Hình phạt nào dành cho đối tượng hành hung phóng viên?

Thứ sáu, 09/06/2023 10:56
(ĐCSVN) - Các chuyên gia pháp lý và nhiều bạn đọc cho rằng, những đối tượng có hành vi hành hung phóng viên đang tác nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật. Đó là cơ sở để bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ đội ngũ phóng viên, nhà báo trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.

Phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp

Liên quan đến vụ việc 2 phóng viên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội bị hành hung trong quá trình tác nghiệp vào ngày 6/6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã quyết định tạm giữ hình sự Phạm Văn Phương (SN 1981, chủ cửa hàng quạt Khánh Phương, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) và Lê Văn Hưng (SN 1984, nhân viên cửa hàng) để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Hà Nội) cho rằng, việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự với hai người này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết, và phù hợp với các quy định của pháp luật. Thời gian tạm giữ cũng là quá trình cơ quan điều tra sẽ làm rõ nội dung vụ việc, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để có căn cứ xử lý.

"Theo thông tin phản ánh và hình ảnh ghi lại trong clip, đây là hành vi cản trở hoạt động báo chí, xâm phạm đến thân thể của phóng viên nhà báo, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định hậu quả đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu đủ căn cứ, cơ quan điều tra có thể sẽ xem xét khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối với hai người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây rối trật tự công cộng", Luật sư Nguyễn An Bình nhấn mạnh.

 Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự. Ảnh: QĐ.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Bùi Văn Thành (Hòa Bình) phân tích: Khoản 12, điều 9, Luật Báo chí quy định hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như sau: "Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật".

Điều 155 Bộ luật tố tụng Hình sự cũng nêu rõ, đối với hành vi cố ý gây thương tích đòi hỏi phải có yêu cầu của người bị hại, trong trường hợp người bị hại có yêu cầu xử lý hình sự mà có tỷ lệ phần trăm thương tích xảy ra dù dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố hình sự để xử lý bởi hành vi có thể được xác định là có tính chất côn đồ. Việc xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự nhưng sự việc được xác định là gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan điều tra có thể sẽ vẫn khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý chủ cửa hàng quạt và nhân viên về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, chế tài là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

“Do đó, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào hành vi và hậu quả hành vi của các đối tượng hành hung phóng viên; yêu cầu xử lý của người bị hại;… để đưa ra quyết định xử lý vụ việc bảo đảm phù hợp, đúng tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm”, Luật sư Bùi Văn Thành cho biết thêm.

 Dư luận cho rằng, cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi hành hung phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Ảnh cắt từ clip.

Được biết, liên quan đến việc nhóm phóng viên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội bị hành hung khi đang tác nghiệp, chiều 7/6, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 1734/UBND-TH gửi Công an Thành phố về việc kiểm tra, xử lý thông tin phóng viên bị hành hung. Cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố giao Công an Thành phố chỉ đạo điều tra vụ việc, làm rõ thông tin, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 12/6/2023; thông tin trả lời báo chí theo quy định.

Bạn đọc Lê Đức Hà ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian qua, nhà báo, phóng viên luôn là lực lượng đi đầu trong phản ánh những bất cập, tồn tại trong đó có việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh. Tôi cho rằng, việc hành hung, cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp cần phải bị xử lý nghiêm khắc để vừa bảo vệ nhà báo, phóng viên, vừa bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật”.

Có thể thấy, các quy định pháp luật hiện hành luôn ghi nhận bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, trong đó có phóng viên, nhà báo. Việc xử lý nghiêm minh các cá nhân có hành vi hành hung, cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp không chỉ là mong muốn chung của dư luận mà còn là cơ sở giúp bảo vệ đội ngũ phóng viên, nhà báo trong quá trình hoạt động nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật hiện nay./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực