Cần xử nghiêm để đảm bảo bình yên chốn tâm linh

Thứ hai, 13/02/2023 16:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Phật giáo có câu “Đi chùa đúng pháp, được phúc” để nói lên rằng bất kỳ ai nếu đã thật tâm đi vãn cảnh lễ chùa thì bản thân không những phải chấp hành nghiêm pháp luật nói chung mà còn phải đúng phép tắc của Phật giáo, có như vậy thì mới mong được phúc, được an lành.

Cơ quan điều tra xác định hai đối tượng Vũ Văn Đại (SN 1992), trú tại quận Lê Chân và Bùi Đức An (SN 1992), trú tại quận Kiến An, thành phố Hải Phòng liên quan đến vụ việc gây rối trật tự công cộng, hành hung nhân viên bảo vệ Chùa Hương nên đã quyết định tạm giữ hình sự.

Trước đó, khoảng 11h00 ngày 11/2, khi đoàn khách khoảng 30 người quê ở Hải Phòng đang di chuyển tới động Hương Tích thì Đại đã trèo qua đường ngược chiều để đi xuống động. Thấy vậy, anh Trần Văn Hoàng (SN 2003) là nhân viên bảo vệ đã nhắc nhở nhưng Đại không chấp hành và cự cãi. Anh Hoàng kiên quyết yêu cầu thì bị Đại dùng tay đấm vào mặt. Hai bên xảy ra xô xát và nam nhân viên bảo vệ bị nhóm của Đại xông vào dùng chân, tay đấm đá... Trong khi đối tượng An dùng gậy gỗ rượt đuổi, đánh anh Hoàng gây thương tích ngay trong không gian động Hương Tích.

Ảnh chụp màn hình clip đăng trên mạng xã hội

Vụ việc được một số người dân quay clip và đưa lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận, tạo hình ảnh phản cảm ở không gian văn hoá tâm linh, thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.

Ngay khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng của Trạm công an động Hương Tích đã kịp thời có mặt, tiến hành khống chế, bắt giữ Đại và An đưa về trụ sở lập hồ sơ xử lý, sau đó bàn giao cho công an huyện Mỹ Đức xử lý theo thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài và thu hút đông du khách nhất trong cả nước. Dự kiến lượng du khách năm nay sẽ đạt khoảng 1,3 triệu lượt đặt ra yêu cầu ngày càng cao đảm bảo an ninh, trật tự. Trung bình, các ngày trong tuần chùa Hương đón hơn 1 vạn du khách. Ngày cuối tuần, số lượng du khách thường gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

So với các năm trước, năm nay, Lễ hội chùa Hương đã thay đổi hình thức bán vé truyền thống sang mô hình bán vé và kiểm soát vé điện tử, sắp xếp lại khu vực bán vé cho hợp lý với việc bỏ bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê.

Ngoài ra, giao 1 đơn vị tư nhân đảm nhiệm việc trông giữ xe, thống nhất một giá vé với 3 điểm trông giữ xe, mỗi điểm có thể chứa hàng ngàn lượt, đồng thời, vận hành thí điểm mô hình xe điện tại các điểm, bến, bãi xe. Công ty cổ phần Chùa Hương xanh đã đưa 110 xe điện vào khai thác cùng với đó là gần 3.800 thuyền, đò chở khách trên suối Yến được huy động.

Theo Khoản 2 Điều 6 Chương I Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau:

- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;

- Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;

- Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;

- Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định trên còn phải thực hiện các quy định sau:

+ Không đi lễ hội trong giờ hành chính;

+ Không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

Hai đối tượng Đại và An tại trụ sở cơ quan công an (Ảnh: Báo Công an Nhân dân điện tử) 

Luật sư Tuấn phân tích, với trường hợp của hai đối tượng nói trên, sau khi củng cố hồ sơ, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xem xét xử lý theo quy định tại Điều 318 Mục 4 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội gây rối trật tự công cộng.

Cụ thể, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

“Theo truyền thống của người Á Đông, đi chùa là tìm đến nơi thanh tịnh, để tìm chốn nương tựa tâm linh, mong cầu những điều tốt lành, bình an cho thân tâm. Thế nhưng ngày nay, không ít hành động lệch chuẩn, ứng xử không phù hợp của một số người đã làm ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của các điểm đến tâm linh này. Mỗi người cần tôn trọng các nội quy, quy định để có cách ứng xử phù hợp”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực