Văn Lâm: Ẩn hoạ tai nạn giao thông đường sắt

Thứ sáu, 02/04/2010 14:50

(ĐCSVN )- “Đường sắt là đường dành riêng cho tàu hỏa. Thế nhưng dường như nó đang bị chia sẻ quá nhiều, thậm chí là bị cắt vụn bởi những đường ngang dân sinh. Việc quy hoạch dân cư còn nhiều bất cập và cả sự thờ ơ của con người, phương tiện trên đường bộ đã và đang khiến tai nạn tàu hỏa vẫn là một hiểm họa khôn lường”. Trung tá Đỗ Việt Hùng, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết như vậy.

Mặc dù những năm qua ngành chức năng có nhiều biện pháp tích cực, song tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn huyện Văn Lâm vẫn luôn có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng người điều khiển phương tiện đường bộ cố tình không chấp hành nghiêm luật ATGT đường sắt, vượt qua đường sắt tại các đường ngang gây TNGT nghiêm trọng. Theo thống kê của Công an huyện Văn Lâm, trong năm 2009, trên địa bàn huyện đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 6 người. Từ đầu năm 2010 đến hết tháng 3, số vụ tai nạn đường sắt là 2 vụ, làm 2 người chết và 1 người bị thương. Điển hình vào hồi 6h30 ngày 16.2, anh Trương Huy Hiền, sinh năm 1954 ở Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều khiển xe ôtô mang BKS 30V-0708, trên xe có anh Nguyễn Ngọc Thắng, sinh năm 1959 và chị Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1952 cùng ở Hà Nội, tham gia giao thông trên đường 196 theo hướng thị trấn Như Quỳnh - Lương Tài. Khi đi đến đoạn đường rẽ vào xã Đình Dù, anh Hiền đã cho xe ôtô vượt qua đường ngang dân sinh không có rào chắn trên tuyến đường sắt Hà - Hải. Bất ngờ bị đoàn tàu mang số hiệu HP1 chạy theo hướng Hà Nội - Hải Phòng đâm vào, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hậu quả: anh Nguyễn Ngọc Thắng và chị Nguyễn Thị Nga chết trên đường đi cấp cứu, anh Trương Huy Hiền bị thương, xe ôtô bị hư hỏng nặng. Tiếp đó, sau vụ tai nạn trên 3 ngày, cũng tại đây một vụ tai nạn giao thông đường sắt khác đã xảy ra. Rất may vụ tai nạn đã không gây thiệt hại về người nhưng chiếc ôtô thì...biến thành một đống sắt vụn. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn trên là do người điều khiển phương tiện khi đi qua đường sắt không chú ý quan sát hoặc tầm nhìn bị che khuất, không làm chủ được phương tiện khi có tàu đến. Tuy nhiên, nguyên nhân gián tiếp dẫn đến TNGT là do tình trạng người dân vi phạm hành lang ATGT đường sắt, tự mở đường ngang dân sinh trái phép. TNGT đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao nếu như người tham gia giao thông không tự nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.

Huyện Văn Lâm là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có gần 20km đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua với 76 đường ngang dân sinh, trong đó 6 điểm có rào chắn. Trong những năm qua, Công an huyện Văn Lâm đã đặt ra kế hoạch khảo sát, đề xuất biện pháp quản lý, khắc phục các điểm đen tai nạn giao thông nói chung, trong đó có đường sắt. Tuy vậy, có 2 điểm rất đáng chú ý đã từng gây nhiều tai nạn, cơ quan Công an huyện đã nhiều lần đề xuất giải quyết nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là Km17+570 thuộc khu phố mới thị trấn Như Quỳnh, nơi có 24 đường ngang dân sinh qua đường sắt và đoạn đường sắt gần với Trường Cao đẳng Tài chính quản trị kinh doanh. Tại khu vực phố mới (Thị trấn Như Quỳnh), nhiều năm qua hàng chục hộ kinh doanh nilon, vải nhựa chất đầy hàng, xâm lấn hành lang an toàn đường sắt, tạo thành lũy ngay cạnh đường tàu hết sức nguy hiểm. Người điều khiển phương tiện khi qua đây thường chỉ quan tâm tới giao thông tại các ngã tư trên quốc lộ 5, ít chú ý tới tàu hỏa. Đoạn này đường sắt chạy song song với quốc Lộ 5 nên rất ồn, khó phân biệt còi tàu với còi của các loại phương tiện giao thông khác để điều chỉnh phương tiện. Trong khi đó, trên toàn tuyến rất nhiều điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh với đường sắt không có đèn tín hiệu tự động. Khắc phục tình trạng trên, Công an huyện Văn Lâm phối hợp với Công an thị trấn Như Quỳnh đã cắt cử CBCS thường trực cảnh giới để hạn chế tai nạn. Nhưng ai cũng biết, biện pháp này chỉ là tình thế chứ không thể bảo đảm ATGT lâu dài. Còn tại địa bàn xã Tân Quang, số lượng người dân tham gia giao thông qua đoạn đường sắt từ Km19+350 đến Km 19+500 lúc nào cũng đông đúc. Nguyên do là tại đây có Trường Cao đẳng Tài chính quản trị kinh doanh (cơ sở 2) với hàng nghìn sinh viên, cùng với đó là các hàng, quán “ăn theo” để phục vụ nhu cầu của sinh viên. Các hàng quán đó tiếp giáp với đường sắt nhưng không có một phương án phòng ngừa tai nạn nào đặt ra. Việc xây dựng hệ thống đường gom, rào chắn bảo vệ… vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên nguy cơ mất an toàn cho người dân sống dọc hai bên đường sắt cũng như khi tham gia giao thông, nhất là tại các nút giao nhau giữa đường bộ với đường sắt vẫn luôn tiềm ẩn.

Theo Trung tá Đỗ Việt Hùng, Đội trưởng đội CSGT, Công an huyện Văn Lâm thì nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT là do ý thức của người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát khi đi qua đường sắt. Một phần cũng do ý thức chủ quan của các lái tàu cho rằng đường sắt là đường độc đạo, được quyền ưu tiên nên chưa thực hiện đúng chế độ hô- đáp, kéo còi cảnh báo và xử lý khi phát hiện chướng ngại vật trên đường sắt. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do hành lang ATGT đường sắt bị lấn chiếm cũng góp phần làm gia tăng TNGT đường sắt. Trên thực tế, tại một số vị trí thuộc địa bàn xã Tân Quang cũng đã cắm biển báo, tấm lát bê tông phẳng lòng đường sắt cho phương tiện chạy qua dễ dàng. Tuy nhiên, dưới góc độ an toàn, thì địa bàn nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ quá phức tạp khiến người tham gia giao thông khó nhận biết để thực hiện. Bên cạnh đó, một thực tế khác thường xuyên xảy ra đó là tại các đường ngang, kể cả có rào chắn, hiện tượng người dân vượt qua đường sắt khi tàu sắp qua vẫn diễn ra hàng ngày. Mặc dù nhân viên gác cầu đã hạ ba-ri-e song nhiều người dân vẫn len qua những lối đi tự tạo để sang đường. Còn không ít người dân vô tư đi dạo, ngồi chơi trên đường ray hoặc chăn thả trâu bò dọc hai bên đường sắt, bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập. Tại các điểm có đường ngang dân sinh, mặc dù đã cắm biển báo hạn chế tốc độ nhưng do ý thức người điều khiển phương tiện còn hạn chế, khi không có lực lượng chức năng túc trực là họ không cần tuân thủ quy định về tốc độ khi đi qua các đường ngang giao cắt. Tiếp xúc với nhân viên ngành đường sắt tại trạm chốt thuộc địa bàn xã Lạc Đạo, được biết thời gian qua trạm đã đề nghị với cơ quan chức năng tăng cường lực lượng CSGT vào giờ cao điểm. Bởi vì, các nhân viên ở đây chỉ có thể nhắc nhở những cá nhân vi phạm chứ không thể xử phạt vì thiếu chế tài.

Từ thực trạng trên, để phòng ngừa và hạn chế các vụ TNGT đường sắt qua địa bàn, hàng năm Ban chỉ đạo ATGT tỉnh đều phối hợp với chính quyền các địa phương, nơi có đường sắt đi qua tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, nhất là khi qua đường sắt, đồng thời tổ chức giải toả các công trình vi phạm hàng lang ATGT đường sắt, nhưng chỉ một thời gian ngắn "đâu lại vào đấy"… Vì vậy, để bảo đảm ATGT đường sắt, Công an huyện Văn Lâm cần thường xuyên phối hợp với ngành đường sắt hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các nội quy, quy chế về bảo đảm ATGT đường sắt. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt đi đôi với đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ đường sắt; xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt, các vi phạm về đường ngang. Bên cạnh đó, ngành đường sắt khẩn trương xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào chắn để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân... Thiết nghĩ, đây là những biện pháp cấp bách cần phải làm để góp phần kiềm chế tai nạn giao thông theo Nghị quyết của Chính phủ, mà trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các địa phương cùng với ngành đường sắt. Tại những điểm giao cắt, ngành chức năng nên bố trí hợp lý lối sang đường dành cho các phương tiện và sớm có những chế tài cụ thể trong việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực