Bào chế thuốc nano, chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Thứ hai, 06/04/2020 15:16
(ĐCSVN) - Là 01 trong 08 công trình vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ đề cử tặng Giải Tạ Quang Bửu năm 2020, công trình nghiên cứu “Bào chế và đánh giá hệ phân phối thuốc nano tự nhũ hóa siêu bão hòa chứa silymarin” của TS. Nguyễn Thạch Tùng, Trường đại học Dược Hà Nội là công trình phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.
TS Nguyễn Thạch Tùng (ở giữa, áo trắng) và các cộng sự. (Ảnh: TL) 

Chia sẻ về thành công này, TS Nguyễn Thạch Tùng cho biết, Việt Nam là quốc gia đa dạng sinh học cao, với nhiều nhóm dược liệu quý có tác dụng dược lý tốt. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dược liệu ngày càng tăng cao. Thông thường tiêu chuẩn quan trọng nhất chính là hàm lượng hoạt chất toàn phần. Tuy nhiên, ngay cả khi hàm lượng dược chất có thể đạt thì việc phát sinh khả dụng và tác dụng dược lý của các thuốc này vẫn là một thách thức.

Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu nhằm cải thiện việc sinh khả dụng cho các thuốc có bản chất hóa dược. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhằm cải thiện sinh khả dụng và tác dụng dược lý cho thuốc dược liệu còn chưa được chú trọng, đặc biệt trên các thuốc dược liệu của Việt Nam.

Bởi vậy, TS. Nguyễn Thạch Tùng và cộng sự đã chọn đề tài nghiên cứu trên, đặc biệt chọn chất silymarin (chất chống oxy hóa có thể vô hiệu hóa gốc tự do gây hại) làm chất mô hình nghiên cứu. Vì đây là hoạt chất được sử dụng với tần số rất lớn ở Việt Nam với chỉ định chính là bảo vệ gan, chống oxy hóa, chống ung thư và bảo vệ tim mạch.

Bắt tay vào thực hiện công trình từ năm 2015-2019,  TS. Nguyễn Thạch Tùng và nhóm nghiên cứu đã định hướng đề tài nhằm giải quyết mục tiêu lớn là ứng dụng công nghệ bào chế tiên tiến trên vào việc phát triển một sản phẩm thực tế chứa silymarin tại Việt Nam, giúp mang lại hiệu quả điều trị bệnh vượt trội với chi phí hợp lý.

Để giải quyết mục tiêu nói trên, nhóm đã đi sâu tìm hiểu một giải pháp bào chế tiên tiến được quan tâm nghiên cứu gần đây là hệ nano tự nhũ hóa (self-nanoemulsifying drug delivery systems, SNEDDS). Ưu thế nổi trội của công nghệ nano mang thuốc so với hệ mang thuốc truyền thống nằm ở kích thước nhỏ và diện tích bề mặt tiếp xúc với biểu mô đường tiêu hóa lớn sẽ giúp hệ nano tự nhũ hóa có khả năng cải thiện hiệu quả tính thấm, độ hòa tan của dược chất.

“Bài toán đặt ra với nhóm nghiên cứu là làm sao có thể đưa ra một giải pháp bào chế hiệu quả vừa đáp ứng được yêu cầu về tính mới trong học thuật lại vừa có thể linh hoạt điều chỉnh để áp dụng thành công vào thực tế sản xuất thuốc tại Việt Nam”, TS Tùng chia sẻ.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, những kết quả đạt được từ nghiên cứu cơ bản này của TS Tùng và cộng sự đã mang lại triển vọng phát triển một sản phẩm mới giúp tăng cường hiệu quả của chất silymarin trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Giải pháp thu được cũng là tiền đề để mở ra thêm một phương án tiếp cận mới nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh từ các dược chất có sinh khả dụng thấp như các thuốc kháng virus, kháng nấm.

Để ứng dụng vào thực tế sản xuất, ngay từ đầu nhóm nghiên cứu đã hướng tới thiết kế viên nang mềm chứa hệ nano tự nhũ hóa có các đặc điểm như:  Công thức bào chế và nguyên vật liệu sản xuất hợp lý; quy trình bào chế đơn giản, dễ nâng cấp; khả thi để đăng ký thành sản phẩm thuốc.

Bằng việc chuyển giao thành công kỹ thuật bào chế này cho một công ty Dược phẩm uy tín trong nước, công trình của TS Tùng và cộng sự đã góp phần đem ứng dụng khoa học công nghệ cao vào phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Đây sẽ là tiền đề cho các hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm gắn kết học thuật – thực tiễn hướng tới cộng đồng./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực