Khó có vắc xin phòng bệnh Covid-19 trong vòng mấy tháng

Thứ tư, 18/03/2020 11:06
(ĐCSVN) - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đăng Hiền- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế Polyvac tại buổi làm việc giữa các chuyên gia, nhà khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức.
 
 Ảnh minh họa. (Nguồn: TL)

Nhấn mạnh vắc xin là phương tiện hữu hiệu nhất để phòng dịch, TS Nguyễn Đăng Hiền khẳng định, nghiên cứu vắc xin phòng dịch Covid- 19 đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài. "Trước tiên phải nghiên cứu quy trình làm ra được vắc xin. Để chứng minh được rằng vắc xin đó có khả năng bảo vệ được hay không thì cần tiến hành trên động vật, trên người. Tiếp đó, khi đã làm chủ công nghệ - chứng minh được vắc xin có khả năng bảo vệ được con người thì quá trình tiếp theo phải có nhà xưởng, trang thiết bị để sản xuất đại trà, rồi vấn đề cấp phép, lưu hành… nên không thể hy vọng trong vòng 1 năm, 2 năm, hay như trong vòng mấy tháng có vắc xin đưa ra phòng bệnh đại trà cho người dân được", TS Nguyễn Đăng Hiền cho biết.

TS Nguyễn Đăng Hiền cũng cung cấp thêm thông tin, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện nay trên thế giới mới có khoảng 35 công ty, doanh nghiệp dược đang phát triển vắc xin phòng bệnh Covid-19.

Có những công ty đã đi được hết giai đoạn 1- như Mỹ (vừa thử nghiệm trên động vật, vừa thử nghiệm trên người), có những đơn vị đang thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm…

Lý giải nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp này lại đi nhanh được như vậy, TS Nguyễn Đăng Hiền cho biết, có nhiều công ty đã có kinh nghiệm từ những đợt dịch trước như SARS- họ cũng đã bắt tay vào nghiên cứu, và trên cơ sở công nghệ đó thì phát triển vắc xin phòng SARS-CoV-2.

Trả lời cho câu hỏi: Việt Nam đang ở đâu trong chặng đường nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19, TS Đỗ Tuấn Đạt- Chủ tịch HĐTV  Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 Vabiotech thông tin thêm: Chúng ta có làm hay không hay làm thế nào, thì quan điểm vẫn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Tất cả các công nghệ phải có nền tảng và phải chuẩn bị. Riêng tại Việt Nam, sau khi Viện vệ sinh dịch tễ trung ương phân lập được vi rút SARS-CoV-2, cả Polyvac và Vabiotech đã phối hợp với Viện và các đơn vị liên quan khác để bắt tay nghiên cứu vắc xin và hiện cũng đã có những kết quả bước đầu.

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học cũng cho rằng, sau khi phát triển thành công các bộ Kit test xét nghiệm Covid-19, các nhà khoa học cần có hướng nghiên cứu lâu dài để đối phó với dịch bệnh này.

Theo GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, giải pháp về lâu về dài là Việt Nam phải nghiên cứu phát triển vắc xin để phòng, chống dịch bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học Đức đang có những bước tiến xa nhất trong việc điều chế vắc xin phòng, chống Covid-19. Tuy vậy, do còn phải thử nghiệm trên động vật, trên người sau đó trải qua quá trình cấp phép, phải mất ít nhất 16-18 tháng nữa những liều vắc xin đầu tiên mới có thể xuất hiện.

Chia sẻ thêm, GS Nguyễn Văn Kính cho biết, một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Vũ Hán đã lấy huyết thanh của những người mắc Covid-19 truyền lại cho các bệnh nhân nguy kịch. Kết quả cho thấy tỷ lệ khỏi bệnh là 10%, thấp hơn nhiều nếu so với tỷ lệ cứu sống 60% của Ebola cũng với phương pháp tương tự. Điều này cho thấy tỷ lệ kháng thể trong máu người bệnh rất thấp, không đủ để trung hoà được virus.

Do đó, GS Nguyễn Văn Kính đề xuất việc tinh chế gamma probolin ở những người từng mắc Covid19 hoặc tiêm kháng thể trên các động vật lớn để có được lượng huyết thanh nhiều hơn, từ đó tạo ra kháng thể và dùng nó để điều trị cho những ca bệnh nặng.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực