|
Một số bất cập nảy sinh tại lỗi thu phí tự động tại trạm BOT giao thông
những ngày đầu năm mới khiến dư luận quan tâm. (Nguồn: laodong.vn)
|
Liên quan đến nội dung thời gian gần đây, dư luận bày tỏ sự quan tâm đến việc liên tiếp có các trường hợp chủ phương tiện hoặc người sử dụng phương tiện vận tải đường bộ (ô tô) phản ánh gặp sự cố với làn thu phí tự động tại một số trạm BOT giao thông một số tuyến cao tốc như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Cao tốc 5b đi Hải Phòng … Mặc dù, Bộ GTVT mới đây đã thừa nhận xuất hiện lỗi trong thu phí không dừng. Theo Bộ lý giải, hiện có 63 trạm thu phí đã lắp 100% thu phí tự động không dừng (ETC) trong tổng số 113 trạm đã triển khai. Tuy nhiên, do lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống ETC liên quan đến nhiều đối tượng, vì vậy vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền. Nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí ETC. Đây là những lỗi cần tiếp tục phải hoàn thiện, khắc phục dứt điểm trong thời gian tới.
Trường hợp lỗi chủ quan thì dư luận hoàn toàn có thể thông cảm. Tuy nhiên, trường hợp nếu chủ phương tiện phát hiện lỗi hành vi vi phạm của đơn vị vận hành thu tại trạm thu phí thì có thể thông báo tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết hay không? Hay quy định liên quan đến các hành vi bị cấm của đơn vị vận hành thu gồm những nội dung nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ.
Theo luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định về hoạt động của trạm thu phí đường bộ của Bộ GTVT có nêu đầy đủ những nội dung liên quan đến vấn đề được dư luận quan tâm nêu trên. Một trong số đó là nội dung liên quan đến trách nhiệm của đơn vị vận hành thu (điều 21, chương IV). Tại quy định này, ngoài việc thực hiện trách nhiệm được Đơn vị quản lý thu giao hoặc thực hiện theo hợp đồng dịch vụ thu ký kết với Đơn vị quản lý thu, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu phí để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quá trình thu; Quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí theo quy định của pháp luật; Sao lưu dữ liệu thu theo quy định … (từ khoản 1 đến khoản 7, điều 21, chương IV) thì tại khoản 8, điều 21, chương IV còn có nội dung liên quan đến những hành vi bị cấm đối với Đơn vị vận hành thu. Theo đó:
Trách nhiệm của Đơn vị vận hành thu
…
8. Không để xảy ra các hành vi sau:
a) Gian lận tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ;
b) Can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu, hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phương tiện và tiêu cực trong lĩnh vực giám sát tải trọng phương tiện; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ;
c) Tổ chức bán vé, soát vé không kịp thời, sách nhiễu đối với người mua vé; không bán đầy đủ hoặc hạn chế, giới hạn thời gian bán các loại vé tháng, vé quý theo quy định; gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ tại khu vực trạm thu phí; thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không đúng quy định;
d) Nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ mà không giao vé hoặc giao vé không đúng chủng loại phương tiện lưu thông qua trạm thu phí; để phương tiện giao thông đường bộ (đối tượng phải mua vé) không có vé đi qua trạm thu phí;
đ) Không thực hiện việc bảo trì tài sản của trạm thu phí; tự ý tháo dỡ, thanh lý, nhượng bán tài sản của trạm thu phí; không thực hiện việc hiệu chuẩn, kiểm định đối với nhóm thiết bị cần phải thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định theo quy định;
e) Sử dụng công nghệ hoặc các phương thức khác để truyền dữ liệu lên Hệ thống quản lý, giám sát thu không đúng thực tế hoặc can thiệp vào phần mềm giám sát thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến sai khác lưu lượng, doanh thu tại trạm thu phí.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 03 năm 2022 và thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng các quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
“Như vậy, ngoài việc thực hiện các phần nhiệm vụ theo hợp đồng ký kết thì pháp luật cũng quy định rõ một số hành vi bị cấm đối với đơn vị vận hành thu. Do đó, trường hợp công dân khi phát hiện hành vi vi phạm hoàn toàn có thể phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời có phương án xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan. Việc này ngoài việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước còn bảo đảm quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự” – Luật sư Lê Xuân Thảo phân tích thêm./.