Kết quả trưng cầu giám định quyết định trách nhiệm hình sự người phạm tội

Thứ sáu, 10/03/2023 20:52
(ĐCSVN) - Theo luật gia, đây là vụ việc rất thương tâm liên quan đến 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em (quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia) nên chắc chắn sẽ được điều tra xem xét xử lý công tâm, khách quan.

Ngày 8/3, chị Vũ Thị N. (32 tuổi, trú tại xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) xin phép gia đình chở hai con gái (5 tuổi và 2 tuổi) đi chơi bằng xe máy.

Đến khoảng 10h00, sau khi đi qua cầu phao Ninh Cường đến huyện Nghĩa Hưng (tại khu vực sông Ninh Cơ, giáp ranh giữa thị trấn Liễu Đề và xã Nghĩa Sơn) người mẹ này để xe trên đê sông, dẫn hai con xuống sông rồi dìm xuống nước.

Người dân phát hiện nên nhanh chóng lao vào cứu nhưng đáng tiếc cả hai cháu (sinh năm 2018 và 2021) đã tử vong.

Sông Ninh Cơ nơi xảy ra vụ việc đau lòng. (Ảnh: Phạm Hiệp)

Tại trụ sở Công an xã Nghĩa Sơn, người phụ nữ khai quê ở xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, lấy chồng xã Trực Thái. Người này từng là giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn huyện Trực Ninh, mới nghỉ việc từ cuối năm 2022 và đang ở nhà điều trị do mắc bệnh trầm cảm. Ngày 8/3, vì thấy biểu hiện bệnh có dấu hiệu thuyên giảm nên gia đình đồng ý cho chị này đưa con đi chơi nhưng không ngờ xảy ra sự việc đau lòng trên.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự đối với Vũ Thị N. về hành vi giết người.

Về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết nếu người mẹ có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm tại thời điểm gây ra vụ án, cơ quan điều tra cần thiết ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật quy định rất rõ, mất năng lực trách nhiệm hình sự phải bao gồm cả hai dấu hiệu y học và tâm lý. Nếu một người thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh trầm cảm mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này, nếu lực lượng chức năng thu thập tài liệu, chứng cứ cho thấy người mẹ đã và đang điều trị bệnh trầm cảm tại các cơ sở y tế đủ điều kiện hoạt động thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án, người mẹ sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Còn nếu kết quả giám định cho thấy trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, người mẹ chỉ hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người" theo Điều 123 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với tình tiết định khung "giết nhiều người" và "giết người dưới 16 tuổi", khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

“Việc hạn chế năng lực và điều khiển hành vi có thể được tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt”, luật gia Vinh phân tích.

Trầm cảm như một sát thủ giấu mặt, biểu hiện của căn bệnh này khiến nhiều người xung quanh các nạn nhân không thể đoán trước được hành động để ngăn cản dẫn đến những vụ việc đau lòng. Do đó, để chủ động ngăn chặn những hành vi của người mắc bệnh trầm cảm, ngoài việc phát hiện sớm bệnh, chữa trị thì cần phải trang bị kiến thức điều trị tâm lý về rối loạn tâm thần, tiếp xúc gần gũi để tháo gỡ những vướng mắc của người bệnh.

Áp lực cuộc sống là một phần nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh trầm cảm trong xã hội hiện nay. Nhiều vụ nhảy cầu, nhảy lầu, sát hại con, người thân xảy ra thời gian qua trên cả nước đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động cho sự an toàn xã hội cũng như hạnh phúc gia đình.

Thực tế đặt ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý các vụ án gây ra bởi đối tượng bị trầm cảm vì họ không có tâm lý bình thường, không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, cho nên nhiều vụ phải chuyển hướng điều tra.

“Vì vậy, người mắc bệnh trầm cảm cần được sự quan tâm của gia đình nhiều hơn những người bình thường bởi hành động của họ khó có thể đoán trước nếu như suy sụp, kích động. Vụ án trên là bài học cảnh tỉnh cho các gia đình trong việc quan tâm, chăm sóc và theo dõi phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh con”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực