Mang dao lên máy bay bị phạt tới 10 triệu đồng?

Thứ ba, 19/07/2022 12:10
(ĐCSVN) - Ngày 18/7, Cục Hàng không cho biết trên chuyến bay VN208 hành trình TP HCM - Hà Nội cất cánh lúc 07h58 (ngày 18/7) phát sinh tình huống một khách lớn tuổi đang cầm dao dài khoảng 20 cm gọt trái cây ở khoang khách. Thời điểm xảy ra vụ việc, tiếp viên hãng bay đã lập biên bản và thu giữ con dao.

Dư luận đang băn khoăn không rõ hành vi nêu trên có vi phạm quy định an ninh, an toàn trên máy bay hay không? Nếu có thì sẽ xử lý thế nào?

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, theo quy định hiện hành, danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm mang vào khu vực hạn chế, khoang hành khách của tàu bay gồm các chất gây cháy, nổ và các vật có thành phần ngòi nổ, dây nổ và các thành phần cấu thành khác được sử dụng để gây sát thương hoặc đe dọa đến sự an toàn của tàu bay.

Hình ảnh vị khách dùng dao gọt trái cây trên chuyến bay VN208 hành trình TP HCM - Hà Nội cất cánh lúc 07h58 ngày 18/7 (Ảnh:  Trần Thư) 

Các loại vũ khí, súng và các loại vật dụng được thiết kế để gây sát thương hoặc các vật giống như vũ khí: Các thành phần cấu tạo của súng và đạn. Các chất hóa học gồm các loại bình xịt, khí và chất hóa học nhằm vô hiệu hóa hoặc gây tê liệt. Vật có lưỡi sắc hoặc đầu nhọn và các thiết bị khi phóng (bắn) có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng như: Các vật được chế tạo để băm, chặt, chẻ (rìu, dao phay); dao lam, dao rọc giấy, súng tự chế, súng phóng lao, súng cao su, các loại dao có lưỡi (không bao gồm cán dao) dài trên 6 cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10 cm; kéo có lưỡi dài trên 6 cm tính từ điểm nối giữa hai lưỡi hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10 cm; dụng cụ võ thuật có đầu nhọn hoặc cạnh sắc; chân đế máy ảnh, camera, gậy, cán ô có đầu nhọn bịt kim loại; các vật sắc, nhọn khác có thể được sử dụng làm hung khí tấn công có tổng chiều dài trên 10 cm.

Dụng cụ lao động có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng hoặc đe dọa đến an toàn của tàu bay: xà beng, cuốc, xẻng, thuổng, mai, liềm, tràng, đục, cuốc chim; khoan, mũi khoan bao gồm cả khoan bằng tay; các loại dung cụ có lưỡi sắc hoặc mũi nhọn dài trên 6 cm và có khả năng sử dụng làm vũ khí như tuốc-nơ-vít; các loại búa, cờ-lê, mỏ lết, kìm có chiều dài trên 10 cm; các loại cưa, lưỡi cưa bao gồm cả cưa bằng tay; đèn khò, dụng cụ bắn vít, bắn đinh. Vật, dụng cụ đầu tù khi tấn công gây thương tích nghiêm trọng; chất lỏng, chất đặc sánh, dung dịch xịt (chất lỏng) được quy định cụ thể tại hướng dẫn về kiểm soát chất lỏng…

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành khách mang dao lên tàu bay có thể bị xử phạt theo Điểm e Khoản 5 Điều 26 Mục 7 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2019. Theo đó, đưa vật phẩm, chất nguy hiểm vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng.

Luật sư Tuấn cho rằng việc hành khách mang vật dụng nguy hiểm (dao) lên máy bay trót lọt cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhân viên an ninh sân bay, bộ phận soi chiếu hành lý.

Cụ thể, tại Điểm b Khoản 2 Điều 16 Mục 4 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, nếu vi phạm quy định về nhân viên hàng không và thực hiện công việc theo tài liệu, quy trình, yêu cầu công việc, quy trình phối hợp hoạt động có thể bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Trong trường hợp hành vi của nhân viên an ninh có dấu hiệu uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không, mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 01 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại các Điểm a, c, h Khoản 4, Điểm b, d, đ, e Khoản 5 và các Điểm a, c Khoản 6 Điều này.

Về phía ngành hàng không, cụ thể là đại diện cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ phải khẩn trương rà soát, đánh giá lại quy trình nghiệp vụ kỹ thuật có liên quan, từ đó có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đầy đủ, chặt chẽ về nhiệm vụ của máy móc cũng như nguồn nhân lực. Cá nhân, bộ phận phụ trách theo dõi, kiểm tra an ninh hàng không và soi chiếu sẽ chịu trách nhiệm, tùy theo mức độ, có thể chuyển công tác thậm chí sa thải.

“Qua vụ việc này, có thể nói rằng người tham gia giao thông hàng không không thể đổ lỗi do trình độ văn hóa, lứa tuổi, giới tính… mà tự bản thân phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của cảng hàng không, hãng bay, đồng thời các hành khách khác cũng chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại sân bay để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực