, quy mô, kiến trúc phù hợp với truyền thống và nhu cầu sử dụng, điều kiện, hoàn cảnh của hộ gia đình; kịp thời tổ chức thẩm định, nghiệm thu và bàn giao kinh phí cho các hộ theo đúng tiến độ.

Cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình còn huy động sức mạnh tổng hợp từ các đoàn viên, hội viên, sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an tham gia xây dựng nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng. (Ảnh: baohagiang.vn) 

Kết quả vượt xa mục tiêu ban đầu...

Là một trong những hộ được thụ hưởng Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở, vợ chồng anh Mua Mí Tính, thôn Cán Lủng, xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc) vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Mới ngày nào còn ở trong căn nhà lụp xụp, tạm bợ, niềm vui đến bất ngờ khi trong tháng 8/2022, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, gia đình anh được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy Hà Giang. Chỉ sau hơn hai tháng khởi công với sự giúp sức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cùng sự hỗ trợ ngày công của bà con trong thôn, đến nay gia đình anh đã có căn nhà mới. Anh cho biết, có nhà ở mới Tết năm nay sẽ ấm áp hơn, không phải lo lắng như trước nữa. Giờ anh sẽ cố gắng tập trung chăn nuôi, trồng trọt để tạo thu nhập cho gia đình.

Cùng chung niềm vui như vợ chồng anh Mua Mí Tính, cựu chiến binh Hù Sào Tỉn ở xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì cũng phấn khởi chia sẻ, không ngờ đến cuối đời ước mơ về một ngôi nhà khang trang của ông lại trở thành hiện thực. Cảm ơn các cấp chính quyền và bà con lối xóm đã đến giúp đỡ gia đình vận chuyển vật liệu, san ủi nền nhà, ông cho biết sẽ tiếp tục vận động con cháu chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế để thoát khỏi đói nghèo.

Đó chỉ là hai trong số hàng nghìn gia đình cựu chiến binh, người có công và hộ nghèo được thụ hưởng Chương trình 1953 của Tỉnh ủy Hà Giang. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, với quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chương trình đã nhận được sự quan tâm ủng hộ và trợ giúp đầy tính nhân văn của các cơ quan, doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty, các nhà hảo tâm và Nhân dân trên khắp cả nước, nhờ đó kết quả thực hiện Chương trình vượt xa mục tiêu ban đầu. Đặc biệt, cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa, hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang đã huy động sức mạnh tổng hợp từ các đoàn viên, hội viên, sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an tham gia xây dựng nhà ở, vừa góp phần làm giảm giá thành, vừa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc.

Mới đây, báo cáo tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình cho thấy, từ mục tiêu ban đầu là hỗ trợ 2.000 ngôi nhà, đến nay, tỉnh Hà Giang đã xây dựng được 6.700 ngôi nhà cho 249 gia đình chính sách, người có công, 605 hộ cựu chiến binh nghèo, 2.086 hộ nghèo xã biên giới và 3.760 hộ nghèo xã nội địa. Tổng kinh phí các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho Chương trình là 400.334 triệu đồng; tổng số ngày công hỗ trợ các hộ xây dựng nhà ở là 341.766 ngày. Những ngôi nhà được xây dựng đảm bảo chất lượng, phù hợp với kiến trúc, nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc.

  Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh tặng Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho Chương trình. (Ảnh: Minh Tâm)

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai Chương trình đã có nhiều cách làm hay như: Huyện Quản Bạ vận động 100% các hộ làm nhà phải đảm bảo lát nền bằng gạch men để thay đổi nếp sống vệ sinh, lợp tôn xốp để chống nóng và hứng nước mưa phục vụ sinh hoạt. Huyện Mèo Vạc đưa thông tin về kết quả, công tác triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng trên địa bàn trên trang Fanpage "Thông tin Mèo Vạc" và Nhóm Zalo Lãnh đạo huyện Mèo Vạc; qua đó, các đồng chí lãnh đạo huyện, các cơ quan, ban, ngành có thể tương tác, thảo luận và đưa ra những cách làm hay nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình theo mục tiêu chung của tỉnh. Huyện đoàn Thanh niên đã thành lập Đội Thanh niên xung kích, đội mô tô tình nguyện với tổng số 74 đoàn viên thanh niên tham gia để giúp các hộ vận chuyển, xây dựng nhà ở miễn phí. Ngoài kinh phí hỗ trợ của Chương trình, các huyện còn vận động, hỗ trợ thêm kinh phí, vật liệu cho các hộ làm nhà phù hợp với bản sắc, phong tục tập quán từng dân tộc, đảm bảo nguyên tắc "cứng tường, cứng nền, cứng mái", kết hợp với xây nhà bếp, nhà tắm, công trình vệ sinh; đồng thời yêu cầu gia cố giằng, bó chống tốc mái; hỗ trợ toàn bộ ngày công để xây dựng nhà ở cho những hộ già cả, neo đơn, không có sức lao động, kinh tế quá khó khăn không thể tự huy động ngày công làm nhà ở;...

Có thể nói, những kết quả đạt được đã cho thấy quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Hà Giang, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, triển khai bài bản của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn bản và người dân; đồng thời là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội đối với các hộ gia đình chính sách, người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo. Thông qua Chương trình đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều, giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo được ổn định cuộc sống.

Kết quả cho thấy đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang theo chuẩn nghèo đa chiều mới chiếm 37,09% số hộ toàn tỉnh, giảm 8.771 hộ, giảm tỷ lệ 4,99% so với năm 2021; vượt chỉ tiêu của tỉnh và Chính phủ giao. Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cũng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý để tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nhà ở tỉnh Hà Giang nhận định, đây là Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền và toàn thể xã hội với các gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo 34 xã biên giới có khó khăn về nhà ở của tỉnh Hà Giang.

Với kết quả vượt xa sự mong đợi, Chương trình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của Nhân dân các dân tộc, nhất là các hộ nghèo được hỗ trợ từ Chương trình; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cơ sở, lực lượng vũ trang trong việc vận động kinh phí, hỗ trợ nhân lực cho các hộ nghèo; đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Những căn nhà được xây mới đã góp phần giúp những người kém may mắn ổn định cuộc sống, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của cả cộng đồng xã hội, trở thành cầu nối đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đồng thời, là nguồn động viên to lớn để các hộ gia đình vững tin, vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no bền vững./.

Hiền Hòa - Đinh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực