Bước đầu Giang khai nhận, khoảng 15h20 ngày 13/8, cháu N.H.Đ. (3 tuổi) sang quán trà sữa của Giang chơi. Tại đây, Giang đã có hành vi bạo hành cháu bé. Chưa dừng lại ở đó, khi thấy nạn nhân nằm bất động, anh ta đã đặt cháu bé vào tủ cấp đông rồi bỏ đi.
Đến 17h00 cùng ngày, chưa thấy con về nên gia đình kiểm tra camera phát hiện vụ việc, lập tức chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu với chẩn đoán suy hô hấp, hạ thân nhiệt, chấn thương vùng đầu, mặt, cổ. Thời điểm cấp cứu, bệnh nhi có công an đi cùng, nghi bị bạo hành.
Hiện sức khoẻ cháu bé đã ổn định, tuy nhiên ăn uống khó và có ảnh hưởng về mặt tâm lý.
|
Đối tượng Nguyễn Trường Giang tại cơ quan công an (Ảnh: Mạnh Dũng) |
UBND xã Nhân Chính cho biết nam nghi phạm tên Giang, sinh năm 1997, quê tại xã Chính Lý và đến xã Nhân Chính để mở quán trà sữa. Sau khi xảy ra vụ việc, đối tượng trốn lên Hà Nội và bị các lực lượng chức năng bắt giữ.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, hành vi của nghi phạm rất nhẫn tâm, tàn ác, đáng lên án, có dấu hiệu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em - đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ nên cần phải xử lý nghiêm minh.
Dù cho có mâu thuẫn hay động cơ mục đích nào, hành vi phạm tội của nghi phạm cũng thuộc trường hợp có dấu hiệu giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.
Cháu bé không tử vong do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng. Bởi vậy, trường hợp hành vi của đối tượng có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố về tội giết người.
Theo luật sư Kỹ, một người bình thường sẽ nhận thức được rằng, nếu một đứa trẻ còn quá nhỏ như vậy vào tủ cấp đông rồi đậy nắp lại trong một khoảng thời gian, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột và duy trì ở nhiệt độ âm như vậy hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của đứa trẻ.
Do vậy, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của thanh niên này, làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Cụ thể, nếu nghi phạm nhận thức được hành vi có thể nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ nhưng vẫn cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đây là hành vi giết người, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội, các em có quyền được sống trong môi trường an toàn, không có các hành vi xâm hại, bóc lột và sao nhãng. Bảo vệ trẻ em là một trong bốn nhóm quyền cơ bản được Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 ghi nhận. Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC.
“Bên cạnh việc các cơ quan chức năng tích cực điều tra, củng cố hồ sơ và sớm đưa đối tượng ra xử lý nghiêm trước pháp luật, các cấp chính quyền địa phương cũng cần động viên, thăm hỏi em bé và gia đình, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giám sát và có những giải pháp phù hợp để bảo vệ trẻ em - tương lai đất nước”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.