Phát ngôn xúc phạm người khác có thể bị xử lý hình sự

Thứ hai, 29/08/2022 10:22
(ĐCSVN) - Ngày 26/8, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho biết đang xác minh xử lý đối với nữ streamer (người phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội) có những phát ngôn xúc phạm lãnh đạo cấp cao.

Trước đó, trong buổi phát trực tiếp trên nền tảng Facebook Gaming, nữ streamer Milona đình đám một thời của trò chơi Liên minh huyền thoại đã lấy một lãnh đạo cấp cao ra làm ví dụ sau khi đọc được một bình luận khiếm nhã từ người hâm mộ nói về những người hói.

Dù buổi livestream đã bị xóa, nhưng đoạn clip hiện vẫn đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội.

Vậy hành vi nói trên sẽ bị xử lý như thế nào, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Streamer Milona (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh năm 1996, quê Thái Bình, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) được cho là phát ngôn xúc phạm người khác. (Ảnh: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết tự do ngôn luận là quyền của công dân. Nhưng nếu có những phát ngôn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý rất nặng.

Trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Điều 101 Mục 4 Chương V nêu rõ vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (tên Điều này được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 27/01/2022).

Theo đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Ngoài ra, hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội của nữ streamer còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành "Tội làm nhục người khác" và "Tội vu khống".

Cụ thể, Điều 155 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về "Tội làm nhục người khác" như sau:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Trong khi đó, Điều 156 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về "Tội vu khống" như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 02 người trở lên; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Tuấn phân tích, khoản 1 Điều 8 Chương I; Điều 16 và Điều 18 Chương III Luật an ninh mạng 2018 (luật số: 24/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018) đều nêu rõ nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, danh hùng dân tộc; tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Nhân dân.

Do hình ảnh, danh dự lãnh tụ có liên quan mật thiết đến lợi ích của nhà nước nên hành vi xúc phạm hình ảnh, danh dự lãnh tụ, lãnh đạo; cấu thành tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Thời gian qua, từ ảo tưởng về cá nhân, vai trò, quyền lực của mình trên mạng xã hội nên một vài streamer đã đi quá giới hạn về phát ngôn, thậm chí đã có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật như xúc phạm, làm nhục người khác.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế trên môi trường mạng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời nghiên cứu tăng mức phạt, khung hình phạt để cảnh báo, răn đe các cá nhân, tổ chức…

“Cách đây không lâu, một thanh niên nói xấu người miền Trung trên mạng xã hội đã bị xử phạt 10 triệu đồng. Tự do ngôn luận nhưng phải trong khuôn khổ cho phép. Mạng xã hội rất phát triển, nhưng hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi phát ngôn bất cứ điều gì”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực