|
Ảnh minh họa. Ảnh CTV |
Trả lời:
Thời điểm hiện tại số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng cao, tuy nhiên đại đa số người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường nên khi mắc COVID-19 các triệu chứng của người bệnh cũng nhẹ hơn rất nhiều. Người dân giờ đã không còn xa lạ gì với việc tự test nhanh tại nhà để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình và gia đình. Nhưng có lẽ không phải ai khi sử dụng test nhanh cũng quan tâm đến điều kiện lưu giữ que test nhanh hay việc sử dụng test nhanh thế nào để cho kết quả chính xác. Dưới đây là một số các lưu ý mà người sử dụng test nhanh nên lưu tâm.
Đối với các que test nhanh, việc lưu giữ ở nhiệt độ thích hợp hay kiểm tra thời hạn của que test hoặc thời điểm dùng que test cũng là vấn đề cần phải chú ý.
Theo đó, nhà sản xuất cũng khuyến cáo rằng bộ dụng cụ test nhanh nên được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-30ºC, tránh ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ cao có thể dẫn đến protein trong các thử nghiệm bị biến tính - những thay đổi vĩnh viễn đối với cấu trúc protein. Việc bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh cũng sẽ làm hỏng các thành phần của nó. Do đó, trước khi sử dụng nên đưa bộ test ra để tại nhiệt độ phòng từ 15-30ºC trong khoảng 30 phút.
Trước khi sử dụng bộ test, người dùng cũng cần kiểm tra hạn sử dụng tránh trường hợp hết hạn có thể chứa các chất thử sinh học hoặc hóa học đã hết tác dụng hoặc bị biến tính. Đồng thời chỉ tiến hành mở khay thử khỏi túi đựng khi sẵn sàng bắt đầu thực hiện xét nghiệm. Khay test có thể cho kết quả dương tính giả nếu mở khay thử sớm mà chưa sử dụng.
Sau khi đã lựa chọn các que test thích hợp người dân cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test tùy nhà sản xuất, bao gồm: Lấy mẫu đúng, thao tác đúng và xử lý rác thải đúng.
Trước khi tiến hành test chúng ta không nên ăn uống, nhai kẹo hay sử dụng thuốc lá… Nếu sử dụng hãy đợi 30 phút trước khi lấy mẫu nước bọt.
Khi lấy cây bông lấy dịch ra khỏi túi bọc cần chú ý chú không chạm vào đầu tăm bông bằng ngón tay của bạn và không để nó tiếp xúc với các bề mặt khác.
Việc tiến hành lấy mẫu cũng hết sức quan trọng. Khi đưa que lấy mẫu vào mũi, bạn có thể thực hiện sai góc hoặc chưa đạt được đúng độ sâu. Vì vậy, thay vì đưa tăm bông đi thẳng lên trên, hãy cố gắng đi theo chiều ngang và nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2-3 cm. Sau đó xoay nhẹ que lấy mẫu vào thành mũi theo đúng số lần mà xét nghiệm của bạn khuyến nghị.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp dễ bị chảy máu mũi không sử dụng xét nghiệm yêu cầu ngoáy mũi thay vào đó, hãy sử dụng xét nghiệm nước bọt. Bởi máu trên que lấy mẫu sẽ cho bạn một kết quả không chính xác.
Số giọt dịch nhỏ vào khay test cũng cần làm theo hướng dẫn của mỗi bộ test để đảm bảo chất lỏng di chuyển trên bề mặt thử nghiệm trong một thời gian cụ thể.
Sau khi đã nhỏ dịch vào khay test cần đọc kết quả tại thời điểm theo như hướng dẫn. Đọc sớm kết quả có khả năng cho bạn kết quả âm tính giả và quá muộn có thể cho bạn kết quả dương tính giả.
Khi hoàn thành quá trình test người dùng cần bịt kín bất kỳ thành phần nào của bộ dụng cụ tiếp xúc với mẫu nước mũi hoặc nước bọt của bạn (tăm bông, hộp đựng, chất thử, thiết bị thử nghiệm,...) trong túi nhựa và vứt vào thùng rác.
Ngoài ra, kết quả test cũng bị ảnh hưởng bởi thời điểm test. Một nghiên cứu (vẫn chưa được các chuyên gia xem xét) cho thấy test nhanh kháng nguyên không thể phát hiện ra SARS-CoV-2 cho đến ít nhất 2 ngày sau khi tiếp xúc. Phải mất trung bình ba ngày mới phát hiện ra kết quả dương tính. Nó cũng không thể phát hiện ra virus khi tiếp xúc đã quá lâu./.