Bài 4: Cần dẹp bỏ hoạt động của những bãi than "lậu"!

Thứ tư, 06/07/2016 15:10
(ĐCSVN) - Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng gia tăng xe quá khổ, quá tải là việc tồn tại của các bãi than không được cấp phép tại thị trấn Phú Thứ. Đây là tác nhân chính dẫn đến những hiện tượng vi phạm an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường và tạo nên sự bức xúc đối với người dân trên địa bàn.

Bài 1: Vì đâu phụ huynh của hơn 2.500 học sinh kêu cứu?

Bài 2: Cần làm rõ hành vi xả khí thải gây ô nhiễm môi trường ở Thị trấn Phú Thứ, Hải Dương

Bài 3: Người dân Thị trấn Phú Thứ, Hải Dương sống chung với “tử thần”


Đường vào một bãi than không phép ở Thị trấn Phú Thứ
Từng đoàn xe tải hạng nặng đỗ trước các bãi than chờ để vận chuyển hàng.

 

Số bãi than được cấp phép chỉ chiếm chưa đến 10%

Có một thực tế từ lâu nay vẫn được mặc nhiên thừa nhận ở thị trấn Phú Thứ (huyện Kinh Môn), mặc dù không hề có các vị trí khai thác than, nhưng lại là địa bàn tập trung rất nhiều các điểm tập kết than, các bãi than. Theo tìm hiểu, tình trạng này đã tồn tại khá lâu, nhất là từ khi chính quyền tỉnh Quảng Ninh kiên quyết xóa sổ các bãi than lậu, các điểm khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh trái phép than thì số lượng bãi than ở thị trấn Phú Thứ lại càng có chiều hướng tăng lên.

Điểm chung của các bãi than gồm cả bãi được cấp phép cũng như những bãi than "lậu" là chúng đều nằm ở sát bờ sông Kinh Thầy, sông Hàn Mấu và có vị trí khá biệt lập, kín đáo. Trong số đó, những bãi than lậu đều được quây kín xung quanh bởi những tấm tôn cao quá đầu người và hoàn toàn không có biển bảng. Hoạt động chủ yếu của các bãi than "lậu", không được cấp phép là thu mua các loại than với nhiều chủng loại, nguồn gốc, chất lượng khác nhau từ Quảng Ninh về; sau khi nghiền nhỏ, trộn lẫn các loại than này với nhau thì một phần “than thành phẩm” sẽ theo các xe chuyến xe tải để cung cấp cho các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn; phần lớn còn lại là để phục vụ cho các tỉnh, thành phố khác.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi được chế biến xong, đa phần số than tại các bãi than ở Phú Thứ đều được đưa xuống các tàu thủy có tải trọng lớn để vận chuyển theo đường thủy đến các địa phương như: Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng…

Những chiếc xe quá tải, lấn chiếm phần đường
 hoạt động thường xuyên trên địa bàn thị trấn Phú Thứ 


Tại Phú Thứ từ lâu, khói bui đã trở thành  “nỗi khổ”, đang từng ngày từng giờ hành hạ người dân. Cùng với khói bụi của các nhà máy xi măng, nhà máy luyện kim thì khói bụi đi liền với những chuyến xe chở than cũng luôn ám ảnh người dân nơi đây. Với mỗi chuyến xe chở than chạy qua là những đám bụi than bay mịt mù, tạt thẳng vào mặt, xộc vào miệng, vào mũi của người đi đường. Đặc biệt, mỗi khi đêm xuống, từng đoàn xe tải chở than lại nối đuôi nhau chạy “rầm rập” vào ra các bãi chứa than. Theo quan sát của chúng tôi, càng khuya thì lưu lượng các xe chở than lại càng tăng lên. Những chiếc xe chở than quá khổ, quá tải với tải trọng 40 - 45 tấn không chỉ góp phần “phá nát” tuyến tỉnh lộ 388 chạy qua thị trấn Phú Thứ mà còn ẩn chưa những nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.

Theo thống kê, hàng năm trên địa bàn thị trấn Phú Thứ đều xảy ra các vụ tai nạn giao thông, va chạm giao thông liên quan đến những chiếc xe quá khổ, quá tải chở than chạy qua địa bàn. Chí tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, ở Phú Thứ đã xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông, 05 vụ va chạm giao thông làm chết 02 người; bị thương 07 người.

Bác sỹ Phạm Thị Thủy - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Phú Thứ cho biết, tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp qua các năm liên tục tăng lên: Năm 2013 là 2.537 người; năm 2014 là 2.942 người; năm 2015 là 3.954 người/gần 12.000 dân, chiếm hơn 30% dân số trên địa bàn”. Chứng bệnh mà người dân nơi đây thường xuyên mắc phải như: Viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, hen, phổi tắc nghẽn mãn tính…


Chiếc xe công-ten-nơ đang được bốc than lên thùng xe.

Trao đổi về thực trạng và hệ lụy của các bãi than trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch UBND và ông Trương Văn Hơn - Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ đều khẳng định: “Hiện nay, tổng số bãi than đang hoạt động tại Phú Thứ là 11 bãi, tuy nhiên, chỉ có bãi than của Công ty Hoàng Oanh là bãi than duy nhất được cấp phép trên địa bàn, có thời gian thuê mặt bằng là 25 năm. Số bãi than lậu còn lại chủ yếu do các doanh nghiệp, hộ cá thể mua gom đất bãi của người dân đấu thầu (thời gian 05 năm, giá đấu thầu là 15 kg thóc/sào/năm), sau đó tự ý san lấp thành bãi phẳng rồi cho doanh nghiệp kinh doanh than ở nơi khác thuê lại mặt bằng, hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, chính quyền xã không được giao thẩm quyền xử lý bãi than trái phép nên đã tổng hợp tình hình và báo cáo lên trên xem xét, giải quyết. Như vậy, có chưa đến 10% số bãi than là được cấp phép; số còn lại là bãi than lậu, không được cấp phép lên tới trên 90%".

 Dư luận đã và đang đặt câu hỏi: Tại sao những bãi than lậu lại có thể tồn tại trong suốt thời gian dài bất chấp những bức xúc của người dân Thị trấn Phú Thứ?

Cần kịp thời xử lý, chấm dứt hoạt động của các bãi than lậu

Theo phản ánh của nhiều người dân thị trấn Phú Thứ, sau khi người dân đồng loạt có ý kiến, chính quyền các cấp đã có những biện pháp xử lý ở các mức độ khác nhau. Hoạt động của các bãi than "lậu" có lắng xuống đôi chút nhưng đến nay, tình trạng vận chuyển, tập kết than vẫn tiếp diễn, thậm chí còn có biểu hiện tinh vi hơn trước.

Được biết, cuối năm 2015, Sở Công thương tỉnh Hải Dương đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh than ở huyện Kinh Môn nói chung và thị trấn Phú Thứ nói riêng. Qua kiểm tra, nhiều cơ sở không cung cấp được hợp đồng mua bán chứng minh nguồn gốc than; văn bản chứng minh quyền sử dụng kho bãi, mặt bằng… Đa số các cơ sở đều “thiếu” văn bản cam kết bảo vệ môi trường; các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm theo quy định…

Thực tế tồn tại của các bãi than không phép ở Thị trấn Phú Thứ thời gian qua cho thấy, các bãi than này không chỉ vi phạm kinh doanh than (loại hình kinh doanh có điều kiện) mà còn vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường…; đồng thời, còn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “lộng hành” của xe quá khổ, quá tải; làm cho môi trường sống ở Phú Thứ vốn đã bị ô nhiễm lại càng trở lên ngột ngạt, khó chịu.

Ông Nguyễn Văn Đồi, một người dân ở Khu dân cư số 2, thị trấn Phú Thứ cho biết: Cứ khi nào chính quyền vào cuộc quyết liệt, tổ chức kiểm tra sát sao thì “nạn” than "lậu" tạm lắng xuống chút ít, nhưng sau đó, thì đâu lại vào đấy, các bãi than lậu lại tiếp tục hoạt động nhộn nhịp như chưa có việc gì xảy ra. Người dân sau khi kêu cứu với chính quyền thì chẳng biết làm gì ngoài việc chờ đợi và hy vọng(?!).

Vẫn biết, với những địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp như thị trấn Phú Thứ và huyện Kinh Môn, các bãi than cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các bãi than "lậu" hoạt động tại đây đang gây rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trực tiếp đe dọa đời sống và sinh hoạt của người dân, gây bức xúc lớn trong dư luận; sự tồn tại của chúng là lợi bất cập hại.Thế nhưng, trong một thời gian dài, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có động thái nghiêm túc, quyết liệt để xử lý.

Trước thực trạng trên, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của huyện Kinh Môn và tỉnh Hải Dương cần sớm vào cuộc và kiên quyết xử lý để chấm dứt tình trạng hoạt động của các bãi than lậu trên địa bàn, lập lại trật tự an toàn xã hội và trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những bất cập tồn tại ở  thị trấn Phú Thứ và huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương./.


Nhóm PV thực hiện

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực