Bài toán cho việc xử lý nguồn nước thải sinh hoạt tại nguồn

Thứ sáu, 16/04/2010 22:05

 

Phần lớn nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình đổ trực tiếp ra sông, hồ.
                         Ảnh minh họa
 

(ĐCSVN) - Nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là một nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước và vấn đề này có xu hướng càng ngày càng xấu đi. Tuy đã có cơ sở pháp lý là Luật và Tiêu chuẩn môi trường đối với nước thải sinh hoạt, song hiện trạng nước thải sinh hoạt và xử lý nước thải đang là vấn đề cấp bách cần được đặt ra để từng bước cải thiện tình hình.

Hệ thống xử lý nước thải đã quá lạc hậu, bất cập

Ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra được các chuyên gia môi trường đánh giá đang ở mức rất nghiêm trọng, thực trạng này đã được thể hiện trong nhiều báo cáo của Bộ tài nguyên và Môi trường, của các Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực: sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ và sông Đồng Nai, báo cáo của các sở tài nguyên môi trường các tỉnh, thành phố trong cả nước và từ thực tế quan sát được ở các sông hồ nội thành của các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh.

Tại một số  thành phố lớn, thị xã và thị trấn chỉ một số khu vực dân cư có hệ thống cống rãnh thải nước thải sinh hoạt song hệ thống này thường dùng chung với hệ thống thoát nước mưa thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên hoặc ao hồ hoặc sông suối hoặc thải ra biển. Hầu như không có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt riêng biệt.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, trung bình một ngày Hà Nội thải 458000 m3 nước thải, trong đó 41% là nước thải sinh hoạt, 57% nước thải công nghiệp, 2% nước thải bệnh viện. Chỉ có khoảng 4% nước thải được xử lý. Phần lớn nước thải không được xử lý đổ vào các sông Tô Lịch và Kim Ngưu gây ô nhiễm nghiêm trọng 2 con sông này và các khu vực dân cư dọc theo sông.

Theo số liệu đó cách đây gần 10 năm thì nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) tại sông Kim Ngưu cao tới 92,4 mg/l, cũng đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép tới 9 lần. Hồ cá  tại hai quận Hoàng Mai và Thanh Trì đã bị ô nhiễm nặng do lấy nước từ 2 con sông trên. Số liệu thống kê cho thấy toàn lưu vực đang có khoảng 26.300 giường bệnh (trong đó Hà Nội chiếm tới 47%) thuộc hơn 1.400 cơ sở y tế, với lượng nước thải y tế ước tính khoảng hơn 10.000m3/ngày và nước thải bệnh viện không hề được xử lý mà đổ thằng vào các dòng sông.

Không chỉ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà ở các đô thị khác như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Dương… nước thải sinh hoạt cũng không được xử lý độ ô nhiễm nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải đều vượt quá tiểu chuẩn cho phép, các thông số chất lơ lửng (SS), BOD; Nhu cầu oxy hóa học (COD); Ô xy hoà tan (DO) đều vượt từ 5-10 lần, thậm chí 20 lần TCCP. Tại các vùng nông thôn, các cụm dân cư (làng, xã) tình hình vệ sinh môi trường còn đáng lo ngại hơn. Phần lớn các gia đình không có nhà xí hợp vệ sinh. Hầu hết nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.

Về tình trạng ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay Việt Nam có gần 76% dân số đang sinh sống ở nông thôn là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vi khuẩn E. coliform trung bình biến đổi từ 1.500-3.500MNP/100ml ở các vùng ven sông Tiền và sông Hậu, tăng lên tới 3800-12.500MNP/100ML ở các kênh tưới tiêu.

Việc thu gom và xử lý nước thải tập trung đang còn gặp nhiều bất cập và hạn chế. Công tác xử lý nước thải chưa được đẩy mạnh, tại một số đô thị cũng có xây dựng một số trạm xử lý nước thải cục bộ cho các bệnh viện như (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng...) nhưng do nhiều nguyên nhân như thiết kế, vận hành, bảo dưỡng, không có kinh phí... mà nhiều trạm xử lý sau một thời gian ngắn hoạt động đã xuống cấp và ngừng hoạt động.

Ông Đỗ Tất Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thương mại & môi trường Hà Nội (HACTRA), đánh giá: Hệ thống hạ tầng thoát nước thải của các khu đô thị đã xuống cấp, cũ nát; các hệ thống thoát nước thải được xây dựng tại các khu đô thị mới không khớp nối được với hệ thống cũ, chất lượng xây dựng không đảm bảo, nhiều nơi đường cống đã gãy vỡ, rạn nứt hoặc bị tắc nghẽn gây ra tình trạng úng ngập, và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và cả nước mặt trong khu vực.

Do đó, các kế hoạch đầu tư cho các dự án xây dựng các trung tâm xử lý nước thải sinh hoạt ở cuối nguồn phải đi đôi với việc hoàn chỉnh việc xây dựng lại hệ thống thoát nước thải để thu gom và dẫn chúng đến các trung tâm xử lý.….

Giải pháp mới để xử lý nguồn nước thải sinh hoạt tại nguồn

Các giải pháp công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt ở Việt Nam đã được nhiều tổ chức khoa học và doanh nghiệp trong cả nước đề xuất thử nghiệm trong nhiều năm qua, hầu hết các giải pháp này được thiết kế và chế tạo trong nước, chất lượng thiết kế chưa hoàn chỉnh, công nghệ chế tạo thấp kém… Vì vậy, không đưa ra được kết quả xử lý như mong muốn, hoặc chỉ sau một thời gian hoạt động ngắn các hệ thống xử lý này đã bị trục trặc.

Đề cập tới giải pháp để cải thiện môi trường hiệu quả, ông Đỗ Tất Việt, đề xuất: Việt Nam nên quan tâm đến hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn (Johkasou) đã được Nhật Bản ứng dụng rộng rãi trong toàn xã hội từ hơn 60 năm qua. Bởi theo ông và một số chuyên gia thì thực trạng của Việt Nam tương đối giống với Nhật Bản những năm đó nên việc áp dụng hệ thống Johkasou ở Việt Nam lúc này là rất phù hợp và thuận lợi.

Lắp đặt Joukasou tại khu đô thị Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội 

Được biết, thiết bị Johkasou gồm phần vỏ được chế tạo bằng vật liệu Dicyclopentadiene – Polymer hoặc nhựa Coposite kết hợp sợi hóa học, một máy bơm và 5 bể lọc khí, 2 bể lọc màng sinh học – vi sinh hiếm khí và một bể trữ nước đã qua xử lý, có khoang khử trùng bằng clo…Hệ thống thiết bị này được thiết kế gọn nhẹ, tối ưu nhằm đem lại cho chúng ta sự đơn giản trong lắp đặt và sử dụng.

Qua các dự án lắp đặt Johkasou thí điểm ở Viêt Nam đã cho thấy: Công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn Johkasou của Nhật Bản hoàn toàn phù hợp với Việt Nam.

Theo các chuyên gia thì sử dụng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn theo công nghệ Johkasou Nhật Bản vào hệ thống hạ tầng thoát nước thải của các công trình sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực: Ngăn chặn sự phát sinh các nguồn ô nhiễm mới tạo ra từ các công trình dân sinh trong khu đô thị mới, các khu dân cư tập trung ở các vùng nông thôn (đang ngày càng phát triển mạnh mẽ). Không phải xây dựng Hệ thống đường cống thoát nước thải, nước thải sinh hoạt sau khi được xử lý bằng hệ thống Johkasou đạt tiêu chuẩn nước mặt và nó sẽ đi chung với nước mặt trong cùng một hệ thống tiêu thoát…

Hiện ở Việt Nam đã có công trình ứng dụng hệ thống Johkasou là nhà N-06 khu đô thị mới Dịch Vọng do Công ty Cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm (LIDECO) làm chủ đầu tư. Với thể tích 3,6 mét khối, công suất xử lý 2m3/ngày đêm phù hợp cho 10-15 người sinh hoạt được đặt tại tầng 1. Kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý môi trường Bộ TN&MT, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (INEST) sau gần 2 năm khu đô thị sử dung hệ thống này, cho thấy: Nước thải sau xử lý của bộ Johkasou đạt chất lượng tốt hơn tiêu chuẩn xả thải của Việt Nam: TCVN 6772:2000. Trên cơ sở đó, LIDECO – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Quốc Lộ 32, đã vững tâm ra quyết định đầu tư Johkasou model: HS-5P của Nhật Bản để lắp ráp cho tất cả các biệt thự trong dự án này, thay thế cho việc xây dựng các bể phốt truyền thống, hệ thống cống dẫn nước thải và trạm xử lý cuối nguồn của dự án.

“Thời gian gần đây, Hà Nội đang nghiên cứu kế hoạch rất tốn kém và không khả thi, đó là lấy nước sông Đáy, sông Nhuệ hoặc sông Hồng để bổ cập nước cho sông Tô Lich (số lượng lên đến 150 000m3/ngày). Nếu sử dụng Johkasou để xử lý nước thải ngay từ các gia đình, từ khu vực cư trú chúng ta có thể cấp cho sông Tô Lịch một lượng nước trên gấp đôi như thế, nhiều báo cáo của các cơ quan quản lý môi trường cho biết: Khu vực nội thành Hà Nội một ngày có tới trên 500 000m3 nước thải sinh hoạt, trong khối lượng nước thải này phần lớn đã ngấm xuống đất qua các lòng sông, lòng hồ, qua các điểm cống gãy vỡ, phần còn lại chảy theo sông Tô Lịch hoặc các đường cống về khu Yên Sở, tại đây sau khi xử lý được bơm ra sông Hồng hoặc các vùng thấp hơn” – Ông Đỗ Tất Việt nhận định.

Tiến sỹ Trần Nhơn, Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Thủy lợi cũng cho rằng: Vấn đề mấu chốt là phải trả lời câu hỏi nước bẩn do đâu rồi giải quyết khâu đó. Cách bổ trợ nước sông Hồng thay thế chẳng khác nào đẩy ô nhiễm cho người khác vì đương nhiên phần hạ du sông Tô lịch sẽ phải hứng chịu số nước ô nhiễm này. . . Chưa nên đặt vấn đề sử dụng nước bổ trợ thay thế mà phải thực hiện xử lý ô nhiễm ngay từ các gia đình, từng khu vực cư trú trước khi đổ vào hệ thống. Sông Tô Lịch ô nhiễm do nhiều nguồn khác nhau. Vấn đề này phải được nghiên cứu toàn diện để làm từ gốc chứ không nên thực hiên theo đề án trên”.

Như vậy, thực hiện việc xã hội hoá Johkasou ở Viêt Nam có tính khả thi rất cao và đây là giải pháp tốt nhất để cải tạo môi trường nước ở Việt Nam trong hiện tại và lâu dài, góp phần tiết kiệm các chi phí đầu tư của chính phủ. Xã hội hoá Johkasou là biện pháp tích cực để xã hội hoá nguồn vốn bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần tích cực vào việc nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường của công đồng.

Tuy nhiên để làm được việc này thì sự nỗ lực của các doanh nghiệp không đủ để thực hiện mà cần sự quan tâm đồng bộ của các Bộ, các ngành, các cơ quan liên quan và đặc biệt cần có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực