Hà Nội: Chào năm học mới 2020-2021

Thứ bảy, 05/09/2020 18:34
(ĐCSVN) – Sáng 5/9, khoảng 2,1 triệu học sinh Thủ đô đến trường bước vào năm học mới 2020 - 2021. Tiết trời thu Hà Nội nắng đẹp, mát mẻ thuận lợi giúp ngày khai trường thêm vui tươi, ý nghĩa.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, lễ khai giảng năm học 2020-2021 tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hình thức trực tiếp. Tùy theo điều kiện thực tế, nhà trường bố trí số lượng học sinh tham dự khai giảng tập trung phù hợp, bảo đảm giãn cách theo quy định, chú trọng nội dung đón học sinh đầu cấp. Các đơn vị, trường học có diện tích nhỏ, hẹp tổ chức tập trung khai giảng cho học sinh đầu cấp và đại diện học sinh các khối lớp khác. Số học sinh còn lại bố trí dự khai giảng trong lớp học.

 Từ sáng mới ngày 5/9, trên các ngả đường Thủ đô là hình ảnh những em học sinh nhỏ mặc trên mình bộ quần áo đồng phục mới, đeo khăn đỏ rạng rỡ đến trường.
Để đảm bảo tốt nhất sức khỏe các em học sinh ngày khai giảng, thầy cô giáo và Ban Giám hiệu nhà trường chấp hành nghiêm những quy định, hướng dẫn liên ngành về việc phòng, chống dịch COVID-19 năm học 2020 – 2021. 
 Các cô giáo trường tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ân cần chăm sóc sức khỏe các em học sinh ngày khai trường.
 Với phương châm "học sinh là trung tâm” nên phần "lễ” ở các trường diễn ra ngắn gọn, ý nghĩa.
 Ngày khai giảng mang đến niềm vui, sự háo hức cho các em học sinh và các thầy cô trong năm học mới.
 Học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm - Hà Nội).
 .
 Các em học sinh trường tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Các bậc phụ huynh đưa đón học sinh tới trường tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Chị Lê Thị Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Năm nay con trai tôi vào lớp 1. Là một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời con nên tôi thu xếp mọi công việc để đưa cháu đi khai giảng. Được mặc quần áo đồng phục, tay vẫy cờ tổ quốc cháu rất vui. Dù cháu chưa hiểu hết ý nghĩa của lễ khai trường nhưng gia đình muốn cháu có kỷ niệm thật đẹp trong ngày này và có tinh thần thật tốt để bước vào năm học mới. Phụ huynh chúng tôi rất yên tâm với việc tổ chức lễ khai giảng trang trọng và ngắn gọn, an toàn như vậy.

 Mùa thu - mùa khai trường, mùa dệt nên những ước mơ, khát vọng sẽ mãi lưu giữ những xúc cảm tốt đẹp không phai với mỗi người.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, thầy cô giáo và Ban Giám hiệu các trường đều dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh trong lễ khai giảng như trang bị khẩu trang, nước sát trùng để học sinh phòng chống dịch, Công tác phân luồng, đảm bảo ATGT được quan tâm thực hiện. Các trường bố trí lực lượng công an, dân phòng tham gia bảo vệ cho đại biểu, phụ huynh cũng như đảm bảo ANTT cho lễ khai giảng. Đến khoảng 10h ngày 5/9, lễ khai giảng tại các trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã diễn ra trang trọng, ngắn gọn, an toàn và thành công tốt đẹp.

Ngay trước thềm năm học mới, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Chỉ thị nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021, chỉ thị toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu:

-    Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước.

-    Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

-    Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

-    Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

-    Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GDĐT;

-    Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục.

-    Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT.

-    Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT.

-    Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

5 nhóm giải pháp cơ bản:

-    Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD-ĐT.

-    Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT.

-    Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT.

-    Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.

-    Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT.

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực