Tem đăng kiểm giả tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thật

Thứ ba, 07/02/2023 13:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo luật sư, việc mua bán, sử dụng giấy đăng kiểm giả không chỉ vi phạm pháp luật, chịu các hình thức xử phạt nặng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, gặp các rủi ro không đáng có. Do vậy, hãy dừng ngay lối tư duy và suy nghĩ kiểu này để đối phó với lực lượng chức năng, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.

Lúc gần 10h00 ngày 2/2, tại Km4 trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hướng từ Quảng Ngãi đi Đà Nẵng), tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 (Đội 5, Cục CSGT) đã yêu cầu ô tô mang biển kiểm soát 61F- 001.06 dừng xe, kiểm tra.

Tài xế L.X.Đ xuất trình một sổ đăng kiểm và tem kiểm định có thời hạn đến ngày 27/6/2023. Tuy nhiên, qua tra cứu hệ thống, lực lượng chức năng phát hiện thông tin trên giấy tờ không trùng khớp, nghi bị làm giả. Theo dữ liệu, phương tiện này đăng kiểm lần cuối vào ngày 13/6/2022, hết hạn là ngày 12/12/2022.

Vụ việc đã được bàn giao cho Công an huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi làm giả tài liệu, con dấu của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định.

Ô tô khách mang biển kiểm soát 61F- 001.06 được xác định là dùng tem đăng kiểm và hồ sơ đăng kiểm không hợp pháp (Ảnh: Quang Hải)

Thời gian qua, với việc hàng loạt trung tâm đăng kiểm tại nhiều địa phương vào tầm ngắm của cơ quan công an, lãnh đạo và cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như nhiều lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, bắt tạm giam, chủ xe phàn nàn gặp quá nhiều phiền hà do tình trạng quá tải khi đi đăng kiểm…, trên các "chợ mạng" đã xuất hiện nhiều lời chào bán trọn bộ tem kiểm định, tem phí bảo trì đường bộ và giấy chứng nhận đăng kiểm giả với chi phí từ 2 - 4,5 triệu đồng.

Xét về mặt pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ô tô phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm mới được phép tham gia giao thông. Chứng nhận đăng kiểm (bao gồm giấy chứng nhận, tem đăng kiểm) được cấp theo kỳ hạn, khi đến hạn, phương tiện phải được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm, trường hợp đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp tiếp chứng nhận đăng kiểm.

Đăng kiểm xe là một hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo chất lượng hay không. Mỗi tỉnh, thành phố đều có 1 hoặc nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (bao gồm cả đơn vị tư nhân - xã hội hóa). Công việc này bao gồm kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài của xe xem có đạt tiêu chuẩn hoặc cần sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người lái và cả những người tham gia giao thông khác.

Giấy chứng nhận đăng kiểm, tem đăng kiểm là hai thành phần không tách rời của chứng nhận đăng kiểm xe. Tem đăng kiểm được dán trên kính xe (phía trên bên phải của người lái) để tiện cho chủ xe theo dõi và phục vụ kiểm soát của lực lượng chức năng.

Giấy chứng nhận đăng kiểm và tem đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý và cấp phôi cho các trung tâm đăng kiểm, và có những đặt điểm riêng. Do vậy, các ngành chức năng dể dàng phát hiện giấy đăng kiểm giả bằng các biện pháp nghiệp vụ hoặc có thể phát hiện thông qua tra cứu thông tin trên website Cục Đăng kiểm Việt Nam tại www.vr.org.vn.

Theo luật sư Tuấn, thực tế có vô vàn lý do “dẫn lối” chủ xe đến với dịch vụ làm giả đăng kiểm xe, như xe đã qua độ/chế, quá hạn đăng kiểm, mất giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận đăng kiểm bị hư hỏng...

Gõ từ khóa “cần mua giấy đăng kiểm ô tô”, có khoảng 28.900.000 kết quả chỉ sau 0,31 giây. Từ đây, chúng ta dễ dàng tiếp cận nhóm cá nhân, tổ chức bất chấp pháp luật “sẵn sàng cung ứng” dịch vụ làm tem đăng kiểm giả qua lời chào mời uy tín, nhanh chóng, không đặt cọc, mức độ bảo mật cao... Với mức giá trung bình từ 2 - 4 triệu đồng, chỉ cần chụp ảnh xe và đăng kiểm cũ thì thông thường sau 3 ngày chủ phương tiện sẽ nhận được 2 tem và sổ đăng kiểm mới qua hình thức chuyển phát nhanh.

“Gần đây, sau khi các trung tâm đăng kiểm bị “sờ gáy”, dịch vụ làm đăng kiểm giả trở nên “kín đáo” và gặp khó khăn hơn. Các đối tượng bán tem giả cảnh giác hơn, số điện thoại liên hệ thường là SIM rác. Thậm chí chỉ mối quen giới thiệu mới có thể tiếp cận được”, luật sư Tuấn phân tích.

Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm nói trên, người có hành vi sản xuất, buôn bán tem kiểm định giả sẽ bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 202 Mục 2 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị; Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên; Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đối với người điều khiển phương tiện, tại Khoản 5 Điều 16 Mục 3 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng); Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông); Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Không chỉ người điều khiển phương tiện, Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện đưa ôtô có giấy, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông (theo Khoản 8 Điều 30 Mục 6 Chương II).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 341 Chương XXII Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

"Thông thường, giấy chứng nhận đăng kiểm giả chủ yếu được gắn trên những xe đã cải tạo không đúng với thiết kế ban đầu hoặc là những xe kiểm định nhưng không đạt.Với tình trạng đăng kiểm khó khăn như hiện nay, tình trạng sử dụng tem giả sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí có thể gia tăng trong thời gian tới”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực