Trách nhiệm của ai?
Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh, Giám đốc Công ty luật TNJ, cho rằng, việc xem xét trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức đối với hậu quả xảy ra do việc quản lý cây xanh này sẽ được xem xét theo quy định về quản lý công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn được ban hành kèm theo Quyết định 199/2004/QĐ-UB, ngày 18/8/2004 của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Trước tình huống cây xanh đổ làm 1 học sinh tử vong, khi xem xét trách nhiệm, cần nghiên cứu ở nhiều phương diện mới thoả mãn đầy đủ trách nhiệm, cụ thể, theo Điều 4 của quyết định định nêu trên thì các cơ quan tổ chức sau đây chịu trách nhiệm:
- Sở Giao thông công chính là cơ quan quản lý thống nhất công viên và cây xanh.
|
Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh, Giám đốc Công ty luật TNJ |
- Khu Quản lý giao thông đô thị thành phố quản lý đối với cây có chiều cao từ 10 mét trở lên trong công viên được đầu tư xây dựng một phần bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hoặc bằng các nguồn vốn khác và cây (cao trên 10 mét) không thuộc danh mục cấm trồng trong khuôn viên nhà đất của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
- UBND phường, xã, thị trấn hỗ trợ ngành công viên cây xanh trong công tác bảo vệ hệ thống công viên và cây xanh trên địa bàn quản lý.
|
Trường THCS Bạch Đằng, nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: PLO) |
Trường THCS Bạch Đằng là đơn vị giáo dục công lập. Nếu nhà trường trồng cây lấy từ kinh phí nhà nước thì Khu Quản lý giao thông đô thị thành phố là cơ quan quản lý nhà nước đối với cây thuộc danh mục cây cổ thụ (trồng trước năm 1996) cần phải có thống kê và đưa vào danh mục quản lý, và phải có trách nhiệm theo Điều 9 của Quyết định 199/2004/QĐ-UB.
Còn về phía nhà trường, theo quy định tại Điều 16 phải có trách nhiệm trồng theo quy định, làm theo sự hướng dẫn về chăm sóc hay đốn hạ cưa cành đều phải theo sự quản lý của cơ quan Khu quản lý giao thông đô thị thành phố.
Vấn đề là trường đã làm đúng trách nhiệm theo Điều 16 chưa? Nếu chưa thì khó quy trách nhiệm tiếp theo cho Khu quản lý giao thông đô thị thành phố, do hiện có 3 đơn vị là Ban quản lý khu đô thị Nam thành phố, Ban Quản lý khu đô thị Thủ Thiêm và Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc. Vậy quận 3 thuộc Khu quản lý giao thông đô thị nào thì khu đó phải chịu trách nhiệm cùng nhà trường xem xét việc quản lý, chăm sóc cây để xảy ra hậu quả nghiêm trọng gây chết người.
Có phải là sự kiện bất khả kháng không?
Cùng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội chia sẻ : "Cần xét đến đơn vị sở hữu, chủ sở hữu, chiếm hữu được giao nhiệm vụ chăm sóc cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường khi gây ra các tình huống ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, thiệt hại vật chất do cây đổ gây ra. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải bồi thường, cần chia tình huống".
Cụ thể, tại Nghị định 64/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị đã quy định chi tiết về hoạt động chăm sóc định kỳ cây xanh, trong đó Điều 11 nêu rõ việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc trồng cây xanh đô thị phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây xanh mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.
|
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội . |
Bên cạnh đó, việc trồng cây phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, chủ sở hữu người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Như vậy, xét trong tình huống cây đổ ở trường học vừa qua, cần xét đến đơn vị sở hữu, chủ sở hữu, chiếm hữu được giao nhiệm vụ chăm sóc cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường khi gây ra các tình huống ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, thiệt hại vật chất do cây đổ gây ra. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải bồi thường, cần chia tình huống. Cụ thể, tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, sẽ không phải bồi thường thiệt hại bởi sự kiện bất khả kháng; hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Và để làm rõ “như thế nào là bất khả kháng”, Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. “Chính vì quy định này, nếu nhà trường đã triển khai các biện pháp như cắt tỉa cành cây, buộc cây, xử lý mối mọt... để giảm thiểu tai nạn có thể gây ra thì sẽ không phải bồi thường”, Luật sư Chiến nói thêm./.