Trên đây là một số ý kiến bạn đọc gửi đến liên quan đến sự việc xảy ra mới đây tại huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông, lợi dụng việc người dân có thể bị vướng lao lý do thiếu hiểu biết về pháp luật, đối tượng đã có hành vi hứa hẹn trợ giúp, hỗ trợ nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn với lý do “chạy án”. Vụ việc tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với cơ quan chức năng cũng như đối với người dân trong việc phát hiện, tố giác cũng như điều tra, xử lý loại tội phạm này.
|
Đối tượng Bửu Thọ tại cơ quan điều tra. (Nguồn: tienphong.vn) |
Theo đó, mới đây nhất, ngày 24/2, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bửu Thọ (trú tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp) để điều tra làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, qua quá trình quen biết, đối tượng Thọ được một người dân bị vướng lao lý do thiếu hiểu biết về pháp luật có ý nhờ vả, giúp đỡ. Lợi dụng tình cảnh này, đối tượng Thọ đã nhiều lần nhận tiền (hơn 800 triệu đồng) lấy lý do “chạy án”. Tuy nhiên, hành vi của Thọ đã kịp thời bị phát hiện, làm rõ. Cơ quan chức năng sau quá trình điều tra, làm rõ đã đủ căn cứ để lên phương án ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bửu Thọ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi vi phạm của đối tượng Bửu Thọ có thể xem xét, xử lý đối với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chiếu theo những quy định liên quan, đối tượng vi phạm sẽ chịu mức án thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; mức xử phạt cao nhất lên tới chung thân (điều 174, chương XVI, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) (được bãi bỏ)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Như vậy, việc cơ quan chức năng sớm vào cuộc ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng vi phạm về hành vi trên được dư luận quan tâm ủng hộ, đánh giá cao. Tùy thuộc vào quá trình xem xét, xử lý, cơ quan chức năng sẽ có mức xử lý tương xứng với hành vi cũng như hậu quả đối tượng vi phạm gây ra. Do đó, thông qua vụ việc này, mỗi công dân cần nâng cao nhận thức pháp luật hơn nữa, tránh gặp phải những hành vi, hành động tiếp tay cho tội phạm. Trường hợp nếu phát hiện sự việc tương tự, hoàn toàn có thể trình báo cơ quan chức năng để xử lý” – Luật sư Đặng Văn Tiến cho biết thêm./.