Trước đó, tài khoản facebook có tên "Ho Tap" liên tục đăng tải hình ảnh, clip... về quá trình xây dựng tòa nhà được giới thiệu là "biệt phủ đẹp nhất Cà Mau". Công trình gồm khối nhà chính có diện tích xây dựng 294,79m2, có 3 tầng kết cấu móng bê tông cốt thép, tường xây gạch, sàn bê tông cốt thép (đã hoàn thành khoảng 90%).
Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì xác định công trình nằm trên 2 thửa đất nuôi trồng thủy sản của ông Hồ An T. (trú tại xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau), không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. UBND xã Tân Thành đã đề nghị tạm ngừng thi công, ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Ông Hồ An T. cho biết do thiếu hiểu biết pháp luật nên sẽ chấp hành mọi hình thức xử lý.
|
UBND thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đang khẩn trương trình phương án cưỡng chế "biệt phủ" xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản của ông Hồ An T. (Ảnh: nld.com.vn)
|
Về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013), nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
Có thể hiểu đất nuôi trồng thủy sản bao gồm ao hồ, đầm, sông ngòi, kênh rạch, đất có mặt nước ven biển, bãi bồi ven sông, bãi cát, cồn biển, đất sử dụng cho kinh tế trang trại… Tóm lại, đây là đất có mặt nước nội địa, ký hiệu là NTS trong bản đồ địa chính.
Pháp luật hiện quy định rõ có thể chuyển đổi đất nuôi trồng thủy sản thành đất thổ cư nhưng phải phụ thuộc vào: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Ngoài ra, nếu đất đất nuôi trồng thủy sản không thuộc quy hoạch, chưa có kế hoạch sử dụng đất thổ cư thì chưa đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Luật sư Tuấn chia sẻ, các công trình nếu muốn được xây dựng đều phải xin cấp phép xây dựng bởi cơ quan có thẩm quyền, trừ những trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định không cần xin cấp giấy phép xây dựng.
Theo quy định tại Luật Xây dựng 2020 thì các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn giấy phép xây dựng:
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ đầu tư xây dựng công trình trong trường hợp này được miễn giấy phép xây dựng, nhưng có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
- Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trừ trường hợp được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
- Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ trường hợp được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Theo quy định tại khoản 17 Điều 3 Chương I Luật Xây dựng năm 2014 (Số: 50/2014/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2014), giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Còn theo khoản 10 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (Số: 62/2020/QH14, ngày 17 tháng 6 năm 2020), công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.
Có rất nhiều quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng như Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017/NĐ-CP...
Nếu đã bị cơ quan có thẩm quyền đề nghị cưỡng chế, tháo dỡ thì theo quy định tại Điều 30 Mục 2 Chương I Phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Nếu cố tình xây dựng trái phép thì cương quyết cưỡng chế, phạt thật nặng hoặc xử lý hình sự Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo quy định tại Điều 343 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
“Trước mắt là xử lý dứt điểm công trình sai phạm, sau đó cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong việc quản lý trật tự xây dựng, từ đó có hướng xử lý phù hợp nhằm tăng cường răn đe và ngăn chặn kịp thời những sai phạm lớn tiếp theo”, luật sư Tuấn phân tích.
Thực tế trên cả nước vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, xử lý nửa vời. Vấn đề chính là làm rõ trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã và chính quyền cơ sở.
Không ít chủ đầu tư đã buộc phải tháo dỡ những công trình quy mô xây dựng rộng và giá trị kinh tế lớn thay vì tự nguyện chấp hành quyết định cưỡng chế. Việc cưỡng chế rõ ràng gây thiệt hại đến nhiều phía cả về tiền bạc, công sức, thời gian lẫn uy tín. Tuy nhiên, không thể so sánh được với lợi ích dài lâu cho xã hội, cho cộng đồng.
Hiện mỗi đơn vị hành chính cấp phường, xã có từ 3 - 4 cán bộ trật tự xây dựng cùng một Phó Chủ tịch phụ trách, có lực lượng công an hỗ trợ, nên nếu làm đúng trách nhiệm, xử lý nghiêm túc, khách quan thì hoàn toàn có thể giải quyết các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, cũng như ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm hình thành trong tương lai.
Cá nhân, tổ chức cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản tại Luật Đất đai, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn cũng như quy hoạch của địa phương...
“Vấn đề ở đây là phải tìm cách ngăn chặn ngay từ đầu những sai phạm về xây dựng xảy ra chứ không phải để xảy ra rồi lại tìm cách xử lý, tháo gỡ. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và ý thức chấp hành pháp luật của người dân”, luật sư Tuấn nhấn mạnh/.