Cần xử lý nghiêm hành vi khai tử trái quy định

Thứ ba, 24/05/2022 14:20
(ĐCSVN) - Khi tới trụ sở phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk làm thủ tục khai tử cho cháu N.H.L (SN 2019, con trai của mình), bà T.T.N.P “tự khai” cháu L. mất tại nhà vào lúc 18h30 ngày 4/5 do bệnh viêm phổi và được cấp giấy khai tử vào ngày 11/5.

Đến tối 19/5, bất ngờ bố của cháu L. đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook về việc cháu L. còn sống nhưng bị mẹ khai tử. Sau đó, cơ quan chức năng lập tức vào cuộc xác minh.

Làm việc với cơ quan chức năng, chị P. thừa nhận đã ly hôn nhưng hai bên vẫn thường mâu thuẫn, xích mích nên khai tử con trai để ngăn không cho chồng cũ gặp con.

Ông Nguyễn Ngọc Nha, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An (người trực tiếp ký giấy khai tử) cho biết bà P. đến trụ sở cơ quan khai tử cho con trai, xuất trình các giấy tờ tùy thân liên quan, và cam kết những gì khai là đúng sự thật nên cán bộ tham mưu trình ký đã sơ suất không tiến hành xác minh lại thông tin. Bà P. có hộ khẩu ở phường Tân An nhưng tạm trú tại phường Tân Lợi. Hiện phường đã chỉ đạo thu hồi giấy khai tử không đúng này.

 

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết đây là vụ việc khá hy hữu. Dù động cơ thực hiện là để ngăn chồng cũ không gặp con (theo lời khai của bà P.) hay vì nguyên nhân nào khác, hành động này thể hiện sự ích kỷ, đáng lên án và rõ ràng vi phạm pháp luật.

Khai tử, theo quy định hiện hành, là thủ tục hành chính phải thực hiện khi một người qua đời và phải được người thân thích của người chết thực hiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết theo quy định tại Điều 33 Mục 7 Chương II Luật Hộ tịch 2014 (Luật số: 60/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014).

Tuy nhiên, qua xác minh, UBND phường Tân An xác nhận cháu bé còn sống và đang được người quen nuôi dưỡng tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Như vậy, hành vi của người mẹ đã vi phạm pháp luật về đăng ký khai tử, quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 41 Mục 2 Chương III Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Chế tài áp dụng đối với hành vi này là phạt tiền 10 -20 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1 và 2 các Điểm a và c Khoản 3 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này, cũng như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Điểm b và c Khoản 3 Điều này (nếu có).

Rõ ràng, quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Và quyền sống là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế và pháp luật quốc gia.

Điều 19 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam) khẳng định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Do đó, luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng (những) cán bộ cấp giấy chứng tử trong vụ việc này cũng phải chịu trách nhiệm bởi sự tắc trách của mình. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 4 Chương I Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ, khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch (Luật số: 60/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014), nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.

Cán bộ cấp xã, phường có trách nhiệm xác minh sau khi tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cần xác minh, thời hạn giải quyết tối đa là 3 ngày làm việc.

Nếu sau xác minh và thấy việc khai tử là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ ghi vào sổ hộ tịch và cùng người yêu cầu đăng ký khai tử ký, ghi rõ họ tên vào sổ hộ tịch, sau đó báo cáo Chủ tịch UBND xã/phường.

"Trong vụ việc này, có thể thấy cán bộ tham mưu cùng lãnh đạo phường đã chủ quan, chỉ căn cứ vào khai báo của người mẹ mà thiếu kiểm tra, xác minh thực tế. Nếu những người có trách nhiệm liên quan là công chức xã, phường, họ sẽ phải kiểm điểm theo Luật cán bộ, công chức, đồng thời, tùy vào mức độ và hành vi vi phạm, những người này có thể bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, thậm chí buộc thôi việc", luật sư Tuấn phân tích.

Qua vụ việc đáng tiếc này, có thể khẳng định một lần nữa trẻ em phải luôn được xem là đối tượng đặc biệt của tình yêu thương, không chỉ trong mỗi gia đình mà còn trên phương diện xã hội. Ly hôn là chuyện không ai mong muốn trong hôn nhân, và thường trẻ em sẽ là nạn nhân chịu thiệt thòi nhất, cần được bảo vệ theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực