Tiếp nối mạch nguồn mỹ thuật truyền thống

Thứ năm, 12/03/2020 10:40
ĐCSVN) – Bước vào thời kỳ cận đại, nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam chuyển biến toàn diện trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Trong quá trình hội nhập, nền mỹ thuật Việt Nam có sự giao thoa với các nền văn hóa mới, nhưng xuyên suốt trong các tác phẩm mỹ thuật từ truyền thống đến hiện đại là sự bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc.

Việt Nam đầu thế kỷ XX đã xuất hiện những tranh sơn dầu của họa sỹ Lê Huy Miến, họa sỹ Thang Trần Phềnh, đến năm 1925, trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời đã tiếp thu kiến thức mỹ thuật phương Tây, từ luật xa gần đến giải phẫu tạo hình, từ bố cục đến chất liệu sơn dầu... hoàn toàn khác với phương pháp ước lệ không gian và thời gian của hội họa phương Đông. Tranh giá vẽ và điêu khắc lần lượt xuất hiện với vị thế mới, chững chạc. Đó là bước ngoặt lớn trên bình diện mỹ thuật Việt Nam, một mốc quan trọng đánh dấu loại hình tác phẩm mới.

Bằng tài năng và sự nỗ lực sáng tạo, nhiều họa sỹ mới giai đoạn này đã khai thác, khám phá các khả năng lớn của chất liệu sơn mài, vẽ lụa hồ, tranh khắc gỗ để thể hiện các tác phẩm mỹ thuật mang bản sắc Việt Nam. Những năm 1930-1945, các nhà mỹ thuật Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung... bằng tài năng, nhân cách của người họa sỹ cùng các thế hệ họa sỹ đã tạo nên diện mạo nền mỹ thuật Việt Nam sinh động, đậm đà bản sắc, hiện đại với những phong cách sáng tác nghệ thuật độc đáo của từng tác giả.

 Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” vẽ năm 1944, của họa sỹ Tô Ngọc Vân, phản ánh sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây hòa quyện tinh thần phương Đông. Ba nhân vật trong tác phẩm được bố cục dạng tam giác trong khung hình dọc, lối bố cục cổ điển của nghệ thuật hội họa phương Tây. Tuy nhiên, trong không gian êm đềm với chiếc chõng tre, mành tre và cây phù dung hoa trắng, cùng trang phục áo dài truyền thống trang nhã của các nhân vật nữ lại thể hiện đậm nét hình ảnh Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Bức tranh "Thiếu nữ trong vườn" của họa sỹ Nguyễn Gia Trí, sáng tác năm 1939 toát lên không khí lễ hội vừa có nét lãng mạn trữ tình đặc trưng phương Đông. Tác phẩm thể hiện được sự tìm tòi của tác giả, góp phần vào việc phát triển chất liệu sơn mài từ mỹ nghệ truyền thống trở thành chất liệu hội họa, đáp ứng yêu cầu tạo hình của hội họa hiện đại. 
 Tác phẩm “Em Thúy” sáng tác năm 1943, của họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những tác phẩm hội họa tiêu biểu đại diện cho tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20.

 Từ năm 1945 đến 1954, giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiều họa sĩ đã sáng tác những tác phẩm hội họa đầy tính lạc quan, hình thành nền nghệ thuật cách mạng kháng chiến.

Trong ảnh: Tác phẩm Gặp nhau (bột màu), sáng tác năm 1954 của họa sỹ Mai Văn Hiến. 


 Tác phẩm “Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ”, năm 1963 của họa sỹ Nguyễn Sáng.

 Tranh lụa là một thể loại tranh ghi đậm bản sắc riêng Việt Nam, loại hình nghệ thuật Á Đông thuần khiết đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc.

Trong ảnh: Tác phẩm Bát nước giải lao (vẽ lụa) của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh sáng tác năm 1967.

Tác phẩm “Bốn cô thiếu nữ”, tác giả Nguyễn Tiến Chung.


 Sau năm 1954, từ những cảm xúc chân thành với đất nước và con người trong chiến tranh và trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới,  đặc biệt tác phẩm những năm 1980 có ngôn ngữ thể hiện tượng trưng, màu sắc nghiêng về hướng biểu hiện, tươi sáng.

Trong ảnh: Tác phẩm “Bên bờ giếng” của họa sỹ Lương Xuân Nhị, sáng tác năm 1984.


Tác phẩm “Đan len” của họa sỹ Trần Văn Cẩn, sáng tác năm 1959 (chất liệu sơn mài). 

Những năm 1990 cho thấy bước ngoặt trong khuynh hướng sáng tác nghệ thuật hiện đại: hiện thực, ấn tượng, biểu hiện, trừu tượng, siêu thực...

Trong ảnh: Tác phẩm Gióng, chất liệu sơn mài, sáng tác năm 1990 của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. 

Nghệ thuật điêu khắc gỗ hiện đại ghi lại các dấu ấn quan trọng ở mỗi thời kỳ phát triển của mỹ thuật, thể hiện cái đẹp tinh tế không quá nệ thực, tạo ra tính chân thực trong mỗi tác phẩm. Ảnh: Tác phẩm “Nghệ nhân Hàng Trống, Hà Nội” chất liệu in khắc gỗ của họa sỹ Trần Nguyên Đán, sáng tác năm 1976. 

Không chỉ thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc trong quá trình giao thoa với các nền văn hóa mới, nhiều tác phẩm hội họa tiêu biểu khác của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam của các họa sĩ nổi tiếng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái… chính là miền ký ức của thời gian, của không gian đầy ắp sự thư thái, hình ảnh của đất nước, con người và tâm hồn Việt Nam. Điều đó cùng góp phần vào việc khẳng định bản sắc dân tộc, nối dài những mạch nguồn văn hóa truyền thống trong sự phát triển của Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.

Thế Dương (Nguồn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực