Sử dụng sai logo của cơ quan, tổ chức phạt đến 1 tỷ đồng?

Thứ hai, 19/09/2022 16:32
(ĐCSVN) - Luật sư khẳng định nếu chỉnh sửa, cắt ghép, chủ ý hay không chủ ý sử dụng logo Bộ Y tế có hình ảnh "rắn ngậm phong bì" nhằm bôi nhọ uy tín của ngành Y thì tùy tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, ngày 10/9, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022. Trên phông của sự kiện thay vì hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy, một logo lạ của Bộ Y tế xuất hiện với con rắn ngậm phong bì, đầu quay sang hướng ngược lại.

Theo thần thoại Hy Lạp, biểu hiệu y khoa có hình một con rắn cuốn quanh cây gậy liên quan đến thần Hy Lạp tên Asclepios (Asclepius hay Aesculapius), vị thần của y khoa. Không phải ở Việt Nam mà trên thế giới, từ lâu, hình ảnh một con rắn cuốn quanh một cây gậy là tượng trưng chính thức của ngành y dược. Màu trắng là màu của ngành Y tế, tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị và kéo dài tuổi thọ.

Logo chính thức của Bộ Y tế (bên trái) và logo sai quy định (Ảnh: Thanh Dung) 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết ngay sau khi nhận được thông tin sự việc đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ. Bộ Y tế khẳng định gửi sang Trường Đại học Y Hà Nội mẫu logo chuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, cán bộ kỹ thuật của trường đã lấy logo trên mạng Internet đưa vào mà không để ý tính chính xác.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, vụ việc đang gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ngành Y. Vì vậy cơ quan chức năng cần sớm làm rõ và xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Tuấn phân tích, đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin hình ảnh làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vụ khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức căn cứ theo Khoản 3 Điều 64 Mục 3 Chương 4 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Mục 2 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), với mức hình phạt thấp nhất tương ứng phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Hình phạt bổ sung với người thực hiện hành vi này là phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng.

Phong bì là hai từ nhạy cảm. Việc cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế nhận phong bì của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân được coi là hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; cần phải xem xét xử lý bởi nó gây ra bất bình đẳng trong xã hội, gia tăng tham nhũng, tiêu cực và ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, cũng như suy giảm y đức.

Không rõ vì cố tình hay vô ý, nhưng phải thừa nhận rằng hình ảnh con rắn ngậm phong bì rất "trào phúng" và có ý xấu, xúc phạm đến uy tín của ngành, khiến các nhân viên y tế chân chính chạnh lòng.

“Chưa cần biết nguyên nhân chủ quan hay khách quan nhưng để sự việc xảy ra, về mặt trách nhiệm pháp lý thì người được giao thực hiện nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, luật sư Tuấn khẳng định.

Đối với việc tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi này cũng gặp lỗi sai tương tự, cơ quan chức năng cần phải điều tra, xác minh để xử lý kịp thời.

Đây là bài học lớn không chỉ cho ngành Y tế. Cơ quan chức năng cần rà soát triển khai các biện pháp để ngăn chặn, xử lý các hành vi tương tự, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa trong việc kiểm tra chọn lọc thông tin, đối chiếu kỹ càng khi được giao tổ chức một sự kiện.

Với những cán bộ phụ trách việc quản lý, in ấn, phát hành và lưu hành những tài liệu này mà không phát hiện hoặc cố ý đưa ra hình ảnh logo "trào phúng" như vậy thì cần phải xem xét xử lý kỷ luật theo luật công chức, viên chức. Nếu hành vi là cố ý tuyên truyền có yếu tố chính trị, xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì còn có thể xem xét xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc.

“Qua đây cũng gióng lên hồi chuông báo động trong công tác quản lý. Hiện tượng các băng rôn, khẩu hiệu, biển hiệu quảng cáo, các phông bạt của các cơ quan tổ chức thời gian qua liên tục có những sai sót do sự thiếu trách nhiệm của người tổ chức thực hiện in ấn, kiểm tra, nghiệm thu, lưu hành sử dụng khiến nhiều vụ việc dở khóc dở cười”, luật sư Tuấn chia sẻ thêm./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực