|
Cho rằng giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt,
người dân đổ xô đi mua xăng dầu tích trữ. (Nguồn: TTXVN)
|
Thời gian gần đây, do lo ngại tình hình giá xăng dầu ảnh hưởng phần nào tới đời sống hằng ngày, một số người dân đã có hành động tự mang các vật liệu lưu trữ như can, thùng nhựa, … để đến các cửa hàng xăng dầu mua tích trữ về sử dụng dần. Vậy, trong trường hợp này, hành vi tích trữ xăng dầu dù không nhằm mục đích kinh doanh của một số người dân như trên có trái quy định của pháp luật hay không? Có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để có xung quanh chủ đề này.
Nhìn nhận vấn đề trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, quy định về việc tàng trữ, sử dụng chất nguy hiểm về cháy nổ đã có, trong đó, có điều 13, chương I, Luật phòng cháy và chữa cháy 2001; Sửa đổi, bổ sung các khoản 3, 5, 6, 7 và 8; bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 và bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 (Luật số 40/2013/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2013) quy định: “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy đã được Nhà nước quy định”. Do đó, hành vi tích trữ xăng, dầu dù nhằm mục đích kinh doanh hay không nhằm mục đích kinh doanh vẫn là hành vi trái quy định của pháp luật.
Xăng dầu là hàng dễ cháy, nổ nếu không có hệ thống lưu cất quy chuẩn. Do đó, việc tích trữ mặt hàng này phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Với trường hợp việc tích trữ xăng dầu lại không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Về hình thức xử lý, xử phạt, luật sư Lê Xuân Thảo cho rằng, các căn cứ về nội dung này được quy định như sau: Đối với hình thức xử lý hành chính (phạt tiền) thì khoản 4, điều 32, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình nêu: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
Về trách nhiệm hình sự, hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách nhiệm về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", theo điều 313, mục 3, chương XXI, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, tuỳ theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù. Trong trường hợp này, đáng chú ý có quy định, khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù trong trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 05 năm.
Trường hợp nếu cơ quan chức năng xác định được nếu hành vi tích trữ số lượng lớn xăng, dầu nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng nhằm mục đích chuộc lợi, gây ảnh hưởng tới cộng đồng thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về "Tội đầu cơ" (quy định tại điều 196, mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có giá trị từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc bán lại để thu lời bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 60.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khung hình phạt cao nhất bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm trong trường hợp hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; hoặc thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực nhất định, thậm chí là bị phạt tù từ 7 - 15 năm.
“Như vậy, những nội dung liên quan đến vấn đề nêu trên đã có. Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định về việc mua bán, sử dụng các mặt hàng liên quan đến xăng dầu, không nên vì suy nghĩ cá nhân mà ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội. Việc thực hiện đúng quy định liên quan đến mua bán, sử dụng các mặt hàng xăng dầu không những bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình mà còn cộng đồng xã hội. Trường hợp nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm, ngoài việc bị xử lý hành chính thì người vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các yếu tố cấu thành tội danh. Khi đó, bất kỳ hành vi vi phạm hoặc công dân nào cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – Luật sư Lê Xuân Thảo phân tích thêm./.